Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp phát triển chè bền vững: Tuân thủ quy trình VietGAP
18 | 11 | 2011
Năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo mở rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP cho 3 nhóm gồm 13 hộ tại xóm Hồng Thái (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) với diện tích 5ha; 8 hộ của xóm Làng Chủ (xã Trung Hội, huyện Định Hoá), diện tích 2,7ha; 19 hộ ở xóm Hương Hội (xã Sơn Phú, huyện Định Hoá), diện tích 5ha.
Ông Manuja Peiris, Giám đốc điều hành Uỷ ban Chè thế giới cho rằng: "Phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP chứ không chỉ là đánh bóng thương hiệu rồi cấp chứng nhận bừa bãi, vì đây là yếu tố quyết định sự sống còn của thương hiệu chè Thái Nguyên cũng như của ngành chè Việt Nam".
Tại "Hội thảo quốc tế chè Thái Nguyên, Việt Nam 2011" được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất, ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thái nguyên hiện có 17.660ha chè, năng suất năm 2010 đạt 107 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 172.000 tấn. Tuy nhiên, việc chế biến chè ở Thái Nguyên vẫn chủ yếu theo phương pháp thủ công, thị trường tiêu thụ chính là nội địa. Lượng chè xuất khẩu ít và giá trị không cao".
Để phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, giúp sản phẩm chè vươn xa, TS. Lê Quốc Doanh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: "Xu hướng tất yếu của ngành chè nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng là phải tăng cường đưa giống mới vào sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, phải sản xuất theo quy trình GAP".
Các đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân khiến giá chè của Việt Nam thấp là do ngành chè còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là búp chè nguyên liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho chế biến chè chất lượng cao; các hộ dân chưa chú trọng kỹ thuật canh tác, mức đầu tư thấp... Vì vậy, điều kiện tiên quyết của ngành chè Việt Nam là phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn giống, sản xuất cho tới thu hái, chế biến, đặc biệt là phải thực sự an toàn và sạch. 
Được biết, các tiêu chí về VietGAP trên chè cũng khắt khe như các loại nông sản khác, gồm 12 nội dung như đánh giá và lựa chọn vùng trồng chè; mẫu đất, mẫu nước, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Tất cả phải ghi chép, lưu trữ hồ sơ, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản phẩm, không phải hộ nông dân hoặc cơ sở sản xuất nào cũng có thể làm được.
Để có được chứng nhận VietGAP, bà con cần phải hoàn thành hồ sơ đăng ký với tư cách trang trại hoặc hợp tác xã, hay tổ hợp tác. Tuy nhiên, việc sản xuất theo quy trình VietGAP giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm từ 10 - 15% so với chè thông thường.
Hiện, cả nước có hơn 130.000ha chè, sản lượng chè khô đạt trên 165.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 133 triệu USD/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 400.000 hộ trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố. Tuy năng suất chè đã đạt mức bình quân của thế giới, nhưng giá bán chè của nước ta chỉ bằng 60 - 70%. Điều đó cho thấy, ngành chè đang bộc lộ nhiều điểm yếu.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường