Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH: CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN TRUNG QUỐC
30 | 11 | 2011
Agroinfo xin trân tọng gửi tới quý vị độc giả Bản kiến nghị chính sách: CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN TRUNG QUỐC

 

 
CƠ QUAN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ TÂY BAN NHA
VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NN NT
Dự án “Nghiên cứu xây dựng khuyến nghị chính sách hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp – giai đoạn 2 và 3”
KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN TRUNG QUỐC
 
 
 
Người thực hiện: Đặng Quang Vinh
 
Dòng hoạt động : 3.2.4
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin PTNNNT
Hợp đồng số: số 37/KH-SMEs II+III/HĐ
 
 

 
 
MỤC LỤC
 
GIỚI THIỆU
 
Tháng 12/2009, tại Hội thảo “Vai trò của nông nghiệp trong khủng hoảng và tái cấu trúc nền kinh tế” do IPSARD tổ chức, các nhà nghiên cứu đã nhận định khó khăn lớn nhất của nông nghiệp – nông thôn vẫn là thiếu vốn, bởi vì, như TS Đặng Kim Sơn khẳng định: “Nông nghiệp Việt Nam chưa thể hút vốn đầu tư !”.
Vậy làm thế nào để thu hút dòng vốn chảy vào nông nghiệp nông thôn? Làm thế nào để ngân sách Nhà nước đầu tư cho khu vực này đạt hiệu quả cao nhất? Đó là băn khoăn lớn của rất nhiều nhà nghiên cứu chính sách hiện nay.
Tài liệu tham khảo “Chính sách tài chính trong nông nghiệp – nông thôn Trung Quốc” là tập hợp những kinh nghiệm đầu tư, quản lý tài chính của quốc gia có dân số nông thôn lớn nhất thế giới này.
 
Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới (1,331 tỷ người năm 2009[1]), với 53,4% dân số sống ở khu vực nông thôn, tương đương với 710 triệu người. Vấn đề phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn ảnh hưởng to lớn đến mục tiêu xây dựng “đời sống trung lưu toàn diện” và “xã hội hài hòa” mà Trung Quốc đang theo đuổi. Chính phủ Trung Quốc luôn coi đây là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ở mỗi thời kỳ phát triển, Trung Quốc luôn đưa ra những chính sách quan trọng để tạo sự chuyển biến trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiến trình cải cách chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn đã được chính phủ Trung Quốc thực hiện trong một quá trình lâu dài.
 
Chế độ công xã nhân dân được hình thành từ năm 1958 và tồn tại đến năm 1985. Công xã nhân dân là một hình thức tổ chức đời sống và sản xuất ở nông thôn dưới hình thức tập thể. Mô hình này đã được thay thế hoàn toàn vào năm 1985 vì những khuyết điểm và hạn chế của nó. Sau đó, khu vực nông thôn thiết lập lại thể chế xã, được coi là đơn vị hành chính cơ sở nông thôn.
Các công xã nhân dân tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối hàng hóa ở nông thôn. Sau đó mô hình này được thay thế bởi thể chế hộ gia đình, trong đó, nông dân có quyền tự chủ trong kinh doanh, trở thành chủ sở hữu và độc lập tham gia vào thị trường. Sự thay đổi này đã giải phóng mạnh mẽ sức lao động ở nông thôn.
 
 
Tháng 12 năm 2002, Luật Nông nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được sửa đổi. Một trong những thay đổi lớn nhất là quy định sử dụng thị trường để điều tiết kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Thị trường nông sản tạo ra mối liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng. Nhu cầu của thị trường trở thành căn cứ cho việc điều chỉnh tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản và tính cạnh tranh của hàng hóa.
 
Từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2000 – 2005), Trung Quốc bắt đầu chú trọng giảm gánh nặng của người dân nông thôn bằng cách giảm và xóa thuế trong nông nghiệp. Lần lượt nhiều loại phí ngoài thuế và các loại thuế trong nông nghiệp được miễn, giảm.
Năm 2004, cải cách thuế nông nghiệp đi vào chiều sâu. Nhiều loại thuế được xóa bỏ như thuế chăn nuôi, thuế đặc sản nông nghiệp (trừ thuốc lá), thuế nông nghiệp ở một số vùng. Chính phủ thực hiện trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực. Nông dân tại các vùng trồng lương thực trọng yếu được trợ cấp về cây giống, mua máy móc nông nghiệp cỡ lớn… 
Năm 2005, Trung Quốc có 28 tỉnh được hoàn toàn miễn thuế nông nghiệp. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X (Quốc hội Trung Quốc khóa X) đã quyết định xóa bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp, thuế đặc sản và miễn thu thuế chăn nuôi.
Kết quả của quá trình này là năm 2006, nông dân Trung Quốc giảm chi hơn 100 tỷ Nhân Dân tệ (NDT), trung bình 120 NDT/người. Từ năm 2001 đến 2004, Trung Quốc đã miễn giảm 23,4 tỷ NDT thuế nông nghiệp; miễn 6,8 tỷ NDT thuế cây đặc sản nông nghiệp; miễn giảm thuế do thiên tai, mất mùa 16 tỷ NDT.
 
Đồng thời với việc miễn trừ thuế nông nghiệp, Trung Quốc thực hiện trợ cấp trực tiếp cho nông dân. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Trung Quốc lần lượt đưa ra hàng loạt chính sách trợ cấp nông nghiệp, hằng năm liên tiếp tăng mức độ và phạm vi hỗ trợ tài chính.
Từ năm 2002, hai tỉnh An Huy và Cát Lâm thực hiện thí điểm việc trợ cấp với nhiều chính sách mới được ban hành như mở rộng thị trường mua bán lương thực, cho phép điều chỉnh giá thu mua lương thực theo sự điều tiết của thị trường, điều chỉnh trợ cấp Chính phủ cho nông dân.
Trung Quốc chuyển từ hình thức hỗ trợ gián tiếp cho nông dân thông qua khâu lưu thông, bán sản phẩm trên thị trường sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng cách bù phần chênh lệch khi giá bán trên thị trường thấp hơn so với mức giá bảo hộ của nhà nước.
Trong bối cảnh sản lượng lương thực giảm liên tiếp 5 năm (2004- 2009), Chính phủ Trung Quốc có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp nông dân như hỗ trợ giống, cho vay mua máy móc thiết bị nông nghiệp. Đối với nông dân trồng lương thực, khi giá vật tư nông nghiệp tăng, Chính phủ Trung Quốc trợ cấp trực tiếp trên tổng chi phí tăng thêm. Kế hoạch năm 2010, Chính phủ sẽ trợ cấp cho nông dân trồng lương thực 86,7 tỷ NDT.
 
Hội nghị Trung ương Khóa 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua chiến lược “Đẩy mạnh phát triển cải cách nông thôn”: “Lấy xây dựng nông thôn mới Chủ nghĩa Xã hội làm nhiệm vụ chiến lược, lấy con đường hiện đại hóa nông nghiệp mang màu sắc Trung Quốc làm phương hướng cơ bản…”. Quyết định này nêu rõ nhiệm vụ cải cách nông thôn toàn diện sâu sắc trong thời kỳ mới, lấy hạt nhân là cải cách chế độ đất đai nông thôn, “Cung cấp cho nông dân quyền kinh doanh bao thầu đất đai có đảm bảo theo quy định của Nhà nước”. Chính phủ quy định tăng cường quản lý đất đai nông thôn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương xây dựng quy hoạch sử dụng đất thống nhất giữa thành thị và nông thôn, giữa quy hoạch đất xây dựng hạ tầng, đô thị hóa và đất nông nghiệp…
Đối với ‘thể chế kinh doanh kết hợp hai tầng”, một mặt các hộ gia đình phải tạo sự chuyển biến trong sản xuất để nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa, mặt khác, thị trường nông thôn cần được đa dạng hóa về hình thức hoạt động, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Chương trình cải cách toàn diện nông thôn cũng xác định nhiệm vụ hoàn thiện chế độ bảo hộ, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân. Quy mô và phạm vi hỗ trợ cho nông dân được tăng cường, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường trợ cấp cho người trồng cây lương thực.
Chính sách tài chính cho nông thôn phát triển theo hướng tăng cường phát triển tài chính có tính chất thương mại, có tính hợp tác, kết hợp giữa nhiều đối tượng tham gia. Chính phủ cho phép thành lập các tổ chức tài chính nông thôn hoạt động với mục đích sinh lời. Các chính sách này nhằm nâng cao năng lực, phát triển nguồn vốn và mở rộng thị trường tài chính nông thôn.
Những chính sách tích cực của Trung Quốc đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tăng trưởng liên tục, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cung cấp đủ lương thực cho hơn 1,3 tỷ dân. Kinh tế nông thôn Trung Quốc phát triển nhanh, mức thu nhập của nông thôn tăng mạnh. Chất lượng cuộc sống ở nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển, ban hành các chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.
 
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng Trung Quốc vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức từ nông nghiệp – nông thôn. Chính vì vậy, Trung Quốc đã đưa “tam nông” trở thành một chiến lược lớn, luôn có sự điều chỉnh trong chính sách để hướng đến sự phát triển xã hội hài hòa. Chính sách tài chính được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp – nông thôn – nông dân Trung Quốc.
 
Nông nghiệp là một ngành cơ bản để xây dựng đất nước Trung Quốc phát triển toàn diện, hài hòa, cung cấp nguồn lực ổn định để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Từ năm 2004 đến nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành 6 văn kiện quan trọng về xây dựng chiến lược phát triển tam nông theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các văn kiện này đều xác định rõ: “Phát triển Tam nông hiện nay cần phải hỗ trợ tài chính cho nông thôn, cần có một thể chế chính sách tài chính đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn đủ mạnh”.
Sở dĩ cần chú trọng về chính sách tài chính cho tam nông là vì mặc dù vai trò của nông nghiệp, nông thôn hết sức quan trọng, nhưng trong một thời gian dài chưa được đầu tư chưa đúng mức, chưa tạo thành động lực cho nông thôn phát triển. Cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, nông dân còn thiếu cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống.
Trung Quốc cần có một chính sách tài chính hợp lý để cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho khu vực nông thôn phát triển. Chính sách tài chính cần đóng vai trò phân bổ hợp lý các nguồn lực tại khu vực nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các dự án có triển vọng tốt. Sự phân bổ lại nguồn lực này sẽ điều chỉnh cơ cấu của ngành nông nghiệp hợp lý hơn.
Thực hiện tốt các chính sách tài chính cho nông thôn để góp phần nâng cao hiệu quả chính sách quốc gia về chiến lược phát triển tam nông . Đặc biệt, sau khủng hoảng kinh tế, đầu tư tài chính vào nông nghiệp – nông thôn cần được tăng cường để tạo động lực vực dậy khu vực này.
 
Chính sách tài chính hỗ trợ tam nông của Trung Quốc được thực hiện trên một phạm vi lãnh thổ nông thôn rộng lớn, với những điều kiện thực tế, vì vậy Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều loại chính sách khác nhau.
 
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, Trung Quốc thực hiện đầu tư tài chính trực tiếp để tăng sản lượng nông nghiệp, hướng đến hai mục tiêu chính: tăng động lực sản xuất của nông dân; nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và chính sách cứu trợ, phòng chống thiên tai.
-         Chính sách tăng động lực sản xuất của nông dân được thực hiện thông qua các hình thức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách khen thưởng
Chính phủ Trung Quốc chi ngân sách quốc gia để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, mua sắm thiết bị, máy móc nông nghiệp, các chi phí đầu vào khác.
Về chính sách khen thưởng, Nhà nước thực hiện thưởng cho các huyện đạt sản lượng và năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp hằng năm (đạt kết quả bao nhiêu thì sẽ được mức thưởng tương ứng).
-         Chính sách nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp.
          Trung Quốc tiến hành đầu tư tài chính cho nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp tổng thể trên quy mô lớn. Nguồn vốn chính được tập trung để xây dựng các công trình thuỷ lợi, hạ tầng giao thông nông thôn… phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nguồn lực tài chính cũng được tập trung để đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Một mặt, nhà nước hỗ trợ nông dân tiền vốn để mua sắm các máy móc nông nghiệp lớn, phục vụ hiện đại hoá sản xuất. Mặt khác, nguồn ngân sách được dùng đầu tư, khuyến khích sự sáng tạo của nông dân trong việc phát minh và cải tiến các loại máy móc. Đầu tư tài chính cho khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp là một chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Bảng 1:Tình hình đầu tư phát triển nông nghiệp toàn Trung Quốc giai đoạn 2003-2008 ( Vạn NDT)

Năm
Tổng đầu tư
Ngân sách Trung ương
Ngân sách địa phương
Tỷ trọng ngân sách nhà nước/tổng đầu tư (%)
Tỷ lệ tăng (%)
2003
2379916.78
867132.39
625027.81
36.44
13.81
2004
2566991.19
856504.12
582983.51
33.37
-1.23
2005
3067780.62
1018301.48
627123.01
33.19
18.90
2006
3367432.48
1099003.45
741514.99
32.64
7.93
2007
3633491.63
1210595.51
798649.09
33.32
10.15
2008
3925882.55
1324435.30
905516.74
33.74
9.40

(Nguồn: Niên giám Tài chính Trung Quốc 2009)
-         Cứu trợ và phòng chống thiên tai
Những năm gần đây, Trung Quốc hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó khu vực nông nghiệp và nông thôn hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc dành riêng một nguồn ngân sách để cứu trợ và phòng chống thiên tai, giúp người dân nông thôn ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
Nguồn ngân sách này được dùng để cứu trợ trực tiếp cho nông dân tính trên thiệt hại trong chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ ngân sách giúp nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất.
Bên cạnh việc cứu trợ, hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp, Chính phủ Trung Quốc đang tích cực xây dựng cơ chế phòng chống rủi ro, phòng chống thiên tai để giúp người dân nông thôn chủ động đối phó và giảm nhẹ thiệt hại.
Bảng 2:Ngân sách chống thiên tai 2005- 2009 (Triệu NDT)

Năm
Kinh phí cứu trợ hạn hán lũ lụt lớn
Phục hồi sản xuất nông nghiệp
Hỗ trợ khẩn cấp
Chống lũ lụt hạn hạn
Các thiên tai khác
Cứu trợ lâm nghiệp
2005
12.63
2.0
4.9
5.5
4.5
-
2006
14.35
7.7
-
-
 
2.1
2007
16.65
6.8
5.3
-
 
0.6
2008
24.8
7.7
-
-
 
0.6

(Nguồn: Niên giám Tài chính Trung Quốc 2009)
 
Song song với việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc còn đầu tư xây dựng nông thôntoàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo nhà ở, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục cho người dân nông thôn.
Bảng 3:Tổng đầu tư tài sản cố định nông thôn liên tục tăng trong những năm gần đây.

Năm
Đầu tư toàn xã hội
Đầu tư tài sản cố định nông thôn
Tỉ trọng đầu tư tài sản cố định nông thôn với đầu tư toàn xã hội
Tỷ lệ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định
2003
55566.6
9754.9
17.6
21.8
2004
70477.4
11449.3
16.2
17.4
2005
88773.6
13678.5
15.4
19.5
2006
109998.2
16629.5
15.1
21.6
2007
137323.9
19859.5
14.5
19.4
2008
172828.4
24090.1
13.9
21.3

(Nguồn: Niên giám Tài chính Trung Quốc 2009)
Giáo dục và Y tế là hai lĩnh vực được chú trọng đầu tư nhất trong chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn của Trung Quốc. Hệ thống giáo dục bắt buộc ở nông thôn được Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo kinh phí cho hoạt động giáo dục và kế hoạch phát triển đôi ngũ giáo viên có biên chế. Ngoài ra, học sinh đi học còn nhận được ưu đãi, miễn giảm của Nhà nước.
Y tế nông thôn cũng được đầu tư toàn diện. Hệ thống y tế cấp cơ sở được xây dựng để đảm bảo phục vụ nhu cầu tại chỗ cho người dân. Đội ngũ nhân viên y tế cấp cơ sở được đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao điều kiện khám chữa bênh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: hệ thống bảo hiểm y tế nông thôn, bảo hiểm khám chữa bệnh cho người nghèo; cơ chế y tế nông thôn mới, cứu trợ y tế…
Gần đây, Trung Quốc đang thực hiện thí điểm chính sách lương hưu cho nông dân (còn gọi là bảo hiểm dưỡng lão cho nông dân). Tất cả những chính sách này đã thúc đẩy sự phát triển của nông thôn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị…
 
Chính phủ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng thị trường trao đổi hàng hóa ở nông thôn.
Để ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, Trung Quốc tích cực miễn giảm các loại thuế, các khoản phí ngoài thuế cho nông dân, hỗ trợ chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp: giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi… (đã đề cập ở phần trên).
Đầu ra của sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ đảm bảo bằng cách quy định mức giá nông sản cơ bản, đảm bảo cho nông dân có lãi. Nếu giá trên thị trường thấp hơn mức giá cơ bản thì chính phủ sẽ bù phần chênh lệch.
Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách đưa hàng hóa về nông thôn. Các loại máy móc nông nghiệp, đồ điện gia dụng… được đưa về nông thôn bán với mức giá ưu đãi. Thị trường nông sản ở nông thôn được xây dựng và hoàn thiện cơ chế vận hành. Nông dân tích cực tham gia vào thị trường, cân đối đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất có lãi.
Lồng ghép hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng thị trường trao đổi hàng hóa ở nông thôn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là một chính sách mang lại hiệu quả rất lớn trên thực tế.
 
Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới tín dụng nông thôn với nhiều loại hình, nhiều tổ chức cùng tham gia.
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được xem là nòng cốt phát triển tín dụng ở nông thôn, liên tục tăng cường mức độ hỗ trợ cho nông thôn. Năm 2008, số dư tín dụng cho nông thôn chiếm 13,52% tổng số dư tín dụng của ngân hàng này. Năm 2009, biên độ cho vay ở khu vực nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp được nâng lên cao hơn tiêu chuẩn thông thường của các ngân hàng khác.
Phạm vi nghiệp vụ và loại hình dịch vụ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp từng bước được mở rộng. Ngân hàng cho nông dân vay với nhiều mục đích khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cho doanh nghiệp vay để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2007, Hệ thống Bưu điện mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tín dụng, thực hiện các hoạt động cho vay vốn, thay vì chỉ thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm như trước. Nhờ có mạng lưới các điểm bưu điện rộng khắp ở cấp xã, hoạt động cho vay của “Ngân hàng tiết kiệm bưu điện” phát triển nhanh chóng, số lượng khách hàng ngày càng lớn. Thông qua kênh phân phối vốn này, Nhà nước đã hỗ trợ hết sức tích cực và hiệu quả cho khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng hẻo lánh.
Ở nông thôn Trung Quốc đã hình thành các hợp tác xã tín dụng thực hiện kinh doanh vốn. Các hợp tác xã này hoạt động theo cơ chế thị trường tiền tệ, đồng thời có những chính sách ưu đãi cho vay với nhiều hình thức huy động vốn linh hoạt. Nhờ đó, tại nhiều địa phương, các hợp tác xã này trở thành bộ phận nòng cốt trong hoạt động cho vay và hỗ trợ nông dân. Ưu thế lớn nhất của hình thức này là huy động được nguồn lực tài chính tại chỗ, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia và tăng tính chủ động cho các địa phương.
 
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục có những điều chỉnh về thể chế, chính sách mới để hỗ trợ nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
 
Nông dân Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với rủi ro từ nhiều phía: thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, đồng thời chính họ cũng không ý thức đầy đủ, đánh giá đúng mức độ rủi ro. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc lập đề án thí điểm triển khai phí bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp. Chính phủ tạo điều kiện về mặt cơ chế, có những ưu đãi về thuế, nguồn vốn cho các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận thị trường nông thôn. Năm 2009, hoạt động thí điểm bảo hiểm ở một số tỉnh đã cho kết quả bước đầu.
 
Chính phủ Trung Quốc xác định để nông nghiệp và nông thôn tạo được bước phát triển đột biến thì cần thu hút được vốn từ khối tư nhân đầu tư vào khu vực này. Để hút vốn, Chính phủ đưa ra những ưu đãi về chính sách cho doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, hạ thấp tiêu chuẩn hoạt động sản xuất kinh doanh ở nông thôn, cải cách thủ tục hành chính.
Các quỹ đầu tư nông nghiệp ở nông thôn được thành lập để trở thành công cụ chủ yếu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Các quỹ này được khuyến khích xây dựng các mô hình quản lý đầu tư mới, hiệu quả cao.
          Nhà nước chia sẻ rủi ro bằng các chính sách về thuế, dịch vụ bảo hiểm. Các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã được gia hạn, đặc biệt đối với các tổ chức tài chính cấp huyện được ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Chính sách khen thưởng được thực hiện nhằm tạo động lực trong sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bằng lợi ích vật chất cụ thể. Mức độ khen thưởng tương ứng với bậc thang doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cấp huyện được ưu tiên, khen thưởng nhiều nhất để khuyến khích phát triển kinh doanh và mở rộng mạng lưới, số lượng tổ chức đăng ký hoạt động. Các tổ chức tín dụng có nợ xấu từ năm trước tồn đọng thì sẽ không được xem xét khen thưởng.
 
Khu vực nông thôn sẽ được thực hiện hệ thống bảo lãnh cho vay mới, với nhiều ưu đãi hơn so với mặt bằng chung. Các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư nông nghiệp được ưu tiên vay vốn ngân hàng, đơn giản hóa về thủ tục, nâng cao tỷ lệ cho vay trên tài sản thế chấp.
Nông dân vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất sẽ được nhà nước hỗ trợ lãi suất.
 
Để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, đơn giản hóa thủ tục. Luật Nông nghiệp đã được sửa đổi trong đó có điều khoản nêu rõ trách nhiệm hỗ trợ nông dân của các tổ chức tài chính. “Luật Hợp tác tài chính” đang được dự thảo nhằm quy định cụ thể về hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng, quỹ đầu tư nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức này cũng như giúp hình thành các mô hình hoạt động kinh doanh, cho vay thế chấp mới.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


[1] Cục Thống kê Trung Quốc

 



Báo cáo phân tích thị trường