Wiboonlasana Ruamraksa, thư ký thường trực thương mại Thái Lan, cho biết Thủ tướng Prayut, hiện là chủ tịch hội đồng chính sách gạo quốc gia, trong cuộc họp gần đây nhất đã yêu cầu các nhà chức trách tìm cách bán toàn bộ 8 triệu tấn gạo còn lại trong kho chính phủ nội trong năm 2017. Hầu hết 8 triệu tấn gạo còn lại này là gạo trắng, trong đó 5 triệu tấn có chất lượng thấp, không phù hợp cho tiêu dùng ở người. 3 tấn gạo còn lại có chất lượng khác nhau nhưng phù hợp cho tiêu dùng ở người.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đang thảo luận với các Bộ Công nghiệp và Năng lượng để tìm phương án hợp lý cho sử dụng gạo dự trữ không phù hợp cho tiêu dùng ở người vào các hoạt động sản xuất công nghiệp, như biomas và sản xuất ethanol. Đối với gạo chất lượng phù hợp làm thực phẩm, các nhà chức trách có kế hoạch nối lại các cuộc đấu giá trong những thời điểm thích hợp.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, chính phủ đương nhiệm Thái Lan đã bán được 8,68 triệu tấn gạo thông qua 23 cuộc đấu giá, mang về 89,2 tỷ Baht. Các thỏa thuận bán gạo G2G đã giúp xả 3,8 triệu tấn gạo, mang về 50 tỷ Baht. Dự trữ gạo chính phủ đã giảm mạnh từ 18,7 triệu tấn tích lũy trong các đợt thu mua gạo dự trữ từ 2011 – 14 của chính phủ tiền nhiệm. Chính phủ đương nhiệm phải trả khoản khí khoảng 500 triệu Baht hàng tháng cho các kho dự trữ gạo. Tuy nhiên, thủ tướng Prayut khẳng định rằng chương trình xả kho của chính phủ không tác động tới giá gạo nội địa.
Theo bà Wiboonlasan, chính phủ sẽ không đặt ra lượng gạo mục tiêu xuất khẩu trong năm 2016, chuyển trọng tâm sang tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến – một động thái mà chính phủ nước này kỳ vọng sẽ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm gạo. Tuy nhiên, bà vẫn lạc quan rằng xuất khẩu gạo năm 2017 của Thái Lan sẽ tăng nhờ nhu cầu tăng. Trong năm 2016, Thái Lan đã xuất khẩu 9,63 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 sau Ấn Độ – nước xuất khẩu 10,2 triệu tấn gạo trong năm 2016. Việt Nam đứng thứ 3 nhưng kém xa về kim ngạch, chỉ đạt 4,87 triệu tấn, theo sau là Pakistan với 4,2 triệu tấn.
Bà Wiboonlasana cho rằng chính phủ Thái Lan sẽ nỗ lực để đạt được cân bằng cung – cầu gạo thuận lợi hơn trong niên vụ 2017/18 nhằm bình ổn giá gạo. Kế hoạch quản lý ngành gạo năm 2017 sẽ dựa vào động lực cầu, xét tới nhu cầu tăng từ những nước nhập khẩu lớn tại châu Á, Trung Đông và châu Phi đối với gạo trắng, Hong Kong, Trung Quốc và Singapore đối với gạo thơm Hom Mali. Các nhà chức trách có liên quan đã có các cuộc thảo luận với tất cả các tác nhân ngành gạo, bao gồm nông dân, các nhà xay xát, các nhà xuất khẩu để đánh giá nhu cầu nội địa và quốc tế, thực trạng các kho dự trữ gạo, trước khi lên kế hoạch sản xuất cho niên vụ 2016/17.
Trong khi đó, ngân hàng nông nghiệp và hợp tác nông nghiệp (BAAC) lạc quan rằng doanh thu bán gạo đóng gói trong năm 2017 sẽ tăng gấp đôi lên 25.000 tấn sau khi sử dụng mạng lưới bưu điện Thái Lan làm kênh vận chuyển. Bưu điện Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ với ngân hàng này, giảm cước phí vận chuyển gạo đóng gói từ 30 Baht/kg xuống còn 8 Baht/kg, theo phó chủ tịch điều hành Apirom Sukprasert cho biết. Sau khi tính cả chi phí vận chuyển, người mua sẽ chỉ phải trả 195 Baht cho 5kg gạo đóng gói. Gạo được BAAC bán là gạo othu mua theo chương trình tín dụng dự trữ 23,7 tỷ Baht cho 2 triệu tấn gạo Hom Mali.
Chỉ nông dân trồng các giống lúa Hom Mali là Khao Daw Mali 105 và Gor Kor 15 tại 23 tỉnh thuộc miefn Bắc và Đông Bắc mới tham gia vào chương trình được thiết kế nhằm tạm trữ 2 triệu tấn gạo để ngăn giá giảm thêm.
Theo Bangkok Post