Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nuôi nhuyễn thể: Loay hoay bài toán con giống, thị trường
06 | 09 | 2011
Được thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn Quảng Ninh đã phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có trên 3.800ha nuôi nhuyễn thể các loại, với sản lượng hàng năm trên 9.000 tấn (ngao, nghêu, tu hài, hàu Thái Bình Dương...).

Phát triển mạnh là vậy, song nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn chủ yếu vẫn là tự phát, thiếu một quy hoạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Từ các hộ nuôi nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng với quy mô lớn vẫn gặp không ít khó khăn. Bài toán về nguồn giống và thị trường vẫn không có lời giải.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, hiện nay toàn tỉnh có trên 3.800ha bãi triều và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là các loại: Ngao, sò, nghêu, tu hài, hàu... Nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi này chủ yếu là khai thác tự nhiên hoặc được mua về từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định và một số tỉnh miền Trung. Với các đối tượng nuôi như tu hài, hàu Thái Bình Dương hiện nay đang phát triển mạnh, đặc biệt trên địa bàn huyện Vân Đồn. Tu hài là đối tượng nuôi có kỹ thuật tương đối đơn giản, đầu tư thấp nên đã cuốn hút được đông đảo người dân, các công ty đầu tư vào nuôi.

Tại các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, nghề nuôi tu hài đã phát triển thành phong trào “nhà nhà nuôi tu hài, người người nuôi tu hài”. Từ năm 2004 sau khi Hợp phần SuMa (Đan Mạch) hỗ trợ làm quy hoạch, thực hiện thành công mô hình điểm nuôi tu hài các năm sau, phong trào nuôi tu hài trên địa bàn huyện Vân Đồn nói riêng, trong tỉnh nói chung đã phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các xã đảo.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 400ha mặt nước nuôi tu hài và hàng chục công ty, doanh nghiệp đầu tư nuôi theo các hình thức nuôi bãi, nuôi lồng. Năm 2010, sản lượng tu hài trong toàn tỉnh ước đạt trên 1.000 tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, nghề nuôi tu hài hiện nay đang gặp một số rào cản lớn, nhất là nguồn giống. Với nhu cầu giống cho vụ nuôi rất lớn, hàng chục triệu con giống cho một vụ nuôi, trong khi đó các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được từ 15-20%.

Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ - một doanh nghiệp đầu tư lớn nuôi nhuyễn thể và cũng là đơn vị đi đầu trong nghề sản xuất giống tu hài tại xã Bản Sen (Vân Đồn) cho hay: “Hiện nay Công ty chúng tôi có trên 80ha mặt nước, bãi triều nuôi thuỷ sản các loại. Bên cạnh nghề nuôi, mấy năm gần đây chúng tôi cũng tập trung sản xuất con giống. Mỗi năm Công ty sản xuất được trên dưới 6 triệu tu hài giống phục vụ cho nuôi của đơn vị, ngoài ra còn cung cấp cho bà con trong huyện”.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn giống được bà con nhập từ các tỉnh khác và từ Trung Quốc về nên “rất đáng cảnh báo” về chất lượng. Song song với nuôi tu hài là nuôi hàu Thái Bình Dương. Có thể nói, đối tượng nuôi này đang phát triển ồ ạt trong mấy năm gần đây. Tuy mới du nhập vào địa bàn nhưng đến nay toàn tỉnh đã có trên 900ha với khoảng hơn 3.000 bè nuôi, tập trung nhiều nhất tại huyện Vân Đồn và rải rác ở Cẩm Phả, Hạ Long, với năng suất bình quân từ 2.500-3.500kg/bè/vụ. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho sản phẩm này đang là khó khăn lớn cho các hộ nuôi. Nếu như năm 2009-2010 giá bán bình quân từ 25.000-30.000 đồng/kg hàu thì nay chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg.

Riêng đối với nghề nuôi trai lấy ngọc, nếu như năm 2004, toàn tỉnh có 10 công ty, xí nghiệp nuôi trai lấy ngọc tập trung ở vùng biển Vân Đồn, Hạ Long với diện tích mặt nước thả nuôi trên 400ha thì đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 3 công ty tồn tại, sản xuất hiệu quả, trong đó có 2 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH Ngọc trai Phương Đông, Công ty Ngọc trai Taiheiyo Shinju Việt Nam và Công ty Ngọc trai Hạ Long). Nghề nuôi trai lấy ngọc đã tạo ra sản phẩm độc đáo, hàng năm các công ty sản xuất được từ 1.300-1.600kg ngọc trai thương phẩm, tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Song thực tế cho thấy, nghề nuôi trai lấy ngọc hiện nay cũng không tránh được những khó khăn về nguồn giống, thị trường cùng với những khó khăn về quy trình, kỹ thuật nuôi, công nghệ cấy ngọc, chế tác, thời gian thu hồi vốn dài, mức đầu tư cao, rủi ro lớn về thiên tai...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Dần, Chi cục Phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Mặc dù phát triển với quy mô lớn, nhưng hiện nay nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch phát triển và quy hoạch chi tiết các vùng nuôi với tính khả thi chưa cao; đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, đặc biệt là công tác cung ứng, quản lý chất lượng nguồn giống; kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, thị trường đầu ra cho một số sản phẩm còn hạn chế”.

Đến nay có thể khẳng định chủ trương phát triển nuôi nhuyễn thể của tỉnh trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, con giống và thị trường tiêu thụ đang là điều mà ngành Nông nghiệp và các hộ nuôi băn khoăn. Thiết nghĩ, để nghề nuôi nhuyễn thể phát triển mạnh, vững chắc hơn, tỉnh cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch chi tiết cho vùng sản xuất tập trung đối với từng loại thuỷ sản; đầu tư thích đáng cho hạ tầng vùng nuôi, trong đó có việc đầu tư khu sản xuất giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu; xúc tiến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nuôi.

Theo báo Quảng Ninh

 



Báo cáo phân tích thị trường