Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để tăng tốc xuất khẩu thủy sản cuối năm: Giải bài toán nguyên liệu
04 | 11 | 2011
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng năm 2011 đạt hơn 5 tỷ USD, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ đạt từ 5,7 - 5,8 tỷ USD, thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 6,2 tỷ USD.

Mặc dù nhu cầu xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm tăng cao (chiếm 60% sản lượng của cả năm) do các nhà nhập khẩu sẽ đẩy mạnh thu mua phục vụ Noel và Tết Dương lịch, nhưng vấn đề khó nhất hiện nay không phải là "đầu ra" mà là thiếu nguyên liệu để chế biến.

 

Thiếu nghiêm trọng nguyên liệu chế biến

 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, đang vào đúng cao điểm xuất khẩu của ngành thủy sản nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến "nóng" đến mức báo động. Trong 10 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.199 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng số lượng đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu chỉ đạt 30-40%. Hiện cả nước có hơn 60.000ha nuôi tôm với sản lượng trên 1 triệu tấn tôm mỗi năm, nhưng 10 tháng qua tình hình dịch bệnh thủy sản rất căng thẳng nhất là trong tháng 4 và 5, khiến diện tích tôm bị bệnh tăng gấp 2-3 lần so với cùng thời điểm năm 2010, làm cho các DN chế biến tôm trong nước điêu đứng. Nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu cá tra cũng trong hoàn cảnh tương tự. Hiện giá cá tra ở các tỉnh ĐBSCL tăng dần ở mức 27.500-28.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10, nhưng nông dân không dám đầu tư nuôi nhiều, rất nhiều hộ "treo ao" vì giá cả không ổn định. Mặt khác, do ảnh hưởng lũ lụt lớn vừa qua đã làm cho môi trường ao nuôi thay đổi, bị đục, dịch bệnh lan rộng, cá chậm lớn, khiến cho cá tra đã thiếu nay lại càng thiếu hơn. VASEP dự báo trong quý IV năm 2011 sản lượng cá tra thiếu 50% so với những tháng trước và không đủ cá cho các đơn hàng dịp Giáng sinh và năm mới. Do thiếu nguồn nguyên liệu nên một số nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL chỉ hoạt động cầm chừng với công suất từ 40%-50%. Việc thiếu nguyên liệu khiến cho nhiều DN không đủ đơn hàng xuất khẩu 2 tháng cuối năm và rất khó mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi các cơ quan quản lý chất lượng thủy sản về việc có rất nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam bị các thị trường nhập khẩu như EU, Nhật Bản, Canada cảnh báo nhiễm dư lượng hóa chất kháng sinh cấm. Theo đó, Canada có 11 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm Fluoroquinolones. Nhật Bản có 15 lô hàng tôm của Việt Nam bị cảnh báo nhiễm dư lượng Enrofloxacin, trong khi cả năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2011 không có lô hàng nào bị cảnh báo về các chỉ tiêu này. Điều này không những làm giảm đi uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới mà còn ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.

 

Mở rộng đầu tư liên kết

 

Các chuyên gia thủy sản cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu và bảo đảm lợi ích cho DN, đề nghị nhà nước cho phép nhập khẩu thủy sản nguyên liệu với thuế suất ưu đãi để giữ vững thị trường xuất khẩu. Cần tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu ở những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Trung Đông, Nam Phi... Để ổn định vùng nguyên liệu cần tăng cường liên kết giữa người nuôi và DN, các hộ nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu với nhà máy chế biến trước khi sản xuất, nhà máy phải chủ động nguyên liệu sản xuất thông qua hình thức tự nuôi hay liên kết với người nuôi, để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Các DN cần mạnh dạn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để chủ động cho sản xuất.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tổ chức lại các đội tàu khai thác thủy sản hợp lý, tiết kiệm. Các đơn vị của ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh trong thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm; triển khai các chương trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản theo mô hình khép kín theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ…

Theo Vinanet



Báo cáo phân tích thị trường