Làng nghề trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP (ngày 7/7/2006) của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trên địa bàn cả nước có khoảng 4.500 làng nghề, bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6% đến 15%/năm. Tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng làng nghề lần lượt là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, chiếm 60% tổng số làng nghề trong cả nước. Hàng năm, ngành nghề nông thôn đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP; giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động.
Đến nay, các làng nghề đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động. Hoạt động ngành nghề nông thôn thu hút gần 30% lực lượng lao động tham gia vào các cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Có những làng nghề thu hút trên 60% lao động trong tổng số lao động của địa phương vào hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động thường xuyên, các hộ, cơ sở ngành nghề còn thu hút thêm từ 2% đến 10% lao động thời vụ. Thu nhập của lao động làng nghề đạt từ 450.000 – 4 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,5 đến 4 lần so với lao động thuần nông.
Các làng nghề phát triển đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”. Sự lan tỏa của các làng nghề đã mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, giá trị sản xuất của ngành nghề nông thôn của 30 tỉnh/thành phố trong cả nước đạt trên 78.000 tỷ đồng. Năm 2010, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với cơ sở đào tạo dạy nghề và doanh nghiệp phối hợp thí điểm mở 109 lớp, đào tạo 2.650 lao động ở 26 nghề truyền thống tại 10 tỉnh, thành phố. Việc đào tạo tiến hành theo 3 mô hình: Đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới cho những địa phương chưa có nghề truyền thống; đào tạo gắn với vùng nguyên liệu và đào tạo nhân lực trình độ sơ cấp để phát triển chất lượng nhân lực tại các làng nghề hiện có. Theo đánh giá sơ bộ, đến nay, nhờ kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, có 80% đến 90% học viên sau khi học xong đã có việc làm, có thể nhận đơn đặt hàng về làm hoặc có thể làm tại các công ty.
Các làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn
Việc duy trì và phát triển các làng nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Song, trên thực tế, các làng nghề nông thôn của nước ta hiện phát triển chưa đồng đều và những khó khăn từ bên trong đang là thách thức mà các làng nghề phải đối mặt. Trong đó, có những khó khăn lớn như: Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm, thị trường chưa được mở rộng, trình độ quản lý chậm được nâng cao…
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện có đến 80% số lượng các làng nghề đang hoạt động trong tình trạng thiếu vốn. Nguồn vốn đang sử dụng chủ yếu là vốn tự có và vốn vay thương mại quá thấp so với nhu cầu. Hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ sản xuất làng nghề được vay vốn theo lãi suất ngân hàng; còn lại, các hộ sản xuất ít được vay hoặc được vay ít do thiếu tài sản thế chấp. Việc này đã làm hạn chế khả năng đầu tư mở rộng sản xuất của các đối tượng này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lao động làng nghề khá đông nhưng chủ yếu vẫn là lao động thủ công. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ lao động làng nghề đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 12,3%. Việc dạy nghề, phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, hoặc những lớp ngắn ngày do địa phương tổ chức cho con em trong vùng. Rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản. Do vậy, hiệu quả dạy nghề chưa cao.
Đặc biệt, công tác đổi mới thiết bị - công nghệ phục vụ sản xuất cũng như tiếp cận thị trường còn hạn chế. Hầu hết các làng nghề phát triển chưa có quy hoạch. Các làng nghề chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nên bị thua thiệt khi cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, mới có 30/63 tỉnh, thành phố phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.
Đáng chú ý, hiện nay đa số các làng nghề chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, trong khi công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Các văn bản quy phạm phát luật về bảo vệ môi trường làng nghề chưa đồng bộ. Ngoài ra, sự đầu tư về đào tạo trình độ khoa học – công nghệ trong xử lý môi trường tại các cơ sở làng nghề còn thiếu và yếu nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang ở mức báo động…
Để làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, làng nghề vẫn đang có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, làng nghề phải tái cấu trúc, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn. Ở làng nghề, cơ sở sản xuất phổ biến là hộ gia đình, bên cạnh đó là một số công ty và doanh nghiệp tư nhân, phần lớn có quy mô nhỏ và vừa. Vì vậy, các địa phương cần tham gia vào đổi mới tổ chức quản lý, khắc phục lối quản lý kiểu gia đình, thiếu chiến lược kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng và không ngừng nâng cao hiệu quả. Xem xét danh mục sản phẩm chủ lực cần duy trì và phát triển, kiên quyết loại bỏ sản phẩm không có thị trường. Tập trung các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu đổi mới mẫu mã, khai thác thị trường… Phát triển sản phẩm nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát huy những thế mạnh của ngành nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nghề và làng nghề, trợ giúp bảo vệ môi trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực. Tăng cường các quan hệ liên doanh liên kết về nhiều mặt trong sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh,… để cùng nhau nâng cao uy tín thương hiệu nghề.
Song song với tái cấu trúc, việc vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị máy móc, đầu tư xử lý môi trường…, cần được ưu tiên hàng đầu trong chính sách vay vốn ở các làng nghề.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 21 nghệ nhân đã được phong danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia, còn đa số các nghệ nhân chưa có chế độ đãi ngộ nào. Nhiều ý kiến từ Hiệp hội cho rằng, việc trọng dụng và đãi ngộ cho các nghệ nhân cũng là một vấn đề khác cần lưu tâm, nếu muốn tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật dồi dào hơn cho làng nghề truyền thống. “Phải suy nghĩ đến việc sử dụng những nghệ nhân già. Đó là những báu vật nhân văn sống ở mỗi làng nghề nước ta. Nhiều người mất đi, không truyền lại gì được cho con cháu nữa, đó là điều đáng tiếc. Nhà nước phải có chính sách hợp lý sử dụng cũng như tôn vinh họ”.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản