Theo ước tính của Hội đồng đường Indonesia, sản lượng đường tinh trong niên vụ bắt đầu từ 1/5 sẽ thấp hơn 2,58 triệu tấn. Hội đồng này có thể sẽ giảm ước tính trong tháng 9. Năm 2010, sản lượng đường tinh của nước này đạt 2,3 triệu tấn.
Nguồn cung nội địa suy giảm có thể buộc Indonesia phải tăng cường nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt. Trong năm qua, tình hình thiếu hụt cung đã đẩy giá đường thô trên thị trường New York tăng 53%. Nhu cầu đường tại Indonesia, quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới, sẽ đạt 5,2 triệu tấn trong năm 2011.
Theo Colosewoko, tư vấn cao cấp tại Hiệp hội đường Indonesia, Indonesia có thể phải nhập khẩu thêm đường thô, sau đó tinh luyện để đáp ứng nhu cầu nội địa. Nước này có thể sẽ phải nhập khẩu 2,84 triệu tấn, tăng từ mức 2,48 triệu tấn trong năm 2010.
Giá đường thô giao tháng 10 giảm 0,6%, xuống mức 30,65 cents/pound trên thị trường New York. Giá đường trắng giao tháng 10 trên thị trường Luân Đôn đang giao dịch quanh ngưỡng 800,9 USD/tấn.
Diện tích đất trồng mía dự kiến tại Indonesia trong năm nay có thể đạt 453 ngàn ha (tương đương 1,12 triệu arces), tăng 5% so với năm trước.
Hiện tượng La Nina
Theo Hội đồng đường Indonesia, mưa lớn kéo dài gây ra bởi hình thái thời tiết La Nina đã làm ảnh hưởng đến một loạt cây trồng như cà phê, cacao và mía.
Tính đến cuối tháng 7, các nhà máy đường mới chỉ sản xuất được 1,3 triệu tấn, và hoạt động nghiền ép mía sẽ tiếp tục đến đầu tháng 11. Các nhà máy đường tại Java, khu vực sản xuất chính, đã nghiền ép mía với công suất trung bình 4.000 tấn mía/ngày, thấp hơn so với mức 5.000 tấn mía/ngày trong điều kiện bình thường do mưa lớn triền miên.
Các nhà sản xuất chỉ có thể trở lại hoạt động với công suất bình thường vào mùa khô. Dự trữ đường của Indonesia đạt 730 ngàn tấn tính đến cuối tháng 7 và có thể tăng lên mức 800 – 900 ngàn tấn vào cuối năm nay.
Kim Dung AGROINFO
Theo Bloomberg