Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không lo thiếu phân bón từ năm 2015
14 | 10 | 2013
Bằng việc đầu tư các dự án sản xuất phân bón theo quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng này, giai đoạn 2011-2020, ngành phân bón cơ bản sẽ chủ động được nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước từ năm 2015.
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, năm 2013 sản xuất phân bón của Việt Nam sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước với tổng khối lượng đạt khoảng 8 triệu tấn các loại, trong đó, năng lực sản xuất một số loại phân chính như đạm (urê), NPK và lân- những loại phân có ảnh hưởng lớn trên thị trường phân bón- cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu.
 
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngoại trừ 3 mặt hàng phân bón là SA, Kali và DAP  vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu (khoảng 2,3 triệu tấn/năm), các loại phân khác cơ bản đã chủ động được, thậm chí có dư để xuất khẩu (đối với mặt hàng urê). Dự tính đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp với 100% lượng urê, lân và NPK; 70-80% lượng phân DAP và 30% lượng SA, tuy nhiên, phân SA là một loại đạm hàm lượng thấp, có thể thay thế bằng urê.
 
Theo ông Quyền, việc đưa vào sử dụng nhà máy DAP số 2 (công suất 330.000 tấn/năm) tại Lào Cai vào năm 2014 cộng với nhà máy DAP số 1 đang hoạt động tại Hải Phòng (công suất 330.000 tấn/năm), ngành phân bón Việt Nam sẽ dần chủ động được nguồn cung đối với mặt hàng này. 
 
Việc chủ động được nguồn cung phân bón có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn giá thị trường trong nước cũng như tránh được những rủi ro từ chính sách xuất khẩu ở các nước, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường cung ứng khoảng 80% lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam thời gian qua.
 
(Nguồn: Saigon Online)
 


Báo cáo phân tích thị trường