Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỹ và Nga - hai mảng sáng của thị trường XK nhuyễn thể Việt Nam
01 | 08 | 2011
Bước sang tháng 6, XK nhuyễn thể bắt đầu tăng trưởng mạnh tại các thị trường chính, trong đó Mỹ và Nga có sức hút lớn đối với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và mực, bạch tuộc của Việt Nam...

Mỹ: “Lực hấp dẫn” nhuyễn thể 2 mảnh vỏ

Hai tháng đầu năm nay, trong khi tại một số thị trường chính như EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông, Hàn Quốc... XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vẫn “im lìm” với mức tăng trưởng âm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái thì Mỹ đã trở thành “tâm điểm” của bức tranh XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ Việt Nam khi tăng trưởng toàn diện đến 3 con số cả về khối lượng và giá trị: tăng 147,3% về khối lượng và 140,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Khi đó, nhiều DN đã nhận định năm nay Mỹ sẽ là “lực hút” của nhiều nhà XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ Việt Nam do nhu cầu NK lớn, ổn định và giá NK liên tục tăng.

Quả vậy, tiếp nối mức tăng trưởng 3 con số trong 3 tháng đầu năm liên tiếp, bước sang tháng 4/2011, Mỹ vượt Nhật Bản vươn lên vị trí thứ 2 trong các thị trường NK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam chỉ sau EU cho dù giảm 21,8% về khối lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên tại cùng thời điểm, không riêng Mỹ mà nhiều thị trường khác cũng bị sụt giảm, cụ thể: EU giảm 9,9% về khối lượng và 2,3% về giá trị, Nhật Bản giảm 39,2% về khối lượng và 74,6% về giá trị, ASEAN giảm 69,3% về khối lượng và 43,5% về giá trị... so với cùng kỳ năm 2010. Tính đến hết tháng 4/2011, XK mặt hàng này sang Mỹ tăng 45,8% về khối lượng và 49,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Hai tháng trở gần đây, giá NK trung bình nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại thị trường này tương đối tốt, tăng từ 2,34 - 2,46 USD/kg năm 2010 lên 3,11 - 3,21 USD/kg năm 2011. Và Mỹ lại tiếp tục NK mặt hàng hải sản này từ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng rất mạnh: Tháng 5/2011, Mỹ NK hơn 221 tấn với trị giá 709 nghìn USD, tăng 60,7% về khối lượng và 120,2% về giá trị; tháng 6/2011, NK tăng 100,1% về khối lượng và 152,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, NK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam vào Mỹ tăng 57,2% về khối lượng và 75,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao so với các thị trường NK lớn nhất mặt hàng này từ Việt Nam.

Nga: Phục hồi mạnh mẽ nhập khẩu mực, bạch tuộc

Năm ngoái, “không khí” XK nhuyễn thể sang Nga ảm đạm. Nhiều DN cho rằng nhu cầu của thị trường này không ổn định, giá thấp và thời gian thanh toán chậm. Do đó, nhiều nhà XK tạm ngưng hoặc chủ động giảm khối lượng nhuyễn thể XK sang Nga. Thậm chí, hai tháng đầu năm 2011, cả nước chỉ XK sang Nga được 91 tấn mực, bạch tuộc với giá trị 300 nghìn USD, giảm 43,4% về khối lượng, 34,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bước sang tháng 3, mặc dù vẫn đứng ở vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng các thị trường NK lớn nhất của mực, bạch tuộc của Việt Nam, sau Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan nhưng riêng tháng 3/2011, Việt Nam đã XK sang Nga được 231 tấn mực, bạch tuộc tương đương 703 nghìn USD, tăng đến 860,8% về khối lượng và 870,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 4/2011, XK mực, bạch tuộc sang Nga có dấu hiệu chững lại nhưng sang tháng 5/2011, tốc độ XK mặt hàng nhuyễn thể chân đầu sang thị trường này đã lấy lại cân bằng, giá XK tăng từ 2,73 USD/kg năm 2010 lên 3,85 USD/kg (năm 2011), khối lượng XK tăng 237,7% và giá trị XK tăng 376% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đà đó, tháng 6/2011, XK mực, bạch tuộc sang thị trường Nga lại tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục so với cùng kỳ năm trước khi tăng đến 753,9% về khối lượng và 1012,1% về giá trị. Tính chung đến hết tháng 6/2011, XK nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam sang thị trường này tăng 133,4% về khối lượng và 184,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Trong thời gian này, nhiều DN đang có kế hoạch “khởi động” lại thị trường Nga với nhiều đơn hàng cho những dịp cuối năm 2011. Một số nhà XK mực, bạch tuộc nhận định, khi giá XK tại thị trường này tiếp tục ổn định và cân bằng được giá thành sản xuất, có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, sẽ có nhiều DN quay trở lại đầu tư XK mặt hàng này sang Nga.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường