Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón: Chủ động bình ổn nguồn cung
17 | 08 | 2011
Ban Quản lý dự án cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đang phấn đấu cho ra đời sản phẩm đạm đầu tiên vào ngày 27-11. Vào khoảng cuối năm 2011, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng sẽ hoàn thành và cho ra sản lượng 560.000 tấn/năm.

Như vậy, cộng với cả sản lượng của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc sẽ giúp sản xuất phân bón trong nước đạt trên 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam là nước nông nghiệp, một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vì vậy hàng năm cả nước tiêu thụ 1,8 - 2 triệu tấn phân đạm (urê). Trước khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động (năm 2003), phân đạm sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 6%-7% nhu cầu sử dụng, còn lại phải nhập khẩu.

Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất được 800.000 tấn urê, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ phân đạm của cả nước. Cùng với Nhà máy Đạm Hà Bắc (sản lượng 190.000 tấn/năm), lượng urê trong nước hiện đạt gần 1 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp.

Mới đây, Ban Quản lý dự án cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau cho biết, đơn vị đang phấn đấu ra mắt sản phẩm đạm đầu tiên vào ngày 27-11 tới, đúng 2 năm tính từ ngày công trình chính thức khởi công. Tính đến nay, tổng khối lượng chung của dự án đã hoàn thành khoảng 90%. Tương tự, trong kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2011, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình cũng sẽ hoàn thành và cho ra sản lượng 560.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các nhà máy đi vào hoạt động, hiện vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu nên thị trường phân bón trong nước thời gian qua vẫn còn nhiều bất ổn, tình trạng khan hàng, sốt giá vẫn thường xuyên xảy ra. Mặt khác, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các đầu mối nhập khẩu gần như không có hoặc rất ít, dẫn tới phân bón nhập khẩu lúc thừa lúc thiếu, giá cả diễn biến thất thường không ổn định, đặc biệt khi nguồn cung thiếu thường dẫn đến sốt giá.

Để khắc phục tình trạng này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để bình ổn thị trường. Theo đó, chỉ đạo đơn vị thành viên của tập đoàn là Tổng Công ty Phân bón hóa chất dầu khí (PVFCCo) nỗ lực tổ chức, xây dựng hệ thống kho trung chuyển, trải dài trên toàn quốc, vị trí của các kho đều nằm trong hoặc gần các cảng biển lớn thuận lợi cho công tác xếp dỡ, vận chuyển vừa kết hợp giao hàng đến kho, đại lý trên toàn quốc.

Phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã có công văn số 119/CV-2011 trình Chính phủ đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan yêu cầu các doanh nghiệp không bán giá urê sản xuất trong nước rẻ hơn giá nhập khẩu từ 10%-15%. Đặc biệt phân urê sản xuất trong nước khi bán ra lô hàng lớn cần tổ chức đấu thầu để góp phần bình ổn thị trường. Việc làm này còn động viên được các nhà nhập khẩu yên tâm và ngân hàng cũng tự tin cho các doanh nghiệp vay đủ ngoại tệ để nhập khẩu phân bón theo kế hoạch, góp phần đảm bảo đủ phân bón bình ổn thị trường.

Cũng theo Hiệp hội Phân bón VN, một giải pháp nữa cũng có tác động mạnh giúp công tác bình ổn thị trường phân bón đạt hiệu quả đó là hệ thống tổ chức cung ứng tiếp thị cần giảm bớt cấp trung gian, phải có nhiều kho bãi trung chuyển phân bón hợp lý. Hệ thống cung ứng hiện nay là: tổng công ty hay nhà máy bán xuống công ty con, công ty con bán xuống công ty cấp I, công ty cấp II, rồi đại lý lý cấp I, cấp II, cấp III hoặc cửa hàng. Qua quá nhiều cầu cấp, mỗi cầu, cấp hưởng một ít lợi nhuận khiến phân bón đến tay nông dân thì giá đội lên nhiều nấc.

  • Nhà máy đạm Phú Mỹ đạt sản lượng 5 triệu tấn urê

Sáng 14-8, tại Dinh Thống Nhất TPHCM, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí - PVFCCo đã tổ chức lễ mừng Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt mốc sản lượng 5 triệu tấn urê. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh: Với mốc sản lượng 5 triệu tấn urê vừa nỗ lực đạt được sau 7 năm hoạt động (chính thức đi vào sản xuất và cho ra tấn sản phẩm đầu tiên từ tháng 8-2004), Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang tiếp tục khẳng định năng lực vận hành an toàn và hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định nguồn cung ứng phân bón cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo SGGP



Báo cáo phân tích thị trường