Theo đơn, vừa qua, gia đình ông mua 31 bao phân hóa học nhãn hiệu “Phân bón Âu Châu”, lô gô con rồng vàng để bón cho hồ tiêu và cà phê. Khoảng 15 ngày sau khi bón phân, hàng loạt cây hồ tiêu và cà phê có dấu hiệu vàng úa, rụng trái, rụng lá. Sau đó ít ngày, nhiều cây tiêu, cà phê bị chết. Gia đình đã thông báo sự việc cho đơn vị cung cấp phân là Đại lý phân bón Minh Đức, ở tổ dân phố 2, thị trấn Kiến Đức. Chủ Đại lý sau đó đã đến kiểm tra vườn hồ tiêu, cà phê và hứa sẽ khôi phục lại cho gia đình.
Ngày 4/9/2017, đại diện lãnh đạo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu (đơn vị sản xuất loại phân nói trên -P.V) cũng trực tiếp đến kiểm tra vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình. Khi đó, lãnh đạo Công ty đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khôi phục lại số hồ tiêu, cà phê bị hư hại, đồng thời đền bù thiệt hại cho gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện cam kết trên, trong khi số lượng hồ tiêu và cà phê đã chết khá nhiều… Theo thống kê của gia đình ông Thủy, đã có 70 cây tiêu bị chết hoàn toàn. Số cây cà phê bị chết thì ít hơn.
Nhiều cây tiêu đã chết hoàn toàn
Về loại phân mà ông Thủy phản ánh, trên bao bì có ghi thông tin “Phân bón Âu Châu”, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu, địa chỉ tại khóm 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc (Long An). Trên bao bì còn ghi các thông tin về thành phần hàm lượng: 20-10-20+S+MgO+B2O3+TE.Về loại phân mà ông Thủy phản ánh, trên bao bì có ghi thông tin “Phân bón Âu Châu”, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu, địa chỉ tại khóm 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc (Long An). Trên bao bì còn ghi các thông tin về thành phần hàm lượng: 20-10-20+S+MgO+B2O3+TE.
Bà Phạm Thị Hóa, chủ Đại lý phân bón Minh Đức, xác nhận đã cung cấp phân bón cho gia đình ông Thủy. Về nguồn gốc, bà Hóa cho biết, đầu mùa mưa 2017, Đại lý đã mua 5 tấn phân loại này từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu. Số phân này có đầy đủ hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc. Hiện nay, 5 tấn phân đã được bán hết cho người dân trên địa bàn. Về chất lượng của 5 tấn phân, theo bà Hóa là bảo đảm. Bởi vì ngoài sự cố của gia đình ông Thủy, không có trường hợp nào bón phân loại này mà cây trồng bị ảnh hưởng xấu hoặc chết.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra vườn tiêu, cà phê của gia đình ông Thủy. Đơn vị cũng đã tiến hành lấy mẫu phân để kiểm nghiệm chất lượng theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, lô phân mà gia đình ông Thủy mua từ Đại lý Minh Đức có những bất thường. Lô phân này có hai loại khác nhau. Loại thứ nhất, trên bao bì in nhãn hiệu “Phân bón Âu Châu”, lô gô hình con rồng vàng, với dòng chỉ định: “Hạn chế rụng trái, hạt chắc, vỏ mỏng”, và có ghi thành phần hàm lượng như đã nói trên. Còn loại thứ hai, lô gô hình con rồng màu đen, không có nhãn hiệu, không có dòng chỉ định. Các thông tin khác (thành phần hàm lượng, địa chỉ sản xuất, trọng lượng…) đều giống với loại thứ nhất.
Bao bì thể hiện phân “rồng đen” khác biệt với phân “rồng vàng” (bên phải)
Theo khẳng định của ông Thủy, gia đình ông chỉ mua loại phân “rồng vàng” chứ không mua loại nào khác. Do đó, gia đình ông cũng không hiểu vì sao trong số 31 bao phân lại có sự xuất hiện loại phân mang logo con rồng đen. Quá trình bón phân cho cây trồng, do không để ý, nên gia đình không phát hiện ra. Thực tế, trong hóa đơn mua 31 bao phân mà ông Thủy đang giữ, chủ Đại lý cũng ghi rõ loại phân là “Rồng vàng”.
Về vấn đề này, bà Hóa cho biết: “Đại lý chỉ nhập và bán phân “rồng vàng” chứ không có rồng đen trắng. Tôi cũng không biết phân rồng đen từ đâu mà có”. Trong khi đó, ông Phạm Quốc Trung, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phân bón Âu Châu khẳng định, nhãn hiệu và lô gô hình con rồng vàng đã được Công ty đăng ký bản quyền. Từ trước tới nay, Công ty chưa bao giờ sản xuất loại phân có lô gô con rồng màu đen. “Tôi khẳng định, loại phân con rồng đen hoàn toàn là giả mạo và đó có thể là nguyên nhân khiến cho nhiều cây cà phê, hồ tiêu của ông Thủy bị hư hại”.