Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường sữa sau hai tuần kể từ khi lệnh áp giá trần có hiệu lực
19 | 06 | 2014
Sau hơn hai tuần kể từ khi “lệnh” áp trần giá sữa có hiệu lực (1/6/2014), dù chưa đến thời điểm giảm giá bán lẻ bắt buộc, nhưng ghi nhận chung là hầu như toàn bộ các mặt hàng sữa trong danh mục bắt buộc đều được các đại lý nhanh chân giảm giá. Song thực tế, mức giảm chủ yếu vẫn mang tính đối phó.

Sáng 16/6/2014, tại một số cửa hàng bán sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phần lớn đều đã giảm giá. Chủ một đại lý cho biết, cả 25 mặt hàng nằm trong danh mục áp trần bắt buộc tại cửa hàng chị đều đã giảm giá. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm không ở trong danh mục nhưng cũng đã giảm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng tại hệ thống các siêu thị lớn Ocean Mart, BigC, Co.op Mart… khi giá bán mới một số mặt hàng sữa của các hãng Nestle, Abbott, Mead Johnson… với mức giảm từ vài chục nghìn tới gần 200 nghìn mỗi sản phẩm.

Từ phía người tiêu dùng, phản hồi cũng khá tích cực khi nhiều người mua được sữa giảm giá trước thời hạn bắt buộc. Một khách hàng mua sữa cho biết, cách đây một tuần, khi mua sữa Nan3 Pro loại 900g ở đại lý Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), chị đã được giảm từ 415 nghìn đồng/hộp trước đó xuống còn 390 nghìn đồng/hộp. Như vậy, mỗi hộp sữa đã giảm thêm 25 nghìn đồng. Nhà có hai em bé, mỗi tháng dùng hết khoảng 10 hộp sữa, việc giảm giá đã giúp chị tiết kiệm được hơn 250 nghìn đồng/tháng.
 
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như người tiêu dùng chỉ có thể so sánh ngang bằng giữa giá cũ với giá mới, mà không thể kiểm soát được mức giảm đã hợp lý và đúng quy định hay chưa. Trở lại với trường hợp mua được sữa giảm giá, nếu tính đúng theo giá trần của Bộ Tài chính, thì mức giảm của đại lý là chưa đúng quy định. Cụ thể, mức trần áp cho dòng sữa Nan Pro3 loại 900g là 334 nghìn đồng/hộp với giá bán buôn, thì giá bán lẻ sẽ cộng thêm mức cao nhất là 15%, tức giá bán cao nhất đến tay người tiêu dùng sẽ là 384 nghìn đồng/hộp, thấp hơn 6 nghìn so với giá mà đại lý đang bán.
 
Ngoài 25 mặt hàng trong danh mục giảm giá, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 141 mặt hàng khác được các DN đăng ký giảm. Song, nhiều dẫn chứng cũng dẫn ra giá bán lẻ mặt hàng sữa sẽ khó giảm mạnh. Ví dụ, mức giá bán buôn được các công ty đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung khi chưa có giá trần từ 100.000-120.000 đồng/hộp.
 
Chẳng hạn Grow G-Power Vanilla 900g có giá bán buôn do DN công bố là 360.000 đồng/hộp. Sữa Similac Gain Plus IQ 900g có giá bán buôn là 405.000 đồng. Làm phép tính đơn giản cộng thêm 15% vào giá thành bán buôn, mức giá bán lẻ của 2 hộp sữa Grow G-Power Vanilla 900g, Sữa Similac Gain Plus IQ 900g lần lượt là: 415.000 đồng/hộp và 466.000 đồng/hộp. Thế nhưng, hiện nay ngoài thị trường, 2 loại sữa này đang có giá 425.000 đồng/hộp và 470.000 đồng/hộp.
 
Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Tài chính, giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm. Cụ thể, tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy giảm 3,13%-3,84% xuống mức 3.875-4.375 USD/tấn; giá sữa nguyên kem phổ biến ở mức 4.650-5.100 USD/tấn, giảm khoảng 0,53%-1,92%. Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy ở mức 3.825-4.500 USD/tấn, giảm 7,27%-10%; giá sữa nguyên kem giảm khoảng 1,92%-3,82%.

Nguồn: Công an Nhân dân
 


Báo cáo phân tích thị trường