Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Phần thắng thuộc về người ký gửi
24 | 09 | 2011
Vụ tranh chấp hơn 18.000 tấn cà phê ký gửi giữa bà Võ Thị Kim Ngọc ở thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột và Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên được xem là vụ tranh chấp cà phê ký gửi lớn nhất từ trước tới nay ở Tây Nguyên với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Chuyên trang Nông sản, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đề cập trong bài viết “Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không” vào ngày 6/5/2011 và “Biên nhận ký gửi cà phê của công ty có tính pháp lý hay không?” trong mục Bạn đọc hỏi – Bạn đọc trả lời.

Sau khi đăng những thông tin nói trên, tòa soạn nhận được nhiều thông tin phản hồi, trao đổi thảo luận sôi nổi của bạn đọc, nhất là những người đang trồng và kinh doanh cà phê. Hôm 15/9/2011, Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột đã đưa vụ tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản này ra xét xử sơ thẩm với bản án số 116/2011/DS-ST. Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc cần biết thông tin chi tiết của bản án, chuyên trang Nông sản xin lược ghi lại những nội dung chính của bản án.

Mấu chốt là ở những tờ hóa đơn …ghi giá tạm tính

Trong đơn khởi kiện cũng như trình bày tại tòa án, nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Ngọc cho biết, từ năm 2007 bà có gửi cà phê vào Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên ( sau đây gọi tắt là công ty). Đến ngày 9/11/2010 hai bên đối chiếu thì bà đã gửi vào công ty số lượng là 18.356.476 kg cà phê (bao gồm loại R1-16 là 1.506.332 kg, loại R1-18 là 291.821kg, loại R2-5 là 45.321kg, loại R xô là 16.513.002 kg).

Khi gửi cà phê vào công ty thì công ty làm lệnh nhận cà phê, không làm hợp đồng gửi giữ, không thỏa thuận thời gian gửi giữ. Sau khi bà nhập cà phê vào công ty thì công ty yêu cầu tôi xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo giá tạm tính, mục đích xuất hóa đơn giá trị gia tăng là để xác định số cà phê thực nhập vào kho của công ty và công ty dùng hóa đơn đó để thế chấp vay ngân hàng.

Bà Ngọc giải thích, toàn bộ hóa đơn đều ghi tạm tính và giá ghi trên hóa đơn đều thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm mà công ty phát giá để mua cà phê. Chẳng hạn hóa đơn xuất ngày 16/7/2009 đơn giá chỉ 22.000 đồng/kg nhưng giá ngày 16/7/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 24.800 - 25.000 đồng; hóa đơn xuất ngày 24/7/2009 đơn giá chỉ ghi 22.000 đồng nhưng giá ngày 24/7/2009 do công ty phát giá đới với cà phê nhân xô là 25.000 đồng; hóa đơn xuất ngày 29/7/2009 đơn giá chỉ ghi 22.000 đồng nhưng giá ngày 29/7/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 25.100 đồng; hóa đơn xuất ngày 24/8/2009 đơn giá chỉ ghi 23.000 đồng nhưng giá ngày 24/8/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 24.000 đồng …

Kèm theo hóa đơn là các phiếu nhập kho (nhập mua) đều do công ty lập, bà Ngọc không biết và không ký vào chỗ người giao hàng trong phiếu nhập mua. Do vậy bà Ngọc cho rằng số cà phê 18.356.476 kg là gửi vào công ty chứ không phải bán,  nếu bán thì phải lập hợp đồng mua bán và xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo hợp đồng mua bán và thanh lý lô hàng bán cho công ty.

Ngoài ra, việc xuất hóa đơn tạm tính cho công ty là để công ty xác định bà đã gửi số cà phê cho công ty và công ty dùng hóa đơn đó vay vốn ngân hàng, sau đó về cho bà Ngọc ứng tiền và tính lãi đối với số tiền bà đã ứng.

Tính đến ngày 09/22/2010 bà Ngọc đã ứng hơn 513 tỉ đồng của công ty và tiền lãi suất hơn 132 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Minh Đường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, đại diện công ty tại phiên tòa, cho rằng 18.356.476 kg cà phê mà bà Ngọc nhập vào công ty là cà phê nguyên liệu chứ không phải phân chia ra từng loại như bà Ngọc kê khai.

Đặc biệt, theo trình bày của ông Đường, bà Ngọc đã bán cho công ty số lượng cà phê là 18.200.000 kg, việc mua bán cà phê này hai bên không lập thành văn bản, hai bên thỏa thuận miệng. Căn cứ vào hóa đơn mà bà Ngọc đã xuất, công ty thanh toán tiền cho bà Ngọc bằng hình thức khấu trừ số tiền bà  đã ứng, việc trong hóa đơn bà Ngọc ghi giá tạm tính thì do bà Ngọc ghi công ty không biết và giá tạm tính chỉ có giá trị trong ngày.

Công ty dùng hóa đơn nói trên thế chấp vay vốn ngân hàng là quyền của công ty vì số cà phê này thuộc quyền sở hữu của công ty. Công ty lập phiếu nhập kho ( nhập mua) là theo quy trình của công ty còn việc mua bán dựa vào hóa đơn giá trị gia tăng . Công ty phát giá bán là do diễn biến của thị trường có những ngày công ty phát ra nhiều mức giá khác nhau chứ không phải trong ngày có một mức giá nhất định.

Do vậy ông Đường khẳng định,  18.356.476 kg cà phê nói trên thì bà Ngọc mua đứt bán đoạn là 18.200.000 kg. Số cà phê còn lại bà Ngọc nhập vào công ty là 156476 kg thì giữa hai bên chưa hoàn thiện thủ tục mua bán vì hộ kinh doanh cá thể Võ Thị Kim Ngọc bị cơ quan thế rút hóa đơn giá trị gia tăng.

Công ty cho rằng bà Ngọc ứng tiền tính tới ngày 22/1/2010 hơn 515 tỉ đồng nhưng bà Ngọc không trả tiền ứng cho công ty. Sau khi bà Ngọc xuất hóa đơn bán lô hàng 18.200.000 kg ( theo 11 hóa đơn theo giá tạm tính) thì công ty khấu trừ tiền ứng hơn 413 tỉ đồng. Như vậy, tiến gốc mà Ngọc còn nợ công ty hơn 101 tỉ đồng và tiền lại hơn 72 tỉ đồng.

Chỉ là ứng tiền mua cà phê gửi kho

Hội đồng xét xử lập luận, công ty thừa nhận bà Ngọc đã nhập vào công ty số lượng cà phê 18.356.476 kg. Bà Ngọc cho rằng số cà phê này là gửi còn công ty cho rằng bà Ngọc đã bán nhưng theo các tài liệu chứng cứ do nguyên đơn và bị đơn cung cấp cho tòa án thì thực chất của việc nhập cà phê này là công ty cho  bà Ngọc ứng tiền mua cà phê nhập vào công ty, công ty tính tiền lãi suất số tiền bà Ngọc đã ứng.

Khi nhập cà phê vào thì bà Ngọc xuất hóa đơn theo giá tạm tính để công ty vay tiền của các tổ chức tín dụng, sau đó về tiếp tục cho bà Ngọc ứng tiền mua cà phê nhập vào công ty và sau đó giữa công ty và bà Ngọc làm thủ tục mua bán với nhau theo giá thị trường tại thời điểm mua bán để khấu trừ số tiền đã ứng, lãi suất, số tiền còn lại hai bên thanh toán với nhau.

Công ty cho rằng số cà phê này bà Ngọc đã bán và công ty đã thanh toán cho bà Ngọc theo giá của hóa đơn giá trị gia tăng bằng hình thức khấu trừ số tiền ứng nhưng các tài liệu do công ty và bà Ngọc cung cấp cho tòa án thì công ty tự khấu trừ số tiền bà Ngọc ứng, bà Ngọc không chấp nhận và công ty không có tài liệu gì chứng minh số tiền này bà Ngọc đã nhận.

Công ty cho rằng các ủy nhiệm chi để tạm tính thuế giá trị gia tăng cho lô hàng bà Ngọc đã bán là 18.200.000 kg cà phê nhân thì không xác định cụ thể cho lô hàng nào. Mặt khác, tại biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2009 thì tổng số tiền bà Ngọc ứng hơn 523 tỉ  đồng, tiền lãi suất hơn 52 tỉ đồng và tại bảng kê tính lãi của công ty lập ngày 30/6/2010 thì tổng tiền gốc bà Ngọc nợ hơn 514 tỉ đồng và nợ lãi hơn 100 tỉ đồng.

Quan trọng hơn, trong biên bản làm việc ngày 15/12/2010 giữa công ty và bà Ngọc thì công ty đề nghị bà Ngọc chốt giá 35.266 đồng/kg cà phê cho toàn bộ lô hàng 18.356.476 kg nhưng bà Ngọc không chấp nhận. Do đó bà Ngọc cho rằng số cà phê bà chưa bán là có cơ sở.

Do vậy tòa án đã phán quyết buộc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên trả cho bà Võ Thị Kim Ngọc 18.356.476 kg cà phê nhân bao gồm loại R1-16 là 1.506.332 kg ;loại R1-18 là291.821 kg, loại R2-5 là 45.321 kg, loại R xô là 16.513.002 kg và bị đơn là công ty chịu án phí hơn 943 triệu đồng.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường