Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân sẽ được hưởng lợi?
20 | 05 | 2013
Sau khi Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đề xuất phương án giao lại cho các địa phương quyền điều hành chương trình mua lúa, gạo tạm trữ, nhiều địa phương và cả doanh nghiệp đều lên tiếng ủng hộ.

Trong khi đó các tỉnh ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Mặc dù năng suất đạt khá nhưng nông dân không vui vì giá lúa đang ở mức rất thấp, chỉ 4.100 đồng/kg và khó bán.

Bán lúa phải chi tiền “cò”

Chiều 17-5, cánh đồng hơn 2.000ha ở các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) lúa chín vàng đồng. Ông Chín Tài, nông dân ngụ ấp 4, xã Phú Cường, cho biết thông thường trước thu hoạch 10 ngày, thương lái đã chốt giá và hẹn ngày thu hoạch. Tuy nhiên vụ hè thu năm nay lại khác, lúa của ông dự kiến năm ngày nữa sẽ thu hoạch nhưng một số thương lái cứ chạy loanh quanh không chịu ra ruộng xem để định giá, đặt tiền cọc. Một số thương lái ra giá lúa IR50404 là 4.100 đồng/kg, nếu chịu bán phải trừ thêm 20 đồng/kg cho “cò” - tức người môi giới giữa chủ ruộng và thương lái. “Với giá này, nông dân chỉ còn lời đúng 100 đồng/kg” - ông Tài nói.

Ông Chung Văn Hoàng, một thương lái ở khu vực Trung tâm nông sản quốc gia Phú Cường, thừa nhận mấy ngày nay điện thoại của ông muốn “cháy” vì nông dân gọi kêu bán lúa. Tuy nhiên các kho của doanh nghiệp lại không mua vào nên thương lái cũng không dám mua vì không có chỗ chứa. Theo ông Hoàng, nếu tình hình này tiếp tục xảy ra thì chỉ vài ngày nữa giá lúa sẽ xuống thấp hơn mức 4.000 đồng/kg.

Tại vùng lúa hè thu đang thu hoạch của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ông Phan Văn Sơn, nông dân ở xã Đốc Binh Kiều, cho biết ông bán lúa chỉ có 4.100 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với tuần trước. “Để bán được lúa nông dân phải mất thêm 20-40 đồng/kg trả cho “cò” mới có thương lái đến mua. Nếu không chi tiền cho “cò” thì chẳng ai ngó ngàng gì dù lúa rụng đầy đồng”, ông Sơn buồn bã.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, vụ hè thu này toàn tỉnh gieo sạ gần 195.000ha lúa và đến ngày 15-5 đã thu hoạch gần 40.000ha, năng suất trung bình khoảng 6,2 tấn/ha. Dự kiến đến cuối tháng 5-2013 sẽ thu hoạch thêm 100.000ha nữa. Trong khi đó giá lúa giảm liên tục khiến nông dân lo lắng, kỳ vọng Nhà nước triển khai thu mua tạm trữ sẽ đẩy giá lúa tăng lên, nhưng hiện nay vẫn chưa ngã ngũ chuyện VFA hay chính quyền địa phương đứng ra quyết định giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.

Cái lý của địa phương

Ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu. Trong khi tỉnh và nông dân đều sốt ruột việc thu mua tạm trữ thì chủ trương này vẫn chưa gút lại phương án cuối cùng: giao cho địa phương hay vẫn để cho VFA thực hiện việc tạm trữ. “Nếu giao cho tỉnh, chúng tôi sẽ giao chỉ tiêu ngay cho các doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu của nông dân, họ mua ngay, mua nhiều hơn VFA phân bổ như các vụ trước và chắc chắn giá lúa sẽ không thấp như bây giờ” - ông Dương khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói ông hoàn toàn đồng tình đề xuất giao các tỉnh tự quyết chuyện mua tạm trữ mà không thông qua VFA. “VFA đề xuất thời điểm mua tạm trữ là tính bình quân cả vùng, trong khi mỗi tỉnh thu hoạch thời điểm khác nhau. Thời gian qua nhiều tỉnh thu hoạch gần hết thì VFA mới giao chỉ tiêu mua nên phần lớn nông dân không được hưởng lợi. Nếu tỉnh tự quyết sẽ chọn thời điểm thích hợp để triển khai, sẽ có nhiều nông dân hưởng lợi từ chủ trương của Chính phủ” - ông Khang nhấn mạnh.

Nhưng liệu không có VFA, các doanh nghiệp được chỉ định mua tạm trữ sẽ gặp trở ngại trong việc xuất khẩu? Ông Khang khẳng định: “Sẽ không có gì trở ngại. Trách nhiệm của VFA là lo các hợp đồng lớn rồi phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp lớn tự lo được thị trường chứ không phải ai cũng lệ thuộc VFA”.

Còn ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng vụ đông xuân vừa rồi VFA phân bổ chỉ tiêu mua chưa tới 10% sản lượng lúa thu hoạch của tỉnh và thời điểm phân bổ khi nông dân thu hoạch gần hết lúa nên số nông dân được bán lúa giá cao rất ít. “Tôi đề nghị Chính phủ giao chỉ tiêu cho tỉnh Long An mua tạm trữ ít nhất 30% sản lượng lúa thu hoạch/vụ thì mới hợp lý” - ông Nguyên đề xuất.

Trong khi chính quyền các tỉnh hào hứng với việc tự quyết định việc mua tạm trữ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm mua tạm trữ cho dân. Tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà ở thị xã Sa Đéc cam kết đủ sức mua toàn bộ sản lượng bằng chỉ tiêu mà VFA giao cho tỉnh Đồng Tháp thời gian qua. Ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc, nói hiện nay doanh nghiệp Thu Hà đang ký hợp đồng bao tiêu lúa của nông dân tỉnh Đồng Tháp gần 1.500ha.

Hiện doanh nghiệp Thu Hà đang xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu lúa của nông dân lên 3.000ha, thậm chí nhiều hơn. “Nông dân bán lúa cho chúng tôi trực tiếp không qua thương lái nên giá cao hơn và được mua ngay khi thu hoạch nên không có chuyện tồn đọng. Tôi nghĩ giao quyền mua tạm trữ cho các tỉnh là hợp lý” - ông Hiền nói.

THANH TÚ - V.TR.

 

 

 

VFA thừa nhận điều hành chưa sâu sát

Theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, trong đợt mua tạm trữ vừa qua nhiều địa phương phê phán VFA triển khai chậm, nông dân không được lợi nhiều... Tuy nhiên theo nghị định 109, khi giá thị trường giảm hơn giá định hướng mới triển khai tạm trữ. Giá định hướng năm nay là 4.700 đồng/kg (giá thành 3.600 đồng/kg cộng thêm 30% lãi của nông dân) và khi bắt đầu chương trình tạm trữ thì giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức 5.100-5.200 đồng/kg, tức là chưa dưới mức định hướng.

Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận VFA còn điều hành chưa sâu sát, chưa có điều kiện kiểm tra tình hình thực hiện tại tất cả các doanh nghiệp cũng như năng lực thực tế của các doanh nghiệp. Do đó, khi phân bổ chỉ tiêu thì một số doanh nghiệp không làm được.

Trần Mạnh

 

 

Phải thống nhất giữa các địa phương và VFA

Theo TS Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, qua nhiều năm thực hiện kế hoạch mua lúa gạo tạm trữ, việc điều hành của VFA đã bộc lộ những khiếm khuyết. Do đó, việc đưa tạm trữ về cho các địa phương thực hiện sẽ giải quyết được một số vướng mắc trong công tác tạm trữ thời gian qua khi VFA thực hiện vai trò này. Theo đó, UBND các tỉnh sẽ căn cứ sản lượng lúa cũng như thời gian thu hoạch của địa phương mình để có kế hoạch về số lượng và thời gian mua hợp lý, tránh trường hợp địa phương có sản lượng lúa rất lớn nhưng kế hoạch phân bổ lại ít, hoặc diện tích lúa đã thu hoạch của địa phương gần hết nhưng chưa được mua tạm trữ.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lớn của các địa phương ở ĐBSCL hiện nay đều là thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và VFA. Ngoài thực hiện chức năng do địa phương giao phó, các doanh nghiệp này cũng phải thực hiện kinh doanh theo chỉ đạo của công ty mẹ. Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo ra cơ chế phối hợp giữa UBND các địa phương và VFA để vừa đảm bảo người dân bán lúa có lãi đồng thời doanh nghiệp tự chủ kinh doanh có lời.

Ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho rằng khi giao việc mua tạm trữ cho từng tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi cho địa phương và việc thực hiện có hiệu quả hơn. Bởi doanh nghiệp đóng trên địa bàn nằm sát ngay vùng nguyên liệu nên mua dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp nên giá mua lúa sẽ khả quan hơn. Mặt khác, ở ĐBSCL lịch thời vụ và thời điểm thu hoạch ở các vùng khác nhau, như Tiền Giang, Đồng Tháp... vào đợt thu hoạch trước An Giang, Kiên Giang... Trước kia VFA đưa ra thời điểm mua tạm trữ đôi lúc chưa phù hợp, có lúc ở An Giang, Kiên Giang là hai tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất vùng chưa vào đợt thu hoạch, sau khi kết thúc mua tạm trữ mới vào thu hoạch rộ.

T.Mạnh - Đ.Vịnh



Theo Tuoi Tre
Báo cáo phân tích thị trường