Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái cơ cấu, con đường vượt khó của doanh nghiệp
10 | 05 | 2011
Trước tình hình môi trường kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay, để có thể nắm bắt cơ hội cũng như hóa giải thách thức, các doanh nghiệp (DN) cần tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn và tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững, ổn định lâu dài.
33% doanh nghiệp gặp khó
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), năm 2010 Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh, tiến 10 bậc so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước và đứng thứ tư trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) luôn ở mức cao, đạt 6,78%, vượt kế hoạch được Quốc hội phê chuẩn (6,5%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009. Đến cuối năm 2010, tổng số DN đăng ký thành lập đã đạt 544.394 đơn vị, vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ (500.000 DN).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn còn những yếu tố tác động không tốt đến hoạt động của DN, như lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, nền kinh tế phải đối phó với tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách ngày càng gia tăng…
Hiện, có đến 85% DN phải vay ngân hàng với lãi suất 12-13% trở lên, nếu buộc phải chấp nhận thì chỉ có 67% DN có thể chịu đựng được, nghĩa là 33% DN còn lại sẽ gặp khó khăn với mức lãi vay này trong lâu dài, khiến họ phải quay sang đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn hoặc các dự án rủi ro cao nhưng lãi nhiều.
Mặc dù tỷ trọng của các DN khu vực tư nhân chiếm trên 95% và ngày càng tăng về số lượng, tuy nhiên, sự đóng góp của các DN này chưa tương xứng với số lượng, ngoại trừ việc tạo việc làm cho gần 60% số lao động. Các DN ngoài quốc doanh xét cả về lao động và nguồn vốn đều nhỏ bé hơn nhưng lại đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng trưởng về quy mô, tài sản và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh cao hơn hẳn so với các DN Nhà nước.
Càng khó khăn càng phải chủ động
Theo đánh giá chung của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, cái khó đối với DN xuất phát cả từ khách quan và chủ quan, nếu không sớm ổn định và vượt qua thì sẽ có không ít DN rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều DN nhỏ và vừa cho rằng, bài toán khó nhất với họ hiện nay chính là vấn đề chi phí, giá các nguyên liệu đầu vào đang tăng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và mở rộng thị trường. Trong khi DN không thể tăng giá tương ứng vì thị trường không chấp nhận, các đơn hàng đã ký hợp đồng dài hạn chưa thể điều chỉnh giá ngay.
Nhiều DN còn phải “cõng” thêm nỗi lo về lãi suất, tỷ giá. Trong đó, việc thay đổi tỷ giá đồng USD cộng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay khiến nhiều đơn vị không dám đầu tư mới mà chỉ sản xuất cầm chừng.
Trước tình hình này, Nhà nước và các cấp, ban ngành đang nỗ lực đưa ra các biện pháp bình ổn thị trường, ổn định giá cả, hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, các nhà hoạch định cho rằng, bản thân các DN cũng cần tái cơ cấu lại bộ máy, thay đổi công nghệ, tự đánh giá lại năng lực cạnh tranh… để từ đó chủ động hơn trong việc vượt qua khó khăn.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, DN phải xem tái cấu trúc là một nhu cầu tự thân, liên tục và phải dựa trên chiến lược phát triển của DN, đồng thời dựa vào định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế.
Trong khi đó, theo TS.Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), suốt 3 năm qua, DN tư nhân đã phải “oằn mình” chống lại những khó khăn của tình hình lạm phát, khủng hoảng kinh tế bằng việc thu hẹp sản xuất, hạn chế đầu tư tập trung dài hạn, giữ lại lao động, chịu lợi nhuận ít hơn. Do vậy, tái cơ cấu DN về bản chất là thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực để nguồn lực được sử dụng hợp lý hơn và phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Việt Nam nên giám sát thắt chặt đầu tư và cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp Nhà nước. “Bên cạnh đó, cần giảm nhanh triệt tiêu dư địa, động lực khiến nhà đầu tư đi tìm địa tô hơn là lợi nhuận. Cắt giảm chi phí bôi trơn, tiếp tục đổi mới, dứt khoát chuyển sang cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế xin-cho, cấp phát... thì mới góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các DN”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn


Báo cáo phân tích thị trường