Trên thị trường tự do, gạo Thái Lan vẫn giữ 19.000 - 20.000 đồng mỗi kg. Còn tại siêu thị, giá khoảng 24.500 đồng.
Nhưng theo khảo sát của VnExpress.net, giá một số loại gạo trong nước đang tăng nhẹ từ 200 đồng đến 1.000 đồng mỗi kg. Trong đó, gạo Si dẻo có giá 14.000 đồng, gạo Bắc Hương giá 17.000 đồng, còn tám thơm Điện Biên giá 20.500 đồng mỗi cân... Tại siêu thị, giá cao hơn 1.000-2.000 đồng, như gạo Bắc Hương Hải Hậu giá 19.200 đồng, tám thơm Điện Biên 21.500 đồng, tám thơm Hải Hậu giá 21.000 đồng một kg...
Theo tiểu thương tại nhiều chợ, các loại gạo trong nước như Bắc Hương, Điện Biên vẫn tiêu thụ mạnh, thậm chí còn bán chạy hơn trong thời gian gần đây. Chị Hồng, bán gạo trong chợ Cầu Giấy cho biết, ngay cả khách lâu nay vẫn mua gạo Thái, giờ cũng chuyển sang dùng gạo tám Điện Biên, Si Dẻo. "Họ lo Thái Lan lũ lụt, vận chuyển khó, gạo bày bán trên thị trường là hàng cũ. Vì vậy, họ mua vài cân loại ngon trong nước về ăn", chị Hồng nói.
Đại diện một siêu thị tại Hà Nội tiết lộ, gạo trong nước vẫn chiếm tỷ lệ chính trong doanh số tiêu thụ, chủ yếu là Bắc Hương Hải Hậu. Lý do là bởi gạo Thái qua xử lý kỹ nên quá trắng, không nhiều cám, khi nấu trông hạt cơm ngon, đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng trẻ tuổi. Còn đa phần khách hàng vẫn chọn gạo quê vì lượng cám nhiều, vị ngọt đậm.
Về việc một số loại gạo Thái vẫn giữ giá, chị Hồng cho hay, khi nghe tin nước này bị lũ lụt, chị cũng đinh ninh nguồn hàng sẽ đắt hơn. Nhưng thực tế, số lượng người mua gạo Thái giảm, gạo nhập về từ đợt trước cũng chưa bán hết nên vẫn giữ giá cũ. Còn chủ kinh doanh trên phố Ngọc Hà lại cho rằng, nhiều loại gạo Thái thực chất là giống lúa của Thái, được trồng tại Việt Nam nên sản phẩm này không bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Quay trở lại dùng gạo nội song bác Trinh, sống ở Đội Cấn, Hà Nội tỏ ra không hài lòng khi giá một số loại đột nhiên tăng giá. Bác Trinh vừa mua 10kg gạo tám thơm Điện Biên với giá 205.000 đồng. Bác chia sẻ: "Trước đây tôi dùng gạo Thái Lan, nhưng thấy hàng xóm giới thiệu gạo tám trong nước ngon nên tôi mua về dùng thử. Nhưng tôi không nghĩ gạo tám thơm Điện Biên lại đắt hơn cả gạo Thái".
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng có thể xuất phát từ tâm lý tiêu dùng và thị trường, khi nhiều người quay trở lại dùng gạo quê nên đại lý đã tự ý tăng giá. Ông Ngọc khẳng định nguồn cung trong nước vẫn dồi dào. Sản lượng thóc từ đầu năm đến nay đạt 41 triệu tấn, tăng một triệu tấn so với năm 2010.
Về chỉ tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2011, Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc cho biết con số này hoàn toàn có thể đạt được. Khẳng định trên được dựa trên 3 cơ sở: Nguồn cung trong nước đang dồi dào, hợp đồng xuất khẩu đã ký kết và tính đến thời điểm hiện nay, sản lượng xuất ra thế giới đạt 6,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông, để nâng cao đồng loạt chất lượng gạo trong nước ngang như gạo Thái Lan cần có thời gian. Ông Ngọc nói, Việt Nam có 87 triệu người dân nhưng chỉ có 41 triệu ha sản xuất lúa nên phải chọn giống ngắn ngày, năng suất cao để tăng vụ, chất lượng từ khá trở lên. Còn Thái Lan với 66 triệu người dân nhưng diện tích trồng lúa lên đến 10 triệu ha nên chấp nhận được giống dài ngày, chất lượng tốt.
Song, ông cũng cho hay, trong năm 2011, Việt Nam đã sản xuất 400.000 tấn thóc chất lượng cao. Con số này sẽ tăng lên từ dự án xây dựng khu vực lúa giống tốt với 3.000 ha ở miền Bắc và một triệu ha ở miền Nam. "Việt Nam đã và đang có những loại gạo ngon nổi tiếng như Nàng Thơm Chợ Đào,... không thua kém gì hàng Thái Lan nên người tiêu dùng nên ưu tiện lựa chọn sản phẩm trong nước", ông Nguyễn Trí Ngọc tư vấn.
Theo Xuân Ngọc
Vnexpress