Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu phí xuất khẩu cà phê: Loay hoay và không thuyết phục
21 | 03 | 2012
Dự định thu 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu từ tháng 10 năm nay của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khó thành, bởi các doanh nghiệp thiếu niềm tin vào cơ chế sử dụng quỹ, còn người nông dân thì chưa nhìn thấy lợi ích.

Theo phương án của Vicofa, khoảng 70% nguồn thu của Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cà phê sẽ chi cho công tác tái canh cà phê, 30% để hỗ trợ lãi suất tạm trữ. Vicofa lập luận, diện tích cà phê già cỗi của Việt Nam đang tăng nhanh, nếu không tích cực tái canh thì 10 năm nữa, Việt Nam sẽ mất vị thế hiện có trên thị trường xuất khẩu cà phê trên thế giới.

 

Thế nhưng, vấn đề đặt ra liệu có phải người nông dân cần nhất là đầu tư tái canh cà phê? Vì ngay khi chưa hề có bất kỳ một quỹ nào, hàng năm họ vẫn tự tái canh 5-10% diện tích cà phê của mình. Còn với mục đích tạm trữ, dĩ nhiên sẽ tránh được rớt giá cà phê ồ ạt, song, không phải chỉ duy nhất người nông dân được hưởng lợi.

 

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho rằng, những diễn biến bất thường trên thị trường và sự thiếu bền vững trong một ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, việc thu phí xuất khẩu cà phê là cần thiết. “Tuy nhiên, đối tượng đầu tiên cần tính tới, không ai khác, chính là người nông dân, bởi nguồn thu này thực chất là gián thu từ những người trực tiếp làm ra hạt cà phê. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tìm ra phương án sử dụng quỹ một cách hợp lý nhất”, ông An nói.

 

Đồng quan điểm về cách vận hành Quỹ, đại diện cho khối doanh nghiệp nước ngoài, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng cho rằng: “Vấn đề không phải là nên hay không nên thu phí xuất khẩu cà phê, mà là ai sẽ đứng ra bảo đảm số tiền đó được sử dụng hiệu quả”.

 

Đồng tình ý kiến này, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm chính sách Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam cũng cho rằng: “Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê được coi là cơ chế tích cực để hỗ trợ tái canh cà phê. Tuy nhiên, việc xác định nông dân nào được nhận tiền tái canh, nhận như thế nào, tái canh thế nào… thì vẫn chưa được nhắc đến”.

 

Không chỉ với nông dân, mà các doanh nghiệp cũng cho rằng, cơ chế sử dụng Quỹ chưa thật phù hợp với doanh nghiệp. Ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia cà phê cho rằng, Quỹ cần được sử dụng để nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Khi năng lực của doanh nghiệp được nâng lên, họ làm ăn có lãi, thì giá thu mua cà phê được nâng lên, người dân sẽ được hưởng lợi.

 

“Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp cà phê nước ta là kiến thức kinh doanh. Nếu kéo dài tình trạng này, có thể 5- 10 năm nữa, doanh nghiệp cà phê nước ta vẫn cứ thua lỗ. Vì vậy, nếu Hiệp hội sử dụng Quỹ vào những hoạt động có ích cho doanh nghiệp như nâng cao kiến thức kinh doanh, thuê đơn vị tư vấn, mua thông tin thị trường từ các hãng tin chuyên nghiệp, thuê chuyên gia phân tích thị trường… thì doanh nghiệp sẽ ủng hộ hơn. Còn tái canh là việc cần thiết, nhưng hiện người dân đang tự làm được”, ông Hiệp nói.

 

Một vấn đề nữa làm nhiều doanh nghiệp băn khoăn là, hiện Vicofa chỉ bắt buộc doanh nghiệp thuộc Vicofa phải nộp phí. Ông Nguyễn Văn An cho rằng, nếu thu phí xuất khẩu cà phê thì phải thu đồng loạt, căn cứ vào hợp đồng xuất khẩu, không phân biệt doanh nghiệp trong hay ngoài Hiệp hội.

 

Tương tự, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cà phê cũng cho rằng, hiện cả nước có 12 doanh nghiệp FDI, chiếm tới hơn 50% khối lượng cà phê xuất khẩu, nếu không thu phí những đối tượng này, sẽ gây ra sự bất bình đẳng.

 

Thực tế, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, khi có thông tin sẽ thu phí các doanh nghiệp thuộc Vicofa, một số doanh nghiệp nước ngoài đã xin ra khỏi Hiệp hội. Tuy nhiên, sau khi Vicofa thông báo, sẽ đề nghị Chính phủ thu phí tất cả thành viên trong và ngoài Hiệp hội, thì các doanh nghiệp này đã rút lại ý định đó.
 



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường