Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm rõ việc thương lái Trung Quốc tranh mua nông sản Việt Nam
28 | 07 | 2011
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các sở Công Thương yêu cầu báo cáo về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua một số loại nông sản tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam, xuất khẩu khỏi thị trường Việt Nam qua con đường tiểu ngạch không phải chịu thuế khiến doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khó khăn do phải tranh mua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã cho biết như trên trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Bà Thoa nhấn mạnh cần làm rõ khái niệm "thương lái nước ngoài sang tranh mua nông sản" bởi lẽ việc xuất hiện thương nhân nước ngoài tại thị trường Việt Nam có thể theo nhiều hình thức rất khác nhau.

Việc thương lái tranh mua nông sản sẽ xảy ra 4 trường hợp: Thứ nhất là những thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam thực hiện quyền xuất khẩu theo quy định của Nghị định 90/2007/NĐ-CP.

Trong trường hợp này, các thương nhân nước ngoài phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và thực hiện mua hàng hóa để xuất khẩu với thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh các loại hàng hóa đó theo qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai là những thương nhân nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam, thực hiện quyền xuất khẩu theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP. Trong trường hợp này, các thương nhân nước ngoài đó có quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu.

Tuy nhiên, quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Thứ ba là hoạt động của các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam thương nhân nước ngoài theo qui định tại Nghị định số 72/2006/NĐ-CP.

Các văn phòng đại diện đó có thể được ủy quyền ký kết hợp đồng nhưng trong trường hợp thương nhân nước ngoài ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, bổ sung hợp đồng đã giao kết.

Thứ tư là hoạt động khảo sát thị trường thông thường. Theo đó, sau khi khảo sát thương nhân nước ngoài ký kết hợp đồng với các thương nhân Việt Nam thực hiện mua bán hàng hóa và xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài. Đây là một hoạt động ngoại thương bình thường.

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được bộ Công Thương cấp phép. Vì vậy, nếu các thương nhân vi phạm pháp luật Việt Nam trong từng trường hợp cụ thể thì phải xử lý.

Bộ Công Thương đã giao cho cục Quản lý thị trường chỉ đạo các chi cục Quản lý thị trường địa phương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp trái pháp luật nếu có.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết việc xuất khẩu khỏi thị trường Việt Nam qua con đường tiểu ngạch không phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không có khái niệm "tiểu ngạch" mà theo quy định tại Quyết định 254/2006/QĐ-TTg và Quyết định 139/2009/QĐ-TTg, đó là hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (gọi tắt là thương mại biên giới).

Hoạt động này gồm mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo các phương thức thỏa thuận trong Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.

Cũng theo quy định của Quyết định 254/2006/QĐ-TTg, hàng hóa thương mại biên giới phải nộp thuế và các lệ phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo các thỏa thuận song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ có chung biên giới. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu dù bằng con đường nào cũng đều phải thực hiện theo qui định của pháp luật Việt Nam về việc nộp thuế và các lệ phí.

Để tránh, phòng ngừa tình trạng nguồn cung một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu từ nay đến cuối năm có khả năng thiếu hụt nhất là mặt hàng thực phẩm như thịt lợn tăng mạnh trong thời gian này, Bộ Công Thương đã chủ động yêu cầu các Sở Công Thương rà soát, đánh giá cung cầu, thực hiện chế độ báo cáo giá cả hàng ngày về Bộ để theo dõi và xử lý kịp thời nếu thiếu nguồn cung cục bộ.

Bên cạnh đó, bộ cũng yêu cầu chi cục Quản lý thị trường các địa phương có đường biên giới phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra về tình hình xuất khẩu thịt lợn trên địa bàn.

Đồng thời, bộ Công Thương sẽ phối hợp với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá thực trạng cung-cầu, giá cả và diễn biến thị trường sáu tháng, từ đó xác định cung cầu các nhóm, các mặt hàng thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước cũng như tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.

Theo Vietnam+



Báo cáo phân tích thị trường