Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thuốc thú y gặp khó về vốn
27 | 12 | 2011
Theo khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam (VVPA), hiện có 8 nhà máy đạt chuẩn GMP đang hoạt động. Để đảm bảo sản xuất, khá nhiều DN đã gồng mình trang bị GMP, dự kiến, đến hết ngày 31/12 sẽ có thêm 7 nhà máy đạt chuẩn. Như vậy, hơn 120 DN còn lại sẽ phải đóng cửa và các sản phẩm đã sản xuất của họ cũng chỉ được phép lưu hành đến ngày 31/12. Riêng với dạng thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn thì được phép lưu hành đến cuối năm 2012.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng doanh thu thị trường thuốc thú y mỗi năm ước đạt 1.000 tỷ đồng, trung bình doanh thu của mỗi DN đạt 100 tỷ đồng/năm. Trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia . Các chuyên gia trong ngành đánh giá, tuy chiếm thị phần nhỏ nhưng DN nội vẫn có khả năng cạnh tranh tốt do am hiểu thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên. Khi dịch bệnh xảy ra, họ có khả năng ứng phó nhanh, kiểm soát dịch bệnh tốt nên đáp ứng được lòng tin của người tiêu dùng. Đáng tiếc là do thiếu điều kiện sản xuất tốt và mức độ cạnh tranh lại quá cao nên DN nội vẫn cứ luẩn quẩn quanh mô hình vừa và nhỏ của mình.
Quy chuẩn thực hành sản xuất thuốc (GMP) là thước đo chất lượng sản phẩm giúp ngành chăn nuôi khống chế dịch bệnh. Việc sắp xếp lại thị trường kinh doanh thuốc thú y với tiêu chuẩn GMP là cần thiết khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó trong việc áp dụng tiêu chuẩn này do thiếu vốn.
GMP là hệ thống các nguyên tắc, yêu cầu thực hành sản xuất thuốc tốt nhằm đảm bảo các hãng thuốc, các nhà sản xuất luôn làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố lộ trình áp dụng GMP đối với các sản phẩm thuốc thú y bắt đầu từ năm 2004 và thời hạn chót là 2006. Do chưa có sự chuẩn bị, kế hoạch này được gia hạn thêm 2 năm, sau đó lại tiếp tục gia hạn đến cuối năm 2011. Tuy nhiên, mới đây, Bộ đã ra quy định mạnh tay hơn, đến hết ngày 31/12/2011, những DN không đáp ứng tiêu chuẩn GMP đều bị rút giấy phép hoạt động, sản phẩm không được phép lưu hành trên thị trường.
Chính vì vậy, các DN đang chạy nước rút để có được GMP. Tuy nhiên, hầu hết DN sản xuất thuốc thú y tại Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ nên chi phí đầu tư để có được GMP là ngoài tầm với, nghĩa là đến cuối tháng 12 sẽ có nhiều DN trong ngành bị loại khỏi thị trường.
"Các DN cần ít nhất 30 tỷ đồng để trang bị dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP. Với những sản phẩm khác nhau, như thuốc viên, thuốc nước, thuốc dạng bột… lại cần một dây chuyền sản xuất khác để tránh nhiễm chéo, khiến con số đầu tư cho sản xuất theo GMP là không nhỏ", ông Huỳnh Công Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Mebiphar cho biết.
Ông Phan Minh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh thuốc thú y Minh Ngân, lo lắng: "Trong phác đồ trị bệnh cho vật nuôi buộc phải dùng đồng thời thuốc bột và thuốc nước. Nếu cấm thuốc nước, thuốc bột bán ra thị trường cũng chẳng ai mua".
Một điều khiến các DN băn khoăn là nếu hiện đại hóa các nhà máy, trong khi những nơi kinh doanh thuốc thú y vẫn còn quá sơ sài, không đủ trang thiết bị bảo quản cần thiết, trình độ người bán thuốc hạn chế… thì chắc chắn chất lượng thuốc khi lưu thông, phân phối sẽ bị ảnh hưởng".
Theo ông Tuấn, áp dụng GMP thì giá thành sản phẩm sẽ tăng từ 30-50% so với các sản phẩm không đạt chuẩn; nếu kiểm soát không khéo, các DN sản xuất thuốc thú y bị rút giấy phép do không đạt chuẩn GMP sẽ làm chui và bán rẻ. Và thực tế là, hiện trên thị trường có tới 65% thuốc thú y kém chất lượng.
Theo quy định, người phụ trách kỹ thuật sản xuất, kiểm nghiệm phải có bằng dược sĩ, nhưng hiện nay ngành y tế cung không đủ cầu, hiện chỉ có Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh đào tạo thí điểm khóa dược thú y đầu tiên, nhưng phải đến năm 2012, lứa dược sĩ thú y này mới ra trường. Việc chuẩn bị nhân sự cho các cơ sở đăng ký GMP thú y theo đó rất bế tắc.
Trước nguy cơ hàng chục DN sản xuất thuốc thú y phải đóng cửa, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) gợi ý các DN không đạt chuẩn GMP nên ký kết hợp đồng gia công cho các nhà máy đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giải pháp tạm thời đó rất bất ổn vì mỗi DN có công thức pha chế riêng, quy trình sản xuất khác nhau, đó là bí mật nghề nghiệp, hơn nữa, DN đạt GMP chưa hẳn lúc nào cũng sẵn sàng nhận hợp đồng gia công nếu không nói là trong thương trường, họ muốn đối thủ của mình phải ngừng hoạt động.
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, việc thực hiện và chuyển đổi DN sản xuất thuốc thú y vẫn sẽ theo lộ trình và không thể trì hoãn thêm vì đã có đến 6 năm cho DN chuẩn bị. Với quyết định này, thị trường thuốc thú y trong năm 2012 sẽ có một đợt đào thải khắt khe. Hy vọng sau đó, DN sản xuất thuốc thú y nội sẽ có thể nâng chất, cạnh tranh lành mạnh và dần chiếm lĩnh thị trường.
Tổng hợp
 


Báo cáo phân tích thị trường