Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ có 5-6% số doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử
03 | 09 | 2007
Khảo sát của Bộ Thương mại đưa ra kết luận: website của các doanh nghiệp chủ yếu chỉ giới thiệu về công ty. Tính năng thương mại điện tử rất mờ nhạt. Đây là điểm bất lợi trong cạnh tranh thương mại.

Thông tin này được công bố tại hội thảo chiều 22/01, nhân dịp tổ chức triển lãm ứng dụng CNTT - TT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN, hoặc SME). Phần triển lãm sẽ được tổ chức tại TP.HCM hôm qua và hôm nay, do Sở Bưu chính Viễn thông TP.HCM cùng với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức.

Việc ứng dụng CNTT trong DN những năm gần đây đã có những bước chuyển biến đáng kể. Năm 2006 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành CNTT-TT, khi là năm đầu tiên có luật về CNTT-TT với bộ Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại sửa đổi, Bộ Luật Dân sự sửa đổi và nghị định Thương mại điện tử có hiệu lực. Năm 2006 cũng là năm đầu tiên triển khai “Kế hoạch tổng thể TMĐT giai đoạn 2006-2010” số lượng DN tham gia TMĐT bắt đầu tăng lên…

Khách tham quan gian trưng bày của Acer tại hội thảo. Ảnh: Đ.V

Tuy nhiên, theo điều tra của Bộ Thương mại, số lượng DN có website chiếm chỉ khoảng 20-25%. Trong số đó, có tới 93,8% số website chỉ để giới thiệu về công ty. Tính năng giao dịch điện tử chỉ 27%. Tính ra, chỉ khoảng 5,4 đến 6% số DN Việt Nam sử dụng thương mại điện tử.

Ông Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Bộ Bưu chính viễn thông, cho rằng xu thế thị trường là sẽ sử dụng thương mại điện tử là tất yếu, điều đó chắc chắn buộc DN phải ứng dụng và sử dụng CNTT, nếu không muốn bị thua trong cạnh tranh.

Thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy, hiện tại có 15 triệu người sử dụng Internet, 91% số DN sử dụng website. Dự báo trong 3 năm tới có 30 triệu người người sử dụng Internet. Thị trường rộng lớn đó cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ là tiền đề cho sự phát triển của TMĐT trong những năm sắp tới.

Theo đà tăng trưởng, năm 2010 sẽ có 500.000 DNVVN. Ông Lập ước đoán đến 2010 sẽ có khoảng 60% số DN sử dụng website, và thúc đẩy giao dịch, mua bán trực tuyến.

Theo GS.TS Lê Đăng Doanh, TMĐT ở Việt Nam chỉ mới ở bước đầu, các loại giao dịch B2B và B2C, thanh toán điện tử, chữ ký điện tử… mới ở mức độ sơ khai, là một khó khăn để phát triển lĩnh vực TMĐT. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Chính phủ điện tử và Thương mại điện tử đã đến lúc trở thành yêu cầu cấp bách.

Hội thảo về ứng dụng CNTT và đầu tư TMĐT cho DNVVN diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/1, tập trung vào các vấn đề về chia sẻ kinh nghiệm, tìm các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, giới thiệu các công nghệ ứng dụng và đề xuất các chương trình đầu tư trong đó có nguồn vốn cho DN… Giới thiệu những giải pháp của lĩnh vực CNTT phục vụ cho DNVVN, với sự tham gia của hơn 15 đơn vị như Acer, T&H, NTC, CMC, April, DSAT…

Đặng Vỹ



Theo VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường