Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH KINH NGHIỆM GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÔNG NGHIỆP CỦA CHÂU ÂU
30 | 11 | 2011
AGROINFO xin giới thiệu đến quý vị độc giả BẢNKIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH KINH NGHIỆM GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÔNG NGHIỆP CỦA CHÂU ÂU.

 
CƠ QUAN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ TÂY BAN NHA
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NN NT
Dự án “Nghiên cứu xây dựng khuyến nghị chính sách hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp – giai đoạn 2 và 3”
 KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH KINH NGHIỆM GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NÔNG NGHIỆP CỦA CHÂU ÂU
 
 
 
Người thực hiện: Phùng Quốc Tuấn
 
Dòng hoạt động : 3.2.4
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin PTNNNT
Hợp đồng số: số 37/KH-SMEs II+III/HĐ
 
 

 

 
 
GIỚI THIỆU

Xưa nay, nghề nông được coi là kinh nghiệm “cha truyền con nối”, chỉ truyền dạy “cầm tay chỉ việc”, không cần đến một hệ thống giáo dục, đàotạo hoàn chỉnh.
Mọi việc đã khác với một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá qui mô lớn. Nhà nông tương lai không chỉ cần có kiến thức về cây trồng, vật nuôi mà còn phải thông thạo sử dụng máy móc, thiết bị, có kiến thức quản lý và kinh doanh. 
Để xây dựng đội ngũ lao động nông nghiệp tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển mới, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và thành lập “Ban chỉ đạo Trung ương Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
 
MỞ ĐẦU
 
Việt Nam đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, nền tảng là hộ tiểu nông nhỏ lẻ với đội ngũ lao động chưa được đào tạo hệ thống. Đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề mới đạt 18,7%, so với bình quân chung cả nước 25%. Thiếu lao động có tay nghề là cản trở lớn cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp và sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 16 địa phương thu hồi nhiều đất cho thấy chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, hàng năm cần đào tạo nghề cho khoảng 350.000 tới 400.000 người. Vùng chuyên canh cây nguyên liệu có nhu cầu lao động đào tạo nghề khoảng 96.000 người. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề các cấp đến năm 2020 khoảng 800.000 người. Nhu cầu của một số ngành khác như du lịch giai đoạn 2009-2015 là khoảng 20.000 người/năm, những năm sau đó khoảng 50.000 người/năm. Ngoài ra, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hàng năm là khoảng 50.000 người. Như vậy, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn đang là một đòi hỏi bức thiết của xã hội.
Chủ trương tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được nhấn mạnh trong Nghị Quyết 26-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Khóa X, cụ thể hóa bằng Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 11 năm 2009, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ban chỉ đạo Trung ương cho Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được thành lập. Vấn đề chính đặt ra lúc này là xây dựng được một cơ chế đào tạo lao động nông thôn phù hợp với yêu cầu của thực tế và khả thi với năng lực hiện tại.
Ở một số quốc gia châu Âu có nền kinh tế công nghiệp phát triển, lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ở khu vực nông thôn có tay nghề rất cao. Họat động đào tạo nghề có kết quả tốt nhờ xác lập được mô hình tổ chức và hệ thống chính sách thích hợp. Kinh nghiệm thành công này là kết quả của một quá trình thử nghiệm lâu dài. Đây là những bài học vô giá cho các nước đang phát triển. Trong tài liệu tham khảo này, xin giới thiệu về kinh nghiệm giáo dục đào tạo nông nghiệp của Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan để cung cấp một số thông tin tham khảo cho quá trình thực hiện “Đề án đào tạo lao động nông thôn” của nước ta hiện nay.

1.     Lịch sử hình thành và phát triển

               Thành công của công tác đào tạo nông dân ở châu Âu bắt nguồn từ nhu cầu tiếp thu kiến thức của quá trình phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đó là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng tổ chức phát triển kinh tế hợp tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn phục vụ nông nghiệp hàng hoá hướng về xuất khẩu. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ vào thế kỉ thứ 19, khi quá trình công nghiệp hoá đang bùng nổ ở châu Âu.
Vào những năm 1870, ở Đan Mạch, ngành xuất khẩu lương thực và gia súc bị cạnh tranh nghiêm trọng do các nước sản xuất nông nghiệp lớn như Ba Lan và Ukraina tận dụng hệ thống giao thông mới phát triển giảm chi phí vận chuyển. Trước tình hình đó, nông dân Đan Mạch chuyển sang sản xuất các nông sản có giá trị gia tăng cao hơn như bơ và thịt hun khói. Chính sự thay đổi từ sản xuất nông sản thô sang chế biến sâu đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế hợp tác. Các hợp tác xã được tổ chức trên quy mô rộng để nông dân có thể tham gia chế biến, buôn bán và cung cấp vật tư nông nghiệp cho họ.
Tiếp theo, để nâng cao vai trò của nông dân trong xã hội, các hợp tác xã và hội nông dân xây dựng nên các hiệp hội ngành hàng. Nhờ các hiệp hội này ra đời, hoạt động tập huấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật trở nên rất thuận lợi. Được tổ chức lại, và được đào tạo kiến thức mới và văn hóa, một yếu tố quan trọng xuất hiện với nông dân, đó là sự tự tin và nhận thức mới về sức mạnh của mình giúp cho họ hình thành một xã hội nông thôn mới, sẵn sàng tham gia nền kinh tế công nghiệp.
Na Uy vào đầu thế kỉ XIX cũng diễn ra một quá trình phát triển đột biến tương tự. Là một trong những nước nghèo nhất Châu Âu, phần lớn cư dân là tiểu chủ hay tá điền, sống tự cung tự cấp bằng đánh cá và săn bắt thú rừng, những năm 1850, do điều kiện sống được cải thiện, nhiều vùng nông thôn đã tăng nhanh dân số. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa ở đô thị không thu hút kịp lao động. Tình trạng này đã dẫn tới nhiều cuộc di cư sang Châu Mỹ. Với những lao động còn ở lại nông thôn, quy mô nông trại tăng lên và nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn đã thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đưa ngành nông nghiệp Na uy trải qua một giai đoạn chuyển mình sâu sắc.
Nhiều công nghệ mới ra đời khiến kiến thức bổ sung về khoa học tự nhiên trở thành nhu cầu cần thiết. Công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn đã tạo ra những sản phẩm quan trọng cho người nông dân, giúp tăng thêm thu nhập, giảm bớt làn sóng di cư đang rút cạn nguồn nhân lực trẻ tuổi ở nông thôn. Tầng lớp tiểu chủ và lực lượng lao động lớn mạnh tạo ra nhu cầu về chính sách công bằng xã hội. Giáo dục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bước đổi thay ngoạn mục này.
 
Vào cuối thế kỷ 19, tại Pháp đã phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc không mang tính tôn giáo, không mất tiền. Thời gian học phổ thông tới 16 tuổi. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, các môn học chính là văn học và khoa học, việc học nghề lao động chân tay ở cấp phổ thông rất hạn chế. Tới những năm 1950, các trường trung học kỹ thuật công lập được thành lập. Các môn học về kỹ thuật nông nghiệp được giảng dạy.
Tại các trường phổ thông ở nông thôn, trẻ em từ 6-13 tuổi học vài giờ kỹ thuật nông nghiệp mỗi tuần và thực hành tại trang trại của gia đình, đôi khi trẻ em cũng làm việc như những lao động nông nghiệp. Khi đó, việc giảng dạy kỹ thuật nông nghiệp vẫn chưa phổ biến và không mang tính chất “bắt buộc”.
Ngày nay, các trường tiểu học và trường trung học “tự do” được Nhà nước tài trợ một phần, các trường này được quyền lựa chọn giáo viên và phương pháp giảng dạy.
Từ cuối thế kỷ 19, tại Pháp thành lập các trường nông nghiệp công lập đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cao cấp. Khi Luật Nông nghiệp ra đời đầu thập kỷ 1960, Nhà nước bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục nông nghiệp chính thức. Bộ Nông nghiệp quản lý và đầu tư các trường trung học kỹ thuật nông nghiệp tại mỗi tỉnh để đào tạo nghề cho các thanh thiếu niên từ 14 tuổi cho tới 17 tuổi có định hướng học nghề ngay từ nhỏ (không học lên đại học hoặc cao đẳng). Trường cấp bằng sơ cấp nông nghiệp. Thanh niên từ 18 tuổi có thể học kỹ thuật viên nông nghiệp và 20-21 tuổi có thể học lên kỹ thuật viên cao cấp.
Với mục tiêu xã hội hóa việc dạy nghề nông nghiệp, nhiều hiệp hội (phần lớn được Nhà thờ hỗ trợ) thành lập nhiều cơ sở giáo dục tư thục ở Pháp. Đến năm 1978, cả nước đã có 940 cơ sở đào tạo nông nghiệp tư thục so với 279 cơ sở công lập. Các trường tư có số học sinh nhiều hơn trường công (khoảng 72.000 so với 44.000 học sinh theo học trường công).
Các trường tư chủ yếu thực hiện các khoá đào tạo ngắn hạn (đào tạo lấy bằng sơ cấp nông nghiệp), học sinh phải trả tiền. Các trường công thực hiện cả đào tạo sơ cấp, trung cấp và kỹ thuật viên cao cấp. Các cơ sở đào tạo tư nhân do đại diện phụ huynh học sinh quản lý, dựa trên 2 nguyên tắc:
-         Trẻ em học lý thuyết tại trường, thực hành tại trang trại gia đình.
-         Giáo viên chủ yếu là những người đỡ đầu hoặc tình nguyện và cha mẹ học sinh phải đảm nhiệm một phần công việc dạy học.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa từ đầu thế kỷ 20, đặc biệt là giai đoạn 1945 đến 1975, Giáo dục và đào tạo nông nghiệp của Cộng hòa Pháp được coi là mô hình thành công nhất ở Châu Âu có hệ thống giáo dục và đào tạo nông nghiệp hoàn chỉnh, được định hướng tốt và gắn kết nhiều thành phần khác nhau.
Hình mẫu cho hệ thống giáo dục nông nghiệp đầu tiên ở Na Uy bắt nguồn từ Đức và Thụy Sĩ. Năm 1854, một trường cấp ba kết hợp giảng dạy nông nghiệp được xây dựng ở Na Uy. Ban đầu việc đào tạo chỉ dành cho tầng lớp trên, con cái các điền chủ, không dành cho tiểu chủ và nông nô.
Na Uy phổ cập giáo dục từ thế kỉ 19, nhờ đó chữ viết được phổ cập rất sớm ở nông thôn. Những năm 1950, giáo dục cơ sở kéo dài từ 7 lên 9 năm và giáo dục bậc trung học được mở rộng. Trong những năm 1970, trường nông nghiệp trở thành một phần trong hệ thống các trường phổ thông cấp hai. Sau đó, vào những năm 80 bắt đầu xuất hiện trường nông nghiệp tư thục do Bộ Nông Nghiệp quản lý. Từ năm 1990, giáo dục nông nghiệp đã được chuyển từ Bộ Nông Nghiệp sang Bộ Khoa Học và Giáo Dục.
 
Ở Châu Âu, trong thời kì đầu, do định kiến xã hội, nội dung đào tạo nghề được chia theo tầng lớp xã hội:
-        Lý thuyết và kỹ năng lãnh đạo: dành cho quí tộc và điền chủ:
-        Lý thuyết, thực hành và hướng dẫn kỹ năng làm việc: dành cho trung nông
-        hướng dẫn kỹ năng làm việc: dành cho tiểu nông và lao động làm thuê
Cách tổ chức giáo dục như trên rất phù hợp với hoàn cảnh phần lớn Châu Âu ngày đó vẫn tồn tại cả tầng lớp điền chủ và quí tộc, có đông nông dân và lao động làm thuê. Không một tá điền nào được đào tạo qua trường lớp.
Riêng Na Uy khi đó, đã có một kết cấu xã hội mới, phần lớn nông dân canh tác độc lập, không phụ thuộc vào địa chủ (2/3 trong số đó là tiểu chủ và tá điền), nhưng việc áp dụng hệ thống giáo dục trên khiến cho phần lớn nông dân không được đào tạo. Mâu thuẫn này tại Na Uy bị phê phán kịch liệt. Đến thập kỷ 90, những thay đổi lớn trong xã hội dẫn đến việc thành lập hệ thống giáo dục dành cho giới tiểu chủ và nông dân.
Năm 1915, tại Na Uy được ban hành đạo luật xây dựng trường đào tạo giáo viên nông nghiệp dạy cho cả nông dân và tiểu chủ. Những trường dạy nghề nông nghiệp cũng được mở ra, cách thức tổ chức khác nhau tùy theo vào đặc điểm từng địa phương và khả năng chi trả của học viên.
Do khí hậu khắc nghiệt, mùa đông dài và mùa hè rất ngắn nên rất nhiều khóa học được mở ra suốt mùa đông và thực hành miễn phí trong suốt mùa hè.. Nhà nước hỗ trợ nhiều trang thiết bị và cung cấp vật tư đầu vào để hỗ trợ chương trình đào tạo. Thông tin về các chương trình đào tạo được lan truyền rộng rãi trên cả nước cho nông dân
Tại Hà Lan, giáo dục nông nghiệp nhằm hai nhiệm vụ đảm bảo phát triển cả giáo dục và nông nghiệp. Vì thế, theo chính sách của Hà Lan, giáo dục nông nghiệp đặt dưới sự quản lý của cả hai Bộ Khoa học- Văn hóa- Giáo dục và Bộ Nông nghiệp - Ngư nghiệp và Quản lý Tự nhiên.
Giáo dục nông nghiệp ở Hà Lan được phân thành 4 cấp:
a.       “Giáo dục khoa học nông nghiệp” được đào tạo ở trường Đại học Wageningen, với chương trình học 6 đến 7 năm.
b.       “Giáo dục cao cấp về nông nghiệp”được đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học về nông nghiệp và nghề làm vườn, với chương trình học từ 3 đến 4 năm. Cấp đại học nông nghiệp do Chính phủ xây dựng và cung cấp kinh phí.
c.       “Giáo dục trung cấp về nông nghiệp”được giảng dạy ở các trường phổ thông về nông nghiệp và làm vườn kéo dài từ 1,5 đến 3 năm, tùy theo đặc từng trường.
d.       “Giáo dục sơ cấp về nông nghiệp” được giảng dạy ở các trường phổ thông về nông nghiệp và làm vườn. Chương trình học kéo dài 4 năm và có thể rút ngắn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể.
Các trường học và chương trình học được chính phủ, tư nhân, hoặc các tổ chức xã hội như hiệp hội nông dân... xây dựng. Những trường phổ thông nông nghiệp có qui mô nhỏ do Chính phủ cấp kinh phí và quản lý, ngay cả các trường tư vẫn được chính phủ hỗ trợ tới 100%, để trả lương, xây dựng trường và mua thiết bị. Một phần kinh phí rất nhỏ ở các trường tư là từ các tổ chức liên kết với trường. Học sinh ở các trường phải chi trả một khoản học phí rất nhỏ, tùy thuộc vào cấp độ của ngành học.
Tại Đan Mạch, có 2 trường đại học nông nghiệp kết hợp viện nghiên cứu là Copenhagen và Aarhus. Năm 2007, 2 trường này đã sát nhập với một loạt các viện nghiên cứu và trung tâm thí nghiệm để phối hợp tốt hơn hai hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Một hệ thống trạm nghiên cứu (cả cơ bản và ứng dụng) được đặt khắp nước phục vụ công tác thí nghiệm tiến hành nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của các tổ chức và khách hàng trong ngành nông nghiệp cho mọi vùng sinh thái.
 
Luật nông nghiệp năm 1975 của Pháp, khuyến khích đào tạo nghề nông cho người lớn, còn gọi là đào tạo “nâng cao” hay “đào tạo tiếp tục”. Theo Luật này, mỗi ngành nghề sẽ thành lập qũy đào tạo nghề nghiệp lấy từ thuế thu của doanh nghiệp. Trên quy mô quốc gia, các quĩ này do các tổ chức nghiệp đoàn quản lý (do cả tổ chức của giới chủ và tổ chức của người lao động quản lý). Nội dung đào tạo của quỹ do lãnh đạo các xí nghiệp hoặc công đoàn, nghiệp đoàn đề nghị thông qua thảo luận giữa đại diện công nhân và đại diện giới chủ xí nghiệp.
Hệ thống đào tạo khuyến nông cho lao động nông nghiệp ở Pháp bao gồm:
-         Trường trung học nông nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề của Nhà nước. 
-         Trung tâm đào tạo của các phòng nông nghiệp
-         Các cơ sở đào tạo tư nhân làm dịch vụ, thu lợi nhuận
-         Các cơ sở đào tạo của hiệp hội nông dân
Các cơ sở đào tạo không phải của Nhà nước được Nhà nước phê duyệt nội dung và định hướng đào tạo.
Tại Đan Mạch, có 17 trường kỹ thuật nông nghiệp với nhiều định hướng chuyên ngành ví dụ như trường giành cho canh tác nông nghiệp hữu cơ. Chương trình giáo dục nông nghiệp kết hợp cả lý thuyết tại trường và thực hành, phối hợp cả kỹ thuật và kinh doanh. Các nội dung học rất phong phú và thiết thực ví dụ như quản lý trang trại, vận hành máy móc, sử dụng nông hóa.... Giáo trình và tiêu chuẩn đào tạo được một Hội đồng của Bộ Giáo dục giám sát.
Ở Hà Lan có 22 tổ chức quốc gia tham gia đào tạo nghề nông nghiệp. Các tổ chức này phát triển hệ thống giáo dục chất lượng cao “Giáo dục trung học nông nghiệp”. Nội dung đào tạo đạt trình độ chuyên môn tiêu chuẩn cho 6 lĩnh vực:
-         Nghề trồng hoa (để làm chủ cửa hàng hoa hay trung tâm cây cảnh)
-         Chăm sóc động vật (để làm việc tại sở thú, thú y)
-         Tạo lập không gian xanh (làm việc tại vườn cảnh, công viên cây xanh)
-         Trồng cây
-         Chăn nuôi động vật
-         Công nghiệp rau xanh và thực phẩm
Việc dạy nghề nông nghiệp được phổ cập bằng bộ máy giáo dục chuyên nghiệp, với mạng lưới trường và các khóa học dày đặc để bất cứ ai muốn tham gia bất kì hình thức đào tạo nông nghiệp nào cũng không cần phải đi quá xa hay phải trả chi phí quá lớn. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Bộ Khoa học có thể sẽ kết hợp thành Bộ Khoa học - Tự nhiên- Giáo dục, và Bộ Nông nghiệp sẽ đảm nhận phần nội dung đào tạo, Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức hệ thống giáo dục.
Điều đặc biệt đáng chú ý ở các quốc gia châu Âu là người nông dân hiện đại phải có bằng cấp, được đào tạo chính quy. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác đào tạo nghề nông là các chính sách phát triển thị trường lao động, tạo cơ hội cho những người đã qua đào tạo phát triển thành chủ trang trại hoặc chủ doanh nghiệp nông nghiệp hoặc chuyển sang nghề khác. Ví dụ ở Na Uy, bằng tốt nghiệp nghề nông nghiệp là điều kiện bắt buộc cho những người muốn trở thành nông dân chuyên nghiệp.
Ở Pháp, nông dân muốn được vay ngân hàng và các quỹ phát triển và được hưởng trợ cấp lập nghiệp phải có bằng tốt nghiệp khóa đào tạo chính quy do Nhà nước và chính quyền địa phương trực tiếp tài trợ, khoảng 200 giờ (tương đương trung cấp nông nghiệp). Nhà nước có chính sách hỗ trợ những người qua đào tạo tự lập nghiệp bằng nghề mà họ học được. Để nhận trợ cấp lập nghiệp, tối thiểu phải có bằng sơ cấp nông nghiệp. Tại Đan Mạch, chỉ những người đã có bằng tốt nghiệp phổ thông 9 năm và có bằng 4,5 năm giáo dục nông nghiệp mới được sở hữu, quản lý và được phép mua bán nông trại rộng trên 30 ha.
Ở tất cả các nước, hoạt động khuyến nông và đào tạo ngắn hạn thường do các bộ phận đào tạo của các phòng nông nghiệp và các hội nông dân đảm nhiệm. Các khoá học này do các quĩ đào tạo của Nhà nước tài trợ là chính với nội dung hướng dẫn kỹ thuật cụ thể bằng các khoá học từ 1 đến 5-10 ngày. Để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này, Quĩ hoạt động đào tạo cho nông dân của Pháp được hình thành từ thuế thu từ thu nhập sản xuất do các tổ chức nghề nghiệp nông nghiệp làm đại diện và trực tiếp quản lý. Các nhóm nông dân có thể xin tài trợ từ quĩ này cho hoạt động khuyến nông. Hiệu quả của hoạt động đào tạo được “Hội đồng đào tạo” gồm đại diện các tổ chức nghề nghiệp nông nghiệp ở cấp tỉnh đánh giá. Ngoài ra, còn một quĩ đào tạo dành riêng cho công nhân nông nghiệp (những người làm thuê không có đất).
Để đào tạo cán bộ lãnh đạo nghiệp đoàn, hiệp hội, các nước Châu Âu xây dựng hệ thống giáo dục riêng. Tại Pháp, trong những năm 1950-1970, hình thức đào tạo “phát triển nông nghiệp tập thể” được dành riêng đào tạo cán bộ lãnh đạo, nâng cao địa vị của người nông dân trong xã hội nhằm bổ sung kiến thức tham gia quản lý, nâng cao khả năng hiểu và phân tích thách thức kinh tế và chính trị, kỹ năng trình bày ý kiến (nói và viết) và tổ chức hoạt động (phương pháp tổ chức các cuộc họp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phân tích và lấy ý kiến...).
Từ những năm 1970-1980, họat động “phát triển nông nghiệp tập thể” phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tăng nhanh. Thiếu niên nông thôn được đào tạo thời gian dài hơn, được trang bị kiến thức chung tốt hơn. Truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp rất nhiều thông tin về thách thức kinh tế, chính trị và xã hội. Đào tạo cán bộ nghiệp đoàn hiện nay theo hai hướng:
-         Đào tạo chuyên môn sâu về chính sách nông nghiệp, những thách thức của kỹ thuật mới, của thị trường quốc tế hoặc quản trị xí nghiệp.
-         Đào tạo phương pháp phân tích và đánh giá thông tin, xây dựng dự án...
 
 
-         Tại Châu Âu, đào tạo nghề bắt đầu từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn khi cạnh tranh trên thị trường buộc nông dân tổ chức lại trong các hợp tác xã và hiệp hội và khi tiến bộ kỹ thuật phát triển mạnh.
-         Hầu hết các nước, giáo dục phổ thông kết hợp hài hòa với giáo dục dạy nghề từ lứa tuổi thiếu niên và định hướng học nghề cho thanh niên. Vì vậy trở thành nông dân có kỹ thuật là một định hướng vào đời cho một phần lực lượng lao động nông thôn từ khi còn trẻ.
-         Tổ chức học nghề nông nghiệp được chia thành các cấp gắn liền với giáo dục phổ thông từ sơ cấp, trung cấp đến đại học. Đào tạo lý thuyết gắn chặt với thực hành trên đồng ruộng, đào tạo đại học gắn chặt với nghiên cứu và ứng dụng tại các trạm trại.
-         Ở hầu hết các nước, công tác đào tạo được đầu tư và hỗ trợ thông qua quỹ đào tạo do nhà nước đầu tư là chính. Quỹ này thu từ thuế đánh vào lợi nhuận sản xuất của từng ngành hàng và do tổ chức nghiệp đoàn của cả giới chủ và người lao động quyết định sử dụng, đánh giá hiệu quả sử dụng.
-         Các trường và trung tâm đào tạo chủ yếu do nhà nước xây dựng nhưng cũng có chính sách khuyến khích các tổ chức phi nhà nước như tư nhân, tôn giáo, hiệp hội nông dân tham gia quản lý và được quyền thu phí để vận hành các trường dạy nghề. Chương trình đào tạo cơ bản và tiêu chuẩn được nhà nước giám sát.
-         Hỗ trợ đầu vào cho công tác dạy nghề được tiến hành song song với hỗ trợ đầu ra phát triển thị trường lao động. Nghề nông là một nghề chuyên nghiệp, có lợi nhuận tốt, được nhà nước hỗ trợ bằng chính sách (cho vay vốn, cấp đất…) nhưng muốn làm nghề nông bắt buộc phải có cả bằng tốt nghiệp phổ thông và bằng tốt nghiệp dạy nghề chính thức và để đáp ứng điều kiện này, đa số nông dân phải tham gia các tổ chức hợp tác xã và hiệp hội.
-         Công tác đào tạo ngắn hạn, hoạt động khuyến nông do cả nhà nước và nhân dân cùng thực hiện với đóng góp của cả nhà nước và nhân dân. Việc lựa chọn nội dung hoạt động và đánh giá hiệu quả được giao cho các hiệp hội của nông dân thực hiện.
 
 
-         Agriculture: le systeme francais – Origine et fonctions des organisations professionnelles en France; do Christope Roman và tập thể các tác giả khác của Hiệp hội đào tạo và thông tin nông dân A.F.I.P biên tập và xuất bản.
-         Phản ánh về giáo dục nông thôn qua ví dụ về Na Uy . Tác giả Karen Brit Feldberg - Trung tâm Giáo dục Quốc tế - Đại học Oslo
-         Nông nghiệp Đan Mạch, Thành công có thể nhân rộng ? – Tác giả: Peter Kurt Hansen, 2010.
 
 

 

 

 



Báo cáo phân tích thị trường