Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không có hợp đồng xuất khẩu gạo: Nông dân gặp khó
16 | 09 | 2011
Gần đây, báo chí trong nước dẫn lời các lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu mới là do giá chào xuất khẩu của ta quá cao (giá ảo). Không biết thông tin nói trên chính xác tới đâu nhưng nông dân ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ lúa cấp thấp IR 50404- loại lúa chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu.

Xuất khẩu gặp khó do giá ảo?

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao  là giá ảo, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hội viên VFA không ký được hợp đồng xuất khẩu.

Bằng chứng được dẫn giải là trong tháng 7 Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu mới đạt 1 triệu tấn, nhưng sang tháng 8, số lượng hợp đồng ký mới chỉ đạt vài trăm ngàn tấn.

Tuy nhiên, thông tin được công bố từ VFA, trong tháng 8 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua cả tháng 7. Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 636.344 tấn, trị giá 305,067 triệu đô la, còn sang tháng 8, xuất khẩu được  697.642 tấn, trị giá 338,057 triệu đô la, tăng cả lượng và giá trị so với tháng 7. Riêng trong 8 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu được 127.528 tấn, trị giá 63,307 triệu đô la.

Trao đổi với người viết về vấn đề thời gian qua, báo chí trong nước lên tiếng rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó do doanh nghiệp chào giá xuất khẩu cao và đó là giá ảo, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo do giá xuất khẩu cao (giá ảo). Vấn đề là hiện Philippines đang bước vào thời kỳ thu hoạch lúa, cũng như việc chính phủ Ấn Độ cho phép nước này xuất khẩu 2 triệu tấn gạo với giá thấp nên gây khó khăn cho việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam”.

Ông Bảnh cho biết thêm, việc Việt Nam chào giá xuất khẩu tăng cao là một tất yếu, bởi thời gian vừa qua, giá lúa gạo nội địa lẫn thế giới đều tăng cao.

Một doanh nghiệp nghiệp kinh doanh gạo lớn tại chợ đầu mối Bà Đắc (đề nghề không nêu tên) đặt nghi vấn: “Liệu có chuyện VFA ngưng ký hợp đồng để “ghìm” giá lúa gạo trong nước xuống thấp một chút”.

Thương lái quay lưng với lúa IR 50404

Việc các doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo làm nông dân các tỉnh ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ lúa chất lượng thấp (IR 50404) - loại lúa chiếm tỷ trọng lớn trong các hợp đồng xuất khẩu lớn của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp 5, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, ông vừa thu hoạch xong 1 héc ta lúa IR 50404 vào ngày 13/9 vùa qua, đi kêu 2, 3 thương lái đến mua, cũng chỉ có một lái đồng ý mua, nhưng với giá chỉ có 5.000 đồng/kg (lúa tươi). Giá quá thấp, ông Hùng đành mang về nhà phơi  trữ lại thay vì bán tươi tại ruộng.

Tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An và một số nơi khác, hiện nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ lúa IR 50404.

Anh Dương Văn Mến, thương lái mua lúa ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp thừa nhận: “Hiện cánh thương lái chúng tôi chỉ mua lúa cấp thấp cầm chừng mà thôi, bởi loại gạo của giống lúa này chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại “không ăn hàng nữa””.

ÔngNguyễn Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cũng khẳng định: “Giá lúa gạo nội địa, chủ yếu là giống lúa cấp thấp giảm giá mạnh là do các doanh nghiệp xuất khẩu không còn thu mua như những tháng trước đó”. 

Hiện giá lúa IR 50404 tại các tỉnh ĐBSCL chỉ còn khoảng 5.000 - 5.200 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu và thành phẩm cũng tuột dốc mạnh sau một thời gian dài đứng giá ở mức cao.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường