Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bán nông sản sang Trung Quốc: Nhà nông tù mù đối tác
01 | 10 | 2011
Mặc dù Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn và gần như mặt hàng nông sản nào của Việt Nam cũng có thể bán qua thị trường này. Nhưng thực tế không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp hiện đều có rất ít thông tin về thị trường này, điều này đang tạo nên tình thế rất bất lợi cho nhà sản xuất, xuất khẩu.

Tù mù thông tin

Bà Tư Giàu là chủ vựa khoai ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long, đã mua bán với thương nhân Trung Quốc nhiều năm nay. Giá khoai tím ở thời điểm cuối vụ vừa qua đứng ở mức 16.000 – 17.000 đồng/kg, tức khoảng 1 triệu đồng/tạ (tạ khoai 60 kg). Hai vụ gần đây, giá vụ sau cứ cao hơn vụ trước khiến chủ vựa như bà rất phấn khởi. Bà Tư Giàu cũng không giấu ý định tiến sâu hơn vào việc làm ăn với thương nhân Trung Quốc, mặc dù bà không biết tiếng Trung Quốc và phải giao tiếp thông qua phiên dịch. 

“Họ bỏ vốn, còn mình bỏ công thuê đất, mua dây khoai, thuê người lên luống, chăm sóc và thu hoạch”, bà phấn khởi với ý định sẽ hợp tác với thương nhân Trung Quốc ở Vĩnh Long trong vụ tới theo cách như vậy.

Nhưng trên thực tế, hiểu biết của bà về những đối tác của mình chỉ dừng lại ở số điện thoại, địa chỉ nhà trọ ở tỉnh Vĩnh Long mà họ (thương nhân Trung Quốc) đang thuê và rằng những sản phẩm giữa bà và họ sau thu hoạch sẽ được lên xe chở ra cửa khẩu Tân Thanh và bán qua bên kia biên giới.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 huyện có diện tích trồng khoai nhiều là Bình Minh và Bình Tân với tổng diện tích trên 6.000 héc ta, năng suất trung bình khoảng 30 đến 40 tạ/công (công 1.000 m2). Riêng ở huyện Bình Minh, nếu như diện tích xuống giống năm 2008 chỉ có 10 héc ta thì năm nay đã tăng lên 323 héc ta, tức hơn 32 lần. Dự báo diện tích khoai ở Bình Minh có thể lên đến 400 héc ta trong vụ tới. 

Bà Phan Thị Bé, Trưởng Phòng kinh tế huyện Bình Minh dự báo với giá khoai lang cứ tiếp tục tăng như vào thời điểm cuối vụ vừa rồi, chắc chắn nông dân sẽ tiếp tục đổ xô đi trồng khoai mà không quan tâm nhu cầu thị trường hầu như duy nhất của khoai tím này là Trung Quốc sẽ tăng hay giảm.

“Nguy cơ rớt giá ngay trong vụ khoai tới là điều có thể thấy trước, ngay cả khi thương nhân Trung Quốc vẫn duy trì sức mua như hiện nay chứ đừng nói đến chuyện họ ngưng mua”, bà Bé nói và cho biết không thể làm gì hơn ngoài việc khuyến cáo cho nông dân.

Khác với khoai Vĩnh Long chỉ có nông dân, chủ vựa, các đại lý tham gia mua bán với thương nhân Trung Quốc, thì các sản phẩm đa dạng như dừa khô, cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, dầu dừa, kẹo bánh các loại của Bến Tre còn có tham gia của doanh nghiệp. Thế nhưng, theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre thừa nhận là “chẳng mấy người hiểu thật sự về thị trường lẫn về thương nhân Trung Quốc vì hoạt động của các doanh nghiệp cũng mới chỉ dừng lại ở trung gian, mua đi bán lại ở thị trường trong nước".

Thế nhưng, “ngược lại, thương nhân Trung Quốc, ngoài chuyện mua bán tại chỗ, họ còn tìm đến tận nơi, thậm chí ăn dầm nằm dề ở nơi sản xuất để tìm hiểu mọi thứ”, ông nói.

Ai giúp nhà nông?

Rất tiếc, dường như thông tin về thị trường Trung Quốc cần mặt hàng gì, thời gian nào... lại rất hiếm thấy xuất hiện trong các báo cáo, dự báo hàng tháng, quí hay năm của ngành nông nghiệp và công thương, lận trong các hội thảo, hội nghị về thị trường của hai ngành này.

Tại sao là câu hỏi mà nhà nông và doanh nghiệp đang trông chờ?

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU, các nước ASEAN với tỷ trọng hơn 10%, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thuỷ sản chủ yếu được mua bán qua đường mậu biên. Những ngày cao điểm có hàng trăm xe chở hàng rau củ quả, mủ cao su… đi qua biên giới. Gần đây nhất chuyện phía Trung Quốc ngưng mua trong một thời gian dài làm giá mủ cao su liên tục giảm là một điển hình về chuyện ta thiếu thông tin về thị trường của bạn.

Chuyện mủ cao su xuất khẩu hay trái cây như dưa hấu, thanh long bị đột ngột mua chậm hoặc ngưng mua, ách tắc ở cửa khẩu hầu như xuất hiện kiểu “đến hẹn lại lên”, năm này qua năm khác mà nguyên nhân chủ yếu là vì bên bán, tức nhà nông và doanh nghiệp thiếu thông tin. Doanh nghiệp khi cần thông tin chẳng biết hỏi ai, hỏi ở đâu?

Câu chuyện thiếu thông tin cũng thường xuyên được nhắc đến tại nhiều hội thảo xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, nông dân và doanh nghiệp đang phải hầu như đơn độc trong bán nông sản cho thương nhân Trung Quốc vì thiếu những cơ chế và chính sách hỗ trợ thông tin thị trường từ tổng thể cho đến từng ngành, sản phẩm riêng biệt.

Gần đây nhất thông tin về Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam đã gây bất ngờ cho các doanh nghiệp, hiệp hội lẫn các nhà quản lý.

Điều này, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), chứng tỏ thông tin về thị trường này còn rất yếu. Ông cho biết, hầu như mọi con số thống kê hiện nay đều từ Tổng cục Hải quan, còn những tin tức khác lại phụ thuộc hoạt động thương mại hiện tại của doanh nghiệp với đối tác, do vậy, thiếu vắng những nghiên cứu bài bản để giúp cung cấp cho doanh nghiệp những dự báo chính xác về thông tin thị trường.

“Đối với thị trường lớn và có ảnh hưởng như Trung Quốc thì việc nghiên cứu thị trường để đưa ra thông tin và dự báo cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng”, ông nhận xét.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường