Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nữ doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền - Nặng lòng với cá tra đặc sản
10 | 08 | 2011
Nữ doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), là người tiên phong thành lập Viện Nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam để nâng cao giá trị cá tra trên trường quốc tế bằng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao. Đây là bước đột phá đem lại lợi ích cho công ty, cho người nuôi cá và ngành thủy sản.

Nghề cá gặp khó

Từ đầu năm đến nay, các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL tiếp tục gặp khó khăn bởi giá thức ăn liên tục tăng vọt, đẩy chi phí giá thành lên cao. Ông Ba Đệ, hộ nuôi cá ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết: “Đợt vừa rồi tôi bán 100 tấn cá nguyên liệu, sau khi trừ hết các khoản chi phí như thức ăn, nhân công, lãi ngân hàng… tính ra lỗ gần 200 triệu đồng”. Đồng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Khiêm ở Lai Vung (Đồng Tháp) thừa nhận:

Gần đây giá cá tra có nhích lên nhưng người nuôi vẫn khó khăn bởi các chi phí đầu vào đều tăng. Bên cạnh đó, tình trạng hao hụt ngày càng cao, có đợt vượt mức 30%- 40%, thậm chí 50%. Tỷ lệ hao hụt nhiều như vậy, người nuôi dù có giỏi cách mấy cũng phải lỗ vốn. Theo các Sở NN- PTNT các tỉnh, thành ở ĐBSCL, môi trường ô nhiễm tràn lan, nguồn thức ăn kém chất lượng, con giống không đảm bảo… là tác nhân khiến cá chết nhiều và nông dân là người lãnh đủ.

Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, trăn trở: Khoảng 3 năm nay nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ, nhiều bà con bỏ nghề. Một trong những nguyên nhân chính là giá cá không ổn định nên việc định hướng sản xuất rất khó khăn. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng: Cá tra là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Hiện nhiều hộ nợ nần chồng chất buộc phải bán ao hầm để trả. Vực dậy nghề cá để tìm hướng đi mới là vấn đề cấp bách.

Phát triển  chuỗi giá trị cá tra

Theo Sở NN- PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, phải nâng được giá xuất khẩu cá tra cao hơn, từ đó đẩy giá thu mua nguyên liệu tăng lên đảm bảo cho người nuôi có lãi thì nghề cá mới phát triển ổn định.

Trong lúc các ngành chức năng loay hoay tìm lối ra thì Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đột phá bằng cách làm tăng chuỗi giá trị cá tra trên thương trường quốc tế. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Bianfishco Phạm Thị Diệu Hiền cho biết: “Nhiều năm qua công ty luôn trăn trở về việc nâng giá trị cá tra, không thể dựa mãi vào xuất khẩu phi lê đơn thuần. Bianfishco thành lập Viện Nghiên cứu thủy sản nhằm nghiên cứu những sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao”.

GS- TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng, viện nghiên cứu đi vào hoạt động sẽ giúp Bianfishco nâng cao chất lượng thủy sản từ vùng nuôi đến bàn ăn, đáp ứng những rào cản khắt khe của thị trường tiêu thụ trên thế giới. Bianfishco là doanh nghiệp nắm rõ xu thế đòi hỏi của thị trường và giải quyết tốt những hạn chế của ngành thủy sản bằng giải pháp chất lượng. Các mặt hàng mới như nước mắm, dầu ăn, hàng giá trị gia tăng, collagen… sẽ giúp công ty đa dạng sản phẩm kinh doanh, tăng nguồn thu; đồng thời phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước những sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Hiện nay, đa số các nhà máy chế biến thủy sản sau khi lấy 2 miếng phi lê (chiếm khoảng 30% trọng lượng cá) đem đi chế biến xuất khẩu, thu lời được một ít thì 70% còn lại của cá tra như xương, mắt, vi cá, gan, bao tử, bong bóng… bỏ đi rất uổng, chưa kể tốn kém chi phí xử lý tránh ô nhiễm môi trường. Mong muốn của Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An là sẽ sử dụng 70% còn lại của cá tra để nghiên cứu chế biến thành những mặt hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần so với xuất khẩu cá tra phi lê.

Bà Diệu Hiền cho biết, qua nghiên cứu của Bianfishco, toàn bộ con cá tra đều có những chất bổ dưỡng, sử dụng được hết. Trước mắt, viện đã thử nghiệm thành công mặt hàng nước mắm cao cấp và đang khẩn trương hoàn thiện các công đoạn sản xuất để cuối năm nay tung ra thị trường. Hàng trăm sản phẩm giá trị gia tăng được chế biến từ cá tra cũng được xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu… và bán nội địa. Năm 2011, sản phẩm dầu ăn tiếp tục ra đời; đặc biệt là mặt hàng collagen sẽ được xuất khẩu rộng rãi. Đây là sản phẩm có giá trị cao, giúp Bianfishco tăng mạnh về doanh thu và lợi nhuận, do đó công ty đang đầu tư làm nhanh collagen. Tất cả các mặt hàng mới của Bianfishco sẽ dành 80% xuất khẩu và 20% tiêu thụ nội địa.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều phần việc nhằm làm tăng chuỗi giá trị của cá tra. Một khi các mặt hàng cá tra đạt giá trị xuất khẩu ở mức cao thì doanh nghiệp sẽ mua cá nguyên liệu cho người nuôi với giá cao; từ đó nghề cá sẽ ổn định”.

Lãnh đạo Bộ NN- PTNT nhìn nhận, Bianfishco là doanh nghiệp có đủ khả năng để làm việc này, bởi công ty xây dựng chiến lược phát triển rất căn cơ. Bianfishco đã có viện nghiên cứu, có hội đồng khoa học gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, có cơ sở vật chất rất tốt… Điều này không chỉ khẳng định hướng đi đúng của Bianfishco mà còn giúp người nuôi cá được hưởng lợi và góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13- 10, bà Diệu Hiền tâm sự: “Thời gian qua, Bianfishco đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế trao tặng. Lần này, lại được nhận cúp Thánh Gióng dành cho những doanh nhân tiêu biểu. Tôi nghĩ, ngoài sự nỗ lực của toàn thể CB-NV công ty, để có được một Bianfishco vượt qua nhiều khó khăn, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thương trường như hôm nay, còn nhờ sự tin tưởng, động viên, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, cổ đông, ngân hàng, nhà nhập khẩu, đối tác quốc tế…. “Đây là động lực để Bianfishco tiếp tục phấn đấu phát triển mạnh trong thời gian tới”.

Theo SGGP



Báo cáo phân tích thị trường