Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cuộc chiến môi trường của Trung Quốc đang sắp xếp lại toàn bộ ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới
06 | 11 | 2017
Khi Zhang Faqing nhận thư từ chính phủ Trung Quốc hồi tháng 12/2016, yêu cầu ông đóng cửa trang trại chăn nuôi lợn ở ngoại vi Bắc Kinh chỉ trong vòng 2 tuần sau khi thông báo, ông cho rằng đó là một trò đùa.

Sau khi các nhà chức trách địa phương thăm trang trại của ông tại làng Zhoucun chỉ vài ngày sau đó để hiện thực hóa thông điệp trên, người nông dân 47 tuổi này nhận ra rằng đó hoàn toàn không phải là một trò đùa.

Gần 1 năm sau đó, ông vẫn đang đợi khoản bồi thường trị giá hàng triệu NDT mà chính phủ hứa hẹn, hơn một tá trại nuôi vốn dùng để nuôi tới 15.000 con lợn hiện đang trống không và ông Zhang vẫn chưa biết nên làm gì sắp tới. “Tôi phải bán lợn ở bất cứ giá nào mà người mua chào, về cơ bản tôi đã bán thịt với giá bắp cải. Tôi thiệt hại quá nhiều tiền”, ông nói trong một chuyến thăm gần đây của giới báo chí tới trang trại. Ông cho biết đã thiệt hại hơn 70 triệu NDT, tương đương 10,57 triệu USD.

Ông Zhang là một trong hàng trăm ngàn nông dân chăn nuôi lợn và gia cầm quy ô nhỏ trên khắp Trung Quốc đã bị buộc phải đóng cửa hoạt động khi Bắc Kinh triển khai chiến dịch kéo dài 3 năm để làm trong sạch ngành chăn nuôi lớn nhất thế giới tại nước này. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc từ chối bình luận bất cứ điều gì về tình trạng trên.

Trong những tháng cuối năm 2017, trước hạn chót 31/12 để tuân thủ các tiêu chuẩn mới, nghiêm khắc, tiến độ kiểm tra và đóng cửa hoạt động các cơ sở chăn nuôi như của ông Zhang từ phía chính phủ Trung Quốc sẽ tăng lên. Giá thịt lợn đã tăng mạnh 16% kể từ tháng 6 tới nay do lo ngại nguồn cung thịt lợn tạm thời giảm mạnh, xét tới thịt lợn là loại thịt được ưa chuộng nhât trong các kỳ nghỉ lễ năm mới vào tháng 2/2018 – mùa nhu cầu cao điểm hàng năm.

Về dài hạn, chính sách này sẽ sắp xếp lại ngành chăn nuôi vốn rải rác của Trung Quốc, với tổng cộng khoảng 1,1 triệu con lợn sẽ bị tước khỏi tay những người chăn nuôi quy mô nhỏ và thúc đẩy thị phần của các trang trại quy mô công nghiệp, do chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả và hiện đại hơn.

Hoạt động sản xuât chăn nuôi quy mô nhỏ, chưa đến 50 con lợn, chiếm 90% số trang trại chăn nuôi lợn của Trung Quốc, nhưng chỉ cung ứng 1/3 trong tổng nguồn cung. Với động thái mới này từ phía chính phủ, các tập đoàn sản xuất lớn như Wens Foodstuff, New Hope đứng trước cơ hội gia tăng thị phần trên thị trường thịt lợn trị giá khoảng 1,06 tỷ USD này của Trung Quốc.

“Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc sẽ dần phát triển theo cơ cấu bán độc quyền, với các công ty lớn thống trị thị trường và cạnh tranh lẫn nhau”, theo nhận định của Zhu Zengyong, hà phân tích tại Viện Thông tin Nông nghiệp của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

Ông Zhang có rất ít lựa chọn ngoài kịch bản đóng cửa hoạt động và bán tháo đàn lợn bởi trang trại của ông quá gần một hồ chứa. Các tiêu chuẩn ô nhiễm mới ngặt nghèo sẽ cấm hoàn toàn hoạt động chăn nuôi ở các khu vực gần nguồn nước hoặc tập trung đông dân cư. Những nông dân chăn nuôi tại các khu vực khác phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn trong xử lý chất thải.

Yao Guilin, nhà phân tích tại China-America Commodity Data Analytics, cho rằng các hoạt động thanh tra môi trường sẽ có tác động dài hạn sâu rộng đối với nguồn cung và giá thịt trên thị trường Trung Quốc. Số lợn được đưa đến các lò giết mổ từ các trang trại quy mô nhỏ sẽ giảm ít nhất 20 triệu con trong năm 2017, xuống còn 380 triệu con, trong khi các trang trại quy mô siêu lớn sẽ chỉ bù đắp được 15 triệu con lợn, bà Yao ước tính.

Sau nhiều năm liên tục nhận khiếu nại về tình trạng nguồn nước và không khí từ các trang trại không hoạt động theo quy định, nhiều khu vực nông thôn hiện đang trải qua giai đoạn không chăn nuôi lợn, hồ hởi trước triển vọng mới về trồng cây ăn quả và du lịch sinh thái đang bắt đầu nổi lên.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Reuters, 8 nông dân chăn nuôi lợn quy mô từ 50 tới 15.000 con tại Bắc Kinh, và các khu vực nông thôn của Giang Tô, Sơn Đông và Hồ Nam rất lo lắng về tương lai. Một nông dân tại phía Tây Bắc Kinh cho biết bà có thể sẽ xây một khách sạn với nguồn tài chính từ khoản bồi thường trị giá 3,03 triệu USD của chính phủ đổi lấy việc bà đóng cửa trang trại chăn nuôi quy mô 5.000 con lợn của bà. Nhưng phần lớn cho biết số tiền bổi thường sẽ không thể bù đắp nổi thiệt hại mà họ phải bán tháo lợn và khấu hao tài sản cố định. Bốn trong số này vẫn đang chờ bồi thường và vật lộn tìm kế sinh nhai khác, với rất ít kinh nghiệp ở các hoạt động khác.

“Chính quyền địa phương hứa bồi thường 500.000 NDT cho tôi. Nhưng tôi nghĩ ít nhất phải là 1 triệu NDT mới đủ bù đắp chi phí”, một nông dân từ tỉnh Sơn Đông cho hay, đồng thời cho biết thêm ông đã bán 100 con lợn trong tháng 10 vừa qua,

Một nông dân khác tại tỉnh Sơn Đông cho biết chính quyền địa phương đã cảnh báo về việc ông sẽ phải đóng cửa trang trại quy mô 600 con lợn của ông do chính phủ sẽ mở rộng khu vực không chăn nuôi lợn.

Tại ngoại ô Bắc Kinh, nơi hàng chồng vắc xin và TACN hiện đang nằm chỏng chơ, ông Zhang cho biết ông có ý định xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ gần đó. Nhưng không có hỗ trợ từ phía chính phủ, ông đang bế tắc với kế hoạch này. “Tất cả mồ hôi công sức bao năm đầu tư của tôi đã trôi theo chiều gió”.

Theo Reuters (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường