Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Nam: Hiệu quả mô hình nuôi ghép tôm sú – cá đối mục
09 | 10 | 2017
Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định và bền vững, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện mô hình “Nuôi ghép tôm sú - cá đối mục” tại huyện Núi Thành và Thăng Bình.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình để bà con nông dân nuôi trồng thủy sản tham quan học tập, nhân rộng mô hình tại huyện Thăng Bình (8/9/2017) và huyện Núi Thành (19/9/2017).

Mô hình tuy được triển khai thực hiện lần đầu tiên tại các địa phương, nhưng kết quả đạt được khá khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Với mật độ giống thả: Tôm sú 12 con Post 15/m2, cá đối mục 1 con/m2. Sau thời gian 5 - 6 tháng nuôi, mô hình đạt kết quả như sau: Đối với tôm sú: tỷ lệ sống 30 - 40%, trọng lượng đạt 30 - 50 con/kg, năng suất 1,0 tấn/ha; Cá đối mục: tỷ lệ sống trung bình 60%, trọng lượng đạt 350 – 400 g/con, năng suất 2,4 tấn/ha, thu lãi từ 100 - 130 triệu đồng/ha.

Tại hội thảo, các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân đều cho rằng, mô hình nuôi ghép tôm sú – cá đối mục bước đầu phù hợp với điều kiện nuôi tại vùng triều. Cá đối mục thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt. Có thể nuôi ghép tôm sú với cá đối mục trong những ao nuôi nước lợ ở vùng triều, nhất là những ao nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Các địa phương có diện tích mặt nước lợ với độ mặn trên 50/00 đều có thể thực hiện được mô hình này. Giá trị kinh tế của cá đối lớn hơn so với các loại cá khác như cá chẽm, cá măng và việc tiêu thụ cá thương phẩm có thể hoàn toàn được chủ động.

Nhìn chung, nuôi ghép tôm sú - cá đối mục là mô hình mới theo hướng an toàn dịch bệnh và môi trường; góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cá thương phẩm tương đối thuận lợi, cá nuôi được thị trường ưa chuộng là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả sản xuất. Vì vậy, mô hình nuôi ghép tôm sú và cá đối mục là rất cần thiết, có khả năng được tiếp tục phát triển nhân rộng trong những năm đến cho các địa phương trong tỉnh.

Ông Trần Văn Vui – chủ hộ thực hiện mô hình tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành chia sẻ thêm kinh nghiệm nhằm khắc phục một số hạn chế của mô hình. Đó là mật độ giống thả có thể thưa hơn, thả nuôi cá sớm hơn từ đầu năm và kéo dài thời gian nuôi (vì cá đối lớn nhanh từ tháng thứ 6 - 7 trở đi) để cá đạt trọng lượng từ 0,4 – 0,5 kg/con trở lên mới xuất bán thì sẽ tăng giá trị, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Trong quá trình nuôi muốn tăng tỷ lệ sống của tôm, cá đối và ít cạnh tranh thức ăn với nhau, tốt nhất bà con nông dân nên có ao ương nuôi riêng. Sau thời gian khoảng từ 1 tháng mới thả các đối tượng vào nuôi chung. Việc đầu tư thức ăn đối với tôm, cá phải đầy đủ, việc sử dụng cho ăn đúng cách và kiểm soát, quản lý thức ăn thật chặt chẽ để hạn chế cá dành ăn thức ăn của tôm, làm tăng chi phí.

Nhiều ý kiến của đại biểu và bà con đề nghị: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND các huyện cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình nuôi ghép tôm sú - cá đối mục hoặc nuôi xen ghép tôm với một số loài cá khác hoặc chuyển đổi các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế ở vùng triều tại các địa phương trong những năm tới, để có cơ sở hoàn chỉnh và đưa ra quy trình nuôi ghép phù hợp, đem lại hiệu quả. Các Trạm Khuyến nông và địa phương quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng các mô hình này. Bà con nông dân cần mạnh dạn đầu tư nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như: cá đối mục, cá măng, cá dìa, cua xanh,... với tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị; định hướng và gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm, để nghề nuôi thủy sản vùng triều phát triển có hiệu quả, mang tính ổn định trong thời gian đến.



Theo vasep
Báo cáo phân tích thị trường