Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 10 ngàn hecta cà phê Tây Nguyên được tái canh từ nguồn vốn Agribank
13 | 03 | 2017
Từ năm 2013, Agribank đã triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê bằng nguồn vốn tự huy động của mình. Đến tháng 5/2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phát triển ngành cà phê, Agribank được chỉ định là ngân hàng duy nhất tham gia thực hiện chương trình này. Sau 4 năm triển khai, Agribank đã cho 12 tổ chức, 5.704 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay trồng tái canh cây cà phê với tổng diện tích là 10.436 ha và dư nợ là 738 tỷ đồng.

Tập trung đầu tư cho ngành kinh tế trọng điểm của địa bàn chiến lược

Xác định Tây Nguyên là vùng trọng điểm cà phê của cả nước, ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng đã luôn ưu tiên, quan tâm dành nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư cho lĩnh vực này. Đến 31/12/2016, dư nợ cho vay cà phê của toàn ngành Ngân hàng tại địa bàn Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với 31/12/2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc). Trong đó, Agribank đã cho vay trên 15.400 tỷ đồng (chiếm 34% dư nợ toàn ngành) trong đó cho vay tại địa bàn Tây Nguyên đạt 13.000 tỷ đồng (chiếm 84% dư nợ cho vay cà phê của Agribank).

Ngành Ngân hàng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, đảm bảo ổn định an ninh - quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên

Không chỉ vậy, trong suốt nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng Ngân hàng đã giúp nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số... có điều kiện mở rộng sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực như: phát triển các loại hình cây công nghiệp ngắn ngày (cà phê, cao su, hồ tiêu...), phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp phát huy thế mạnh của vùng, góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo ổn định an ninh - quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên… Trong đó, Agribank luôn tự hào là ngân hàng chủ lực trong đầu tư vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Đến 31/12/2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngành ngân hàng tại địa bàn Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng. Trong đó dư nợ của Agribank tại địa bàn đạt 60.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn Tây Nguyên.

Cà phê hướng đến chế biến sâu, xuất khẩu bền vững

Ngay từ năm 2013, Agribank đã triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê bằng nguồn vốn tự huy động của mình. Đến tháng 5/2015, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phát triển ngành cà phê, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 3227/NHNN-TD, ngày 11/5/2015 triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên và Agribank được chỉ định là Ngân hàng duy nhất tham gia thực hiện chương trình này. Sau 4 năm triển khai, Agribank đã đạt được những kết quả nhất định như sau:  

Năm

Dư nợ

Số khách hàng            

2013

152

1,671          

2014

434

4,023          

2015

730

5,410          

2016

738

5,716          

Đơn vị: Tỷ đồng/khách hàng

Đến cuối năm 2016, Agribank đã cho 12 tổ chức, 5.704 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay trồng tái canh cây cà phê với tổng diện tích là 10.436 ha và dư nợ là 738 tỷ đồng.

Gỡ khó cho tín dụng tái canh cây cà phê

Hàng nghìn tỷ đồng đã được cho vay tới các hộ dân và doanh nghiệp cà phê tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển cây công nghiệp chủ lực này thật bền vững, cần giải quyết những bất cập nảy sinh trong quá trình giải ngân.

Tổng mức tín dụng lên tới 12.000 tỷ đồng cho tái canh cây cà phê là một trong những chương trình tín dụng lớn nhất, ưu đãi nhất mà hệ thống Ngân hàng dành sẵn để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có khoảng 1/10 nguồn vốn cho tái canh cây cà phê được giải ngân. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cử một đoàn công tác đến Tây Nguyên để tìm hiểu và tháo gỡ các vướng mắc, qua đó thúc đẩy việc đưa vốn vào sản xuất, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình tái canh 150.000 ha cà phê trên địa bàn.

Agribank chiếm 27% tổng dư nợ toàn ngành Ngân hàng  trên địa bàn Tây Nguyên 

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: "Tái canh cây cà phê là chương trình lớn nhất mà ngân hàng dành cho khu vực Tây Nguyên, đến nay, vốn đã sẵn sàng giải ngân, nhưng tiến độ vẫn chậm và tái canh cây cà phê có thể chậm trễ là do chúng ta chưa có chính sách đồng bộ để hỗ trợ người trồng sau khi họ tiến hành tái canh".

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Tây Nguyên sẽ phải tái canh 150.000 ha cà phê, nhưng nửa thời gian đã trôi qua mà mới có khoảng vài chục nghìn ha hoàn thành việc tái canh. Bởi vậy, cây cà phê và người trồng cà phê đang kỳ vọng các tháo gỡ, thúc đẩy mạnh mẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp sớm xóa bỏ những vườn cà phê già cỗi, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho Tây Nguyên.

10.436 ha cà phê Tây Nguyên được tái canh từ nguồn vốn Agribank 

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình triển khai tín dụng cho tái canh cây cà phê. Do việc tái canh toàn bộ vườn cà phê sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại của người dân cũng như phải đầu tư thêm chi phí cho tái canh, nên nhiều hộ dân lựa chọn phương pháp chỉ chặt bỏ cây cà phê già cỗi để trồng lại. Vì thế, việc tái canh cà phê theo quy hoạch gặp khó khăn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo Agribank tiếp tục đẩy mạnh cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chỉ đạo thêm một số tổ chức tín dụng tham gia cho vay tái canh trên địa bàn Tây Nguyên, kết hợp với đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cà phê và các cây công nghiệp khác trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, cấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và Agribank để giải quyết bất cập như: vấn đề xác nhận và quy hoạch của cấp xã; vấn đề giống cây và quy trình kỹ thuật phục vụ tái canh; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... và quyết tâm của hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình tái canh cây cà phê.

Hướng xuất khẩu cà phê bền vững

Năm 2017 xuất khẩu cà phê sẽ giảm từ 20 đến 30% so với 2016, do hạn hán, đặc biệt là do diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng... Để xuất khẩu cà phê bền vững, ngoài việc đẩy mạnh tái canh thì việc nâng cao chất lượng, xuất khẩu cà phê chế biến là những giải pháp tối ưu thời gian tới. 

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) xuất khẩu mặt hàng cà phê năm 2017 sẽ chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 20 - 30% so với năm trước. Việc sản lượng cà phê sụt giảm đã được cảnh báo từ nhiều năm nay khi diễn biến thời tiết ngày một cực đoan, hạn hán xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, sản xuất cà phê cũng đang đối diện nhiều khó khăn khác. Từ năm 2014 đến năm 2020, diện tích cà phê cần tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 150.000 ha, trong đó tái canh thay thế 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây nhất của các tỉnh, từ năm 2010 đến năm 2016, 5 tỉnh Tây Nguyên mới tái canh được 80.000 ha.

Thực hiện thành công chương trình tái canh cây cà phê cần có sự vào cuộc  của nhiều ngành, cấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương

Theo dự báo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh do sản lượng cà phê các nước đều giảm. Đặc biệt, cà phê Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% thị phần toàn cầu, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nói chung và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Để duy trì mức tăng trưởng và giá trị xuất khẩu, ngành cà phê cần chuyển sang chế biến thay vì xuất khẩu thô như hiện nay và tận dụng lợi thế riêng để phát triển xây dựng thương hiệu cà phê Việt.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết: giá trị của cà phê nhân chỉ chiếm 1/20 trong chuỗi giá trị ngành cà phê, phần còn lại nằm ở các khâu chế biến sâu và phân phối. Trong bối cảnh nhu cầu cà phê trên thế giới tăng, sản lượng sụt giảm, ngành cà phê cần cơ cấu lại để nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, cần tập trung vào khâu chế biến, rang, xay, hòa tan và các sản phẩm khác để xuất khẩu, từ đó nâng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 lên 5 - 6 tỷ USD. Trước đây, các nước chỉ nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam làm nguyên liệu và bảo hộ khâu chế biến trong nước. Do đó, các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam thường bị áp thuế 20% khi xuất khẩu vào các thị trường này. Tuy nhiên, gần đây, với việc tham gia các hiệp định tự do thương mại, mức thuế đã được giảm về 0%. Đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm cà phê chế biến sâu của Việt Nam.

 Năm 2017 xuất khẩu cà phê sẽ giảm từ 20 đến 30% so với 2016 

Để duy trì tăng trưởng, không ít doanh nghiệp cà phê trong nước bắt đầu tập trung vào khâu chế biến và xây dựng phát triển thương hiệu; nghiên cứu thiết lập nhiều kênh tiêu thụ trong nước và thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường trong nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cà phê phát triển bền vững, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nhà nhập khẩu quốc tế.

TSC Agribank



Báo cáo phân tích thị trường