Thiệt hại vụ cà phê do sương giá tại Brazil thấp
Tại Brazil, thiệt hại do sương giá với mùa vụ cà phê đã được điều chỉnh xuống mức thấp nhất, làm dịu đi những lo ngại về nguồn cung trên thị trường.
Tin tức về mùa vụ cà phê Brazil chịu sương giá đã làm dấy lên mối lo ngại lớn đối với những nhà sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Starbucks, vốn chủ yếu sử dụng cà phê từ nhà cung cấp này để pha chế. Trong những lần cà phê Brazil chịu sương giá vào thập niên 70 và 90 của thế kỷ trước, mùa vụ cà phê tại nước này đã chịu thiệt hại rất nặng nề.
Tuy nhiên, theo những chuyên gia cà phê Brazil, lần sương giá này chỉ gây thiệt hại nhỏ đối với vụ cà phê. Theo báo cáo từ Reuters, thiệt hại do sương giá bao trùm vành đai cà phê ở phía Đông Nam Brazil nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ và rất ít khu vực trồng cà phê tại phía nam bang Minas Gerais chịu ảnh hưởng bởi sương giá.
Sản lượng cà phê từ Minas Gerais chiếm khoảng một nửa sản lượng cà phê tại Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tin tức về sương giá ảnh hưởng ít đến vụ cà phê đã làm dịu đi những lo ngại về nguồn cung căng thẳng trên thị trường thế giới, đẩy giá lên cao kỷ lục.
Tuy nhiên, Cooxupe, hợp tác xã sản xuất cà phê lớn nhất của Brazil, với tỷ trọng thương mại chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê nước này hàng năm, thừa nhận rằng khoảng 4,4 ngàn ha cà phê tại Minas Gerais và khu vực lân cận Sao Paulo đã chịu ảnh hưởng.
Vào ngày 10/8, Somar, chuyên gia dự báo thời tiết Brazil cho rằng khối khí lạnh có thể mang mưa tới nhưng sẽ không kèm theo sương giá và đến cuối tháng 8,khu vực này trồng cà phê lớn sẽ không phải chịu thêm đợt sương giá nào nữa.
Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường Luân Đôn tăng cao trong phiên giao dịch ngày 12/8, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2010, một phần do lượng dự trữ thấp tại châu Âu.
Giá cà phê Robusta giao tháng 11 vọt tăng 26 USD, tương đương 1,2%, lên mức 2.246 USD.tấn trên thị trường Luân Đôn trong phiên giao dịch ngày 12/8. Giá cà phê tăng tổng cộng 8,9% trong tuần giao dịch trước và tăng giá bốn phiên liên tiếp tính đến ngày 12/8, chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6.
Giá cà phê Arabica tăng 0,85 cent, tương đương 0,3%, lên mức 2.449 USD/pound trên thị trường New York.
Thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất cà phê Colombia
Trong khi đó, những nông dân trồng cà phê Colombia – những nhà sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao hàng đầu thế giới, đang phải đau đầu với việc mùa vụ cà phê không đạt sản lượng mục tiêu 9 – 9,5 triệu bao trong niên vụ 2011 do hình thế thời tiết La Nina gây mưa, ảnh hưởng đến sản xuất cà phê.
Sản lượng cà phê tháng 7 của nước này giảm xuống mức 530 ngàn bao loại 60 kg, giảm ít nhất 33% so với cùng kỳ năm 2010. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 25%, xuống mức 458 ngàn bao.
Theo báo cáo từ Reuters, sản lượng cà phê tại Colombia trong 7 tháng đầu năm 2011 giảm xuống mức 4,6 triệu bao loại 60 kg, từ mức 4,8 triệu bao trong cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, theo khảo sát của Bloomberg, Colombia đã giảm 5,6% sản lượng cà phê ước tính trong niên vụ 2010 – 2011, xuống mức 9 triệu bao.
Hoạt động sản xuất cà phê tại Colombia suy giảm trong suốt hai niên vụ 2009 – 2010 do điều kiện thời tiết bất lợi và nước này khởi động chương trình tái canh cây cà phê.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Uganda điều chỉnh tăng
Uganda vừa điều chỉnh tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê dự đoán niên vụ 2010 – 2011 lên mức 2,8 triệu bao loại 60 kg, từ mức 2,67 triệu bao dự đoán vào tháng 4, do mùa vụ diễn biến tích cực.
Theo báo cáo từ Reuters, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Uganda tăng trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2010 nhờ mùa thu hoạch cà phê tốt tại khu vực Tây Nam nước này. Đồng Shilling của Uganda cũng chạm mức thấp nhất trong vòng 18 năm so với đồng USD.
Theo báo cáo từ Bloomberg, đồng Shilling của Uganda, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai của châu Phi, đã giảm 17% so với đồng USD trong năm 2011, là đồng tiền giảm giá mạnh nhất so với đôla Mỹ trên thị trường tiền tệ quốc tế. Giá nhiên liệu và thực phẩm tăng đã đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục trong vòng 18 năm, đạt 18,7% trong tháng 7, tăng từ mức 15,7% trong tháng 6.
Uganda là nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực Đông Phi. Dòng USD chảy vào nền kinh tế này rất nhỏ giọt, trong khi nhu cầu với đồng tiền này, xuất phát cả từ các công ty đa quốc gia và các nhà nhập khẩu, đều rất lớn. Ngân hàng trung ương nước này được cho là nguyên nhân của tình trạng trên do không có khả năng cung ứng đồng USD thường xuyên ra thị trường.
Sự xâm chiếm của Nestle vào thị trường cà phê Việt Nam
Mức dự trữ thấp và giá cao đã làm hạn chế kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm tài khoá 2011 có thể giảm hơn 5%. Theo báo cáo của Reuters, trong năm tài khoá 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,15 triệu tấn, tương đương 19,17 triệu bao loại 60 kg, giảm 5,43% so với năm 2010.
Mức dự báo này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu cà phê ước tính khoảng 1,2 triệu tấn, tương đương 20 triệu bao loại 60 kg, của Bộ NN&PTNT.
Trong khi đó, Nestle, nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới, vừa công bố kế hoạch đầu tư nhà máy trị giá 270 triệu USD tại miền Nam Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cà phê xuất khẩu và nội địa. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Nestle dự kiến thu mua khoảng 30 ngàn tấn cà phê mỗi năm trong vòng 5 năm tới cho hoạt động của nhà máy này.
Nestle đã thu mua khoảng 20 – 25% lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Với mức thu mua dự kiến như trên, hàng năm Nestle có thể mua ít nhất 230 ngàn tấn cà phê từ Việt Nam.
Honduras trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất Trung Mỹ
Những nông dân trồng cà phê, được thúc đẩy bởi giá cà phê trên thị trường ở mức cao, có thể giúp Honduras trở thành nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực Trung Mỹ trong năm tới, vượt qua Guatemala, đồng thời đạt mức kim ngạch xuất khẩu kỷ lục.
Hội đồng cà phê Honduras vừa điều chỉnh dự đoán kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2011 – 2012 (bắt đầu từ tháng 11) tăng 12%, lên mức 4,6 triệu tấn loại 60kg.
Kim Dung AGROINFO
Theo Commodity online