Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội thảo đánh giá sản lượng cá ngừ đại dương thường niên ở Việt Nam lần 2
08 | 04 | 2013
Trong thời gian 5 ngày (1-5/5/2013), Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổ chức Hội thảo đánh giá sản lượng cá ngừ đại dương thường niên ở Việt Nam lần 2 với sự hỗ trợ của Ủy ban Quản lý Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Tham gia hội thảo về phía WCPFC có đại diện của Ban quản lý Khoa học, Quản lý Cơ sở dữ liệu (CSDL) và chuyên gia tư vấn. Về phía Việt Nam có đại diện của Tổng cục Thủy sản gồm Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (DECAFIREP), Trung tâm Thông tin thủy sản (FICen), Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Công nghệ Khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang), Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu.

Mục tiêu của việc tổ chức Hội thảo nhằm thu thập thông tin, đóng góp, bổ sung, điều chỉnh và thống nhất nguồn thông tin thu thập được liên quan đến cường lực, năng suất đánh bắt (CPUE), thành phần sản lượng phục vụ công tác ước tính sản lượng khai thác cá ngừ đại dương theo từng loại nghề ở mỗi địa phương. Đối với 3 tỉnh nằm trong khuôn khổ Dự án WPEA-OFM, các thông tin thu thập đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương được tuân thủ theo hướng dẫn của WCPFC, ở mỗi tỉnh, việc thu thập toàn bộ thông tin quan trọng đối với nghề khai thác cá ngừ như: về số chuyến biển (số tàu lên cá) theo từng tháng ở từng cảng cá (không phân biệt tàu cá đó thuộc tỉnh nào), quy mô mẫu sản lượng được thu thập khoảng 50% số tàu cập bến, quy mômẫu sinh học (đo tần suất chiều dài) dự kiến thu khoảng 10%. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có sự chuyển đổi mạnh về cơ cấu nghề khai thác cá ngừ, đặc biệt là từ cuối năm 2011, nhiều tàu làm nghề câu vàng, chụp mực, vây và lưới rê chuyển sang nghề câu tay cá ngừ kết hợp với ánh sáng. Đây là nghề có sản lượng khai thác tương đối tốt (khoảng gần 2 tấn/chuyến biển), chi phí sản xuất thấp, tuy vậy, chất lượng sản phẩm thấp và đang còn nhiều bàn luận, nghiên cứu về vấn đề này.
Đối với các tỉnh ngoài dự án WPEA-OFM, Hội thảo thống nhất sử dụng kết quả thu thập đối với nghề khai thác cá ngừ theo hướng dẫn của FAO phục vụ mục đích ước tính sản lượng khai thác cá ngừ. Trên cơ sở tổng số tàu, năng suất khai thác trung bình, thành phần sản lượng, sản lượng cá ngừ đại dương theo loài và nhóm loài được ước tính cho từng địa phương. Kết quả sơ bộ bước đầu ước tính cho sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam khoảng gần 70.000 tấn trong năm 2012. Trong đó, cá ngừ vây vàng và mắt to khoảng 20.000 tấn, phần còn lại là cá ngừ sọc dưa.


Tại Hội thảo, tổng quan hiện trạng nghề khai thác câu tay cá ngừ sử dụng ánh sáng được các tỉnh thực hiện với các thông tin về ngư trường, mùa vụ, sản lượng và công nghệ khai thác. Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc đối với nghề câu tay cá ngừ cũng được nêu ra như khó khăn trong thống kê, phân biệt sản lượng khai thác bằng câu vàng và câu tay trên các tàu kiêm nghề, chất lượng sản phẩm của nghề câu tay, giá cá… Một số nghiên cứu bước đầu về đánh giá chất lượng và tìm kiếm nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cá ngừ câu tay đã được đưa ra.


Trong khuôn khổ Hội thảo này, các nội dung liên quan đến kế hoạch thực hiện tiếp theo và dự kiến xây dựng tiếp giai đoạn 2 của Dự án WPEA-OFM trong năm tới với sự mở rộng phạm vi của dự án thêm 6 tỉnh so với 3 tỉnh dự án hiện tại cũng được đề cập. Hội thảo cũng thống nhất về vai trò quan trọng của tổng quan nghề cá và việc xây dựng, cập nhật báo cáo tổng quan nhằm sử dụng như một công cụ, căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định phát triển và quản lý nghề khai thác cá ngừ. Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin cá ngừ thí điểm sẽ được hỗ trợ của WCPFC đối với 6 tỉnh ngoài dự án WPEA-OFM giai đoạn 1 trong thời gian tới.


Trong thời gian tới đây, WCPFC sẽ hỗ trợ triển khai thí điểm thu thập thông tin khai thác cá ngừ tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu. Đồng thời, thông qua Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, WCPFC sẽ hỗ trợ kỹ thuật việc thu thập thông tin cho các tỉnh mới này. Việc cập nhật, quản lý CSDL cá ngừ TUFMAN có thể được hỗ trợ từ Trung tâm Thông tin thủy sản và các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, hội thảo đã thống nhất về vai trò quan trọng của các bên tham gia như Biên phòng, chủ nậu vựa, doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu cá ngừ, cần phải có sự hợp tác tốt hơn với các bên liên quan trên để có được đầy đủ thông tin cho việc thống kê sản lượng khai thác cá ngừ. Và trong hội thảo ước tính sản lượng khai thác cá ngừ tiếp theo, cần có sự tham gia của đại diện Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê và Cục Thú Y nhằm thu thập thêm thông tin chi tiết về sản lượng cá ngừ xuất – nhập khẩu ở Việt Nam, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Tp. Hồ Chí Minh sẽ được mời tham dự, cung cấp thông tin thêm về sản lượng khai thác cá ngừ.


Hội thảo đã thống nhất thông qua các nội dung dự kiến sẽ được WCPFC hỗ trợ trong thời gian tới và các mốc thời gian quan trọng liên quan, các hướng dẫn kỹ thuật của WCPFC cùng với sự phối hợp của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản về việc xem xét, ước tính lại sản lượng khai thác cá ngừ của địa phương dựa vào nguồn thông tin sẵn có. Đề xuất liên quan đến cải thiện công nghệ khai thác, giết cá, bảo quản sau thu hoạch và tìm kiếm nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ câu tay được hội thảo đồng thuận thông qua.
Hội thảo đánh giá sản lượng khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam lần thứ hai đã diễn ra đúng với kế hoạch, nội dung dự kiến và có được nhiều đóng góp, thông tin bổ ích từ phía đại biểu tham gia, kết quả hội thảo đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra và có được sự đồng thuận, nhất trí cao với tinh thần xây dựng từ toàn thể đại biểu. Ngay sau khi bế mạc hội thảo, Ban tổ chức cùng với đại diện phía WCPFC họp mặt với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu cá ngừ địa phương ngày 5/4/2013



 



Nguồn: MARD
Báo cáo phân tích thị trường