Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự thảo Nghị định về Luật An toàn Thực phẩm: Thêm thủ tục hành chính
26 | 08 | 2011
Ngày 18/8/2011, Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã tổ chức tham vấn một số tổ chức, Hiệp hội và doanh nghiệp về một số nội dung quy định về thủ tục hành chính tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm (ATTP).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, một số điều trong dự thảo Nghị định có thể phát sinh thêm những thủ tục hành chính so với  Nghị định số 127/2007/NĐ-CP (NĐ 127) ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN (QĐ 24) ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc ban hành “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy”. Bên cạnh việc có phát sinh thủ tục hành chính, một số nội dung trong dự thảo Nghị định cũng chưa  rõ ràng, có sự chồng chéo nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, làm cho DN thủy sản bị rối và có thể đứng trước các ách tắc cho hoạt động XNK thủy sản.

Đại diện Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Vụ đánh giá hợp chuẩn - hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Công ty Luật Baker & McKenzie, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam, VCCI và một số đơn vị khác đều có ý kiến đồng ý với những góp ý của VASEP về dự thảo Nghị định này.

Cụ thể, Điều 6 của dự thảo về việc “tiếp nhận bản công bố sản phẩm” quy định, trong vòng 30 ngày làm việc đối với thực phẩm chức năng và 15 ngày làm việc đối với các sản phẩm khác kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (CQTQ) của Bộ Y tế phải cấp xác nhận công bố hợp quy hoặc phù hợp với quy định an toàn thực phẩm ATTP (ATTP) trước khi sản phẩm thực phẩm được lưu thông ra thị trường.

Nếu quy định Như vậy tại điều 6, thì thấy ít nhất có 3 thủ tục khiến cộng đồng DN thủy sản quan ngại. Thứ nhất, việc thêm giấy “xác nhận” công bố hợp quy của CQTQ thuộc Bộ Y tế như là một hình thức giấy phép mới, một thủ tục hành chính mới khác hoàn toàn với “kim chỉ nam” cho thủ tục công bố hợp quy tại NĐ 127 và QĐ 24 của Bộ KH&CN là “Thông báo tiếp nhận công bố hợp quy”.

Thứ hai, việc đăng ký chỉ gửi đến CQTQ của Bộ Y tế cũng đi ngược lại quan điểm được ghi rõ trong QĐ 24 là “đăng ký với các Sở chuyên ngành” do các Bộ chuyên ngành và UBND các tỉnh chỉ định. Thứ ba, việc quy định thời gian xử lý hồ sơ 15 - 30 ngày làm việc cũng là một bước “lùi” so với quy định 7 ngày làm việc của Bộ chủ quản (Bộ KH&CN) trong vấn đề tiếp nhận bản công bố hợp quy.

Cũng theo ông Nam, hồ sơ công bố sản phẩm hợp chuẩn quy định tại Điều 7 và Điều 8 của dự thảo là có quá nhiều loại giấy tờ so với QĐ 24 kể trên và hơn mức cần thiết. Có từ 7 - 10 loại giấy tờ khác nhau đối với các trường hợp công bố sản phẩm khác nhau như: Giấy đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân (bản sao hợp lệ); Bản thông tin chi tiết sản phẩm; Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương; Kết quả kiểm nghiệm trong vòng 6 tháng của phòng kiểm nghiệm được CQTQ chỉ định; kế hoạch kiểm soát chất lượng; kế hoạch giám sát định kỳ; bản thông tin chi tiết về sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường nước xuất xứ do CQTQ tại nước xuất xứ cấp (bản gốc hoặc hợp pháp hóa lãnh sự); nhãn sản phẩm (có xác nhận của tổ chức) và cả mẫu sản phẩm hoàn chỉnh (1 mẫu/1 sản phẩm).

Với nhiều loại giấy tờ như trên sẽ gây rất nhiều khó khăn đối với các DN thủy sản với đặc thù đa dạng loại sản phẩm từ một loại nguyên liệu ví dụ như tôm có thể chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tại hội nghị, dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, nhiều ý kiến đã phân tích và đề xuất loại bỏ một số loại giấy tờ quy định trong dự thảo như: nhãn sản phẩm, mẫu sản phẩm, giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ HACCP khi đã có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận lưu hành tự do (đối với hàng NK).

Thậm chí, trong hồ sơ gia hạn giấy “xác nhận” công bố sản phẩm (Điều 10), dự thảo Nghị định cũng yêu cầu cần phải kèm theo 01 mẫu sản phẩm đang lưu hành. Với điều khoản này, quả thực là các DN thủy sản đã bị “làm khó”! Vì nhãn sản phẩm không thể nói lên rằng sản phẩm đó có đảm bảo ATTP hay không nhưng điều cơ bản là làm sao để lấy lại từ nước ngoài một “sản phẩm đang lưu hành” khi nó đã được XK và “đang lưu hành” trên thị trường nước ngoài? Một số ý kiến tại hội nghị đặt câu hỏi, liệu điều khoản này có mâu thuẫn với Nghị quyết 11 của Chính phủ về việc thực hiện giảm chi phí sản xuất cho DN?

Một thủ tục quan trọng nữa đối với ngành thủy sản được quy định tại Điều 16 của Dự thảo là cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, với quy định tại khoản (1a) và (1c) điều này, thì dễ thấy hầu hết các cơ sở CBXK thủy sản sẽ phải có một “quá trình” thay đổi về CQTQ quản lý vấn đề ATTP - điều kiện tiên quyết để XK. Đó là chuyển từ CQTQ của Bộ NN và PTNT như hiện nay sang CQTQ thuộc Bộ Y tế. Dự thảo quy định các cơ sở SXKD thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, ăn ngay và các cơ sở SXKD hỗn hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau do nhiều Bộ ngành quản lý thì sẽ đều do Bộ Y tế cấp giấy Chứng nhận.

Nhưng có một thực tế ai cũng biết, đó là để XK được thủy sản sang hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường lớn thì đã phải trải qua một quá trình về đánh giá năng lực, trong đó có đánh giá năng lực CQTQ và công nhận tương đương trong kiểm soát ATTP thủy sản theo chuỗi từ “trang trại tới bàn ăn”. Việc chuyển đổi, chắc chắn sẽ gây những hệ lụy, ách tắc không nhỏ trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản của các DN nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đồng tình với các góp ý của VASEP, đại diện Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam, Vụ Đánh giá hợp chuẩn - hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Công ty Luật Baker & McKenzie, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và VCCI đều cho rằng, một số điều khoản trong dự thảo Nghị định cần được cân nhắc kỹ lưỡng và sửa chữa cho phù hợp với tình hình thực tế mới tránh được sự chồng chéo về nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN, giảm nhiều loại giấy tờ không thực sự cần thiết và thời gian chờ đợi của DN, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động XK nhằm tránh trường hợp tự “lấy dây mình trói buộc mình”.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường