Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa có thể đã chạm đáy
25 | 08 | 2014
Hy vọng vào sự bùng nổ nhu cầu sữa ở châu Á đã khiến tồn trữ sữa và các sản phẩm sữa tăng mạnh ở Trung Quốc–thị trường tiêu thụ hàng đầu khu vực–và khiến giá sụt giảm mạnh thời gian qua.

 Giá sữa thế giới đã giảm trên 40% kể từ tháng 2 tới nay, theo số liệu của Sàn Giao dịch Sữa toàn cầu, được vận hành bởi tập đoàn Fonterra (Niu Dilân), nguồn đóng góp gần 2/3 vào mậu dịch sữa toàn cầu. 

Trong phiên đấu giá mới đây, hôm 6/8/2014, giá sữa trung bình giao dịch trên Sàn đã giảm 8,4% so với hai tuần trước đó bởi khối lượng chào bán tăng gần 1/3, và tiếp tục giảm 0,6% trong phiên đấu giá mới đây nhất (19/8), xuống mức thấp nhất 2 năm, là phiên thứ 4 liên tiếp giảm và phiên giảm thứ 11 trong vòng 12 phiên giao dịch vừa qua.

 

Giá sữa có thể đã chạm đáy (1)

 

 

 

Các thương gia cho rằng nguyên nhân giá giảm liên quan tới việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sữa bột trong nửa cuối năm 2013, sau hàng loạt vụ bê bối về thực phẩm gây lo ngại về chất lượng sữa nội và dẫn tới tình trạng săn lùng sữa ngoại một cách hoảng loạn, đồng thời từ bỏ sữa nội.

 

“Trung Quốc đã mua rất mạnh vào cuối 2013 và đầu 2014, mua nhiều hơn rất nhiều so với mức họ cần”, ông Hayley Moynihan, giám đốc nghiên cứu về sữa của Rabobank ở khu vực châu Á.

 

Sau giai đoạn bùng nổ, nhu cầu sữa từ Trung Quốc chậm lại đáng kể, và kết quả là lượng tồn kho gia tăng đúng thời điểm sản xuất trong nước được cải thiện.

 

Và sau khi thu mua sữa với giá kỷ lục vào năm 2013, Fonterra dự kiến giảm 29% giá thu mua trong vụ mùa này.

 

Những vụ bê bối về sữa

 

Sữa bột trở thành chủ đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc sau vụ bê bối năm 2008, khi phát hiện có hãng trộn melamine vào sữa bột trẻ em khiến ít nhất 6 trẻ bị tử vong và hàng nghìn trẻ bị nhiễm bệnh.

 

Lo ngại sản phẩm của Danone (Pháp) sử dụng nguyên liệu của Fonterra bị nhiễm độc và vụ 6 công ty sữa bột (Mead Johnson Nutrition của Mỹ, Danone Dumex của Pháp, Abbott Laboratories của Mỹ, Fonterra của New Zealand, FrieslandCampina (nhà sản xuất sữa Friso, Dutch Lady) của Hà Lan và Biostime của Hồng Kông) bị chính quyền Trung Quốc phạt nặng vì "làm giá" và sử dụng nhiều phương pháp "gây rối trật tự thị trường" đã gây ra hiện tượng thiếu hụt sữa trên thị trường Trung Quốc trong một giai đoạn giữa năm 2013.

 

Điều đó đã khiến Bắc Kinh khuyến khích các công ty sữa bột nội như Inner Mongolia Yili Industrial Group Co Ltd và China Mengniu Dairy Co Ltdgia tăng sản xuất để đảm bảo nguồn cung.

 

Nhập khẩu sữa và bột sữa vào Trung Quốc đã tăng gần 70% lên 830.000 tấn trong nửa đầu năm nay, theo số liệu của Hải quan nước này.

 

Sau khi tăng dần từ tháng 3, tồn trữ sữa bột của các công ty sữa lớn ở Trung Quốc đã lên mức cao kỷlục khoảng 400.000 tấn vào tháng 7/2014. Theo nhàphân tích kỳ cựu Song Liang ở Bắc Kinh thì phải mất khoảng 3-4 tháng để tiêu thụ lượng tồn trữ này, đó là chưa kể sản lượng bổ sung mới hàng ngày.

 

Dự báo giá sẽ hồi phục vào cuối năm

 

Nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm sữa, từ sữa công thức dành cho trẻ em tới các sản phẩm sữa cho người tiêu dùng như sữa chua… đã khích lệ sản xuất gia tăng, không chỉ ở Niu Dilân mà ở cả châu Âu và Mỹ.

 

Rabobank ước tính xuất khẩu sữa toàn cầu sẽ tăng 7 tỷ lít, tương đương 25%, trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Gần một nửa lượng cung cấp tăng đến từ châu Âu,  nơi sản lượng đang cải thiện sau mùa đông khắc nghiệt, và phần còn lại đến từ Niu Dilân và Mỹ, những nơi sản xuất cũng hồi phục sau đợt hạn hán.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích và các chuyên gia đều hy vọng giá hiện đã chạm đáy bởi tồn trữ ở Trung Quốc đã tăng chậm lại và giá rẻ thu hút người tiêu dùng tăng cường mua sữa.

 

“Giá thấp như hiện nay chắc chắn sẽ hấp dẫn khách hàng, và dự báo thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm 2014”, nhà kinh tế nông học Nathan Penny thuộc ngân hàng ASB của Niu Dilân nhận định, nhưng cho biết rất khó để dự đoán chính xác thời điểm giá phục hồi.

 

Và việc kết quả đấu giá mới đấy nhất cho thấy mức giảm giá chỉ còn 0,6% cho thấy thị trường có thể đang gần chạm đáy, hứa hẹn sắp hồi phục trở lại.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường