Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, năm 2012 nền kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai sâu rộng các cam kết trong WTO, khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, bởi nền kinh tế phát triển thiếu bền vững, sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện, gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá, giá vàng biến động bất thường. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trì trệ, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi gây áp lực lớn.
Nền kinh tế nước ta còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như biến động chính trị ở nhiều quốc gia. Đó là, giá lương thực thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế có thể tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, khủng hoảng nợ công lan rộng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt có nguy cơ yếu hơn, trong đó có USD, EUR.
TS.Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra rằng: năm 2012 tình hình lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao, nợ xấu hệ thống ngân hàng vì thế tăng. Việc giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào lạm phát, nếu lạm phát cao thì không thể hạ lãi suất. Về lâu dài, lãi suất sẽ giảm nhưng giảm còn tuỳ đối tượng, không phải ai cũng được vay được...Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt với những rủi ro như: vốn đầu tư, rào cản thương mại, tiền tệ...
Trước những khó khăn nói trên, các chuyên gia cho rằng, các DN, đặc biệt là DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hoặc tham gia xuất khẩu, cần có những chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản thích ứng. DN cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất - nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ kinh doanh trong khả năng và có triển vọng thị trường tốt nhất cho từng thời kỳ và phạm vi kinh doanh. Ngoài ra, DN nên chủ động công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, tăng cường liên doanh liên kết, chủ động xây dựng và thúc đẩy hoạt động tự tái cấu trúc toàn diện, mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, nâng cấp khả năng quản trị thông minh…
Theo quan điểm của TS.Nguyễn Minh Phong, các DN nhất là những DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cần chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản thích ứng phù hợp. DN nên đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng thị trường, đối tác và kênh xuất nhập khẩu các hàng hoá và dịch vụ kinh doanh trong khả năng và có triển vọng thị trường tốt nhất cho từng thời kỳ. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác trong kinh doanh, đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế cũng như chủ động hơn trong đề xuất, kiến nghị về chính sách.
TS.Hà Huy Tuấn thì cho rằng: các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sử dụng đồng vốn, sử dụng đồng vốn tiết kiệm, không nên sử dụng vốn vay làm đón bẩy, hạn chế đầu tư mới, không đầu tư dàn trải mà đầu tư có trọng điểm, thời gian thu hồi vốn, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó DN cũng cầnnâng cao sản phẩm, cố gắng giảm giá bán mức thấp nhất có thể để nâng cao cạnh tranh, bởi hiện nay chi phí cho các doanh nghiệp đặc biệt là chi phí cho khâu trung gian chiếm tỷ lệ rất cao làm giá sản phẩm bị đội lên.
Nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn cạnh tranh hơn, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó TGĐ SeA bank công bố dành nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho khách hàng là DN xuất nhập khẩu. SeABank sẽ có nhiều ưu đãi về vốn, lãi suất, phí dịch vụ. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31-1-2012, giảm 30% phí thanh toán cho DN nhập khẩu, giảm 1,5% lãi suất vay so với biểu lãi suất hiện hành cho DN xuất khẩu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, mức giảm trừ sẽ được áp dụng cho đến hết thời hạn khoản vay của khách hàng.
Ngoài ra, SeABank giảm 50% phí chuyển tiền trong nước khi DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SeABank. Đây là sự hỗ trợ thiết thực nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phần nào tháo gỡ khó khăn về vốn trước mắt.
Tổng hợp