Tiêu đồng loạt chết giữa kỳ ra trái
Theo phản ánh của nhiều nông dân trồng hồ tiêu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Tân Thành... của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian gần đây, do thời tiết mưa nhiều nắng ít khiến cây hồ tiêu mắc nhiều loại bệnh và chết liên tục.
Hầu hết các hộ dân trồng tiêu đều chung cảnh tiêu chết hàng trăm gốc. Thực trạng trên khiến người trồng tiêu lo lắng vì sợ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Hồ tiêu mắc bệnh, dân đứng ngồi không yên.
Để tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi đã tới các huyện: Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành... là những vùng trồng tiêu lớn nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại huyện Châu Đức, ông Nguyễn Văn Viện cho biết, vợ chồng ông có 1,2ha tiêu đang thời kỳ cho trái thì bất ngờ nhiễm bệnh, chết hàng loạt khiến vợ chồng ông đứng ngồi không yên.
Ông Viện chia sẻ, ông cũng không hiểu vì lý do gì mà vườn tiêu nhà ông đang xanh tốt, cho quả đều lại bỗng dưng héo rũ rồi chết hàng loạt.
“Thấy tiêu bất ngờ bị chết liên tục, tôi cũng đã dùng nhiều loại thuốc để điều trị nhưng không hiệu quả. Hiện vườn nhà tôi chỉ còn một số ít trụ tiêu xanh tốt. Phần lớn, tiêu đã chết dần chết mòn. Tiền giống, tiền trụ, tiền phân bón, thuốc thang và công chăm sóc đã rất nhiều nhưng khả năng tôi sẽ chẳng còn gì để thu hoạch. Cứ theo đà này, chúng tôi có thể lỗ khoảng 400 triệu đồng”, ông Viện thở dài.
Trong khi đó, gia đình bà Huỳnh Thị Hương cũng đang thấp thỏm lo âu vì hàng trăm gốc tiêu nhiễm bệnh chết nhanh. Diện tích tiêu của gia đình bà đã khô héo, phải gỡ ra, đem đốt bỏ. Bà Hương cho biết, trong hơn một tháng qua, vườn tiêu có diện tích 3ha đang nuôi trái của gia đình bà đã bị chết khoảng 2ha.
“Trồng tiêu thì phải chấp nhận chuyện năm nào cũng có tiêu chết. Nhưng hằng năm, tiêu chỉ chết vài ba gốc thôi. Năm nay, tiêu bắt đầu cho trái lại chết hàng loạt, khu vực nào cũng thế, lúc đầu tiêu chết một vài gốc, sau đó lan ra xung quanh.
Hiện vườn nhà tôi tiêu đã chết gần 200 gốc. Đáng lẽ, 3ha tiêu của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch khoảng hơn 10 tấn. Nay tiêu chết hàng loạt khiến gia đình tôi mất đi 2/3 sản lượng, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Nhiều hộ thua lỗ quá phải bán luôn đất, bán luôn vườn tiêu để bù lỗ. Gia đình tôi dù biết sẽ thiệt hại nhưng vẫn phải cố bám lấy nghề vì không trồng tiêu thì chẳng biết làm gì để ăn”, bà Hương chia sẻ.
Tại huyện Xuyên Mộc, rất nhiều hộ trồng tiêu cũng bất lực nhìn tiêu chết hàng loạt. Người dân cho biết, tiêu là loại cây chịu nước kém, sẽ chết nếu bị ngập úng.
Và năm nay mưa lớn kéo dài khiến nhiều vườn tiêu bị ngập, rễ tiêu vì thế bị úng. Mưa nhiều cũng tạo điều kiện để các loại nấm, bệnh phát triển. Đặc biệt là nấm Phytophthora tấn công mạnh vào rễ, gây tổn thương bó mạch nên tiêu không thể hút nước và chết hàng loạt. Dù người dân cố làm mọi cách cứu chữa nhưng cũng bất lực, chấp nhận nguy cơ mất mùa, nợ nần.
Anh Nguyễn Văn Tường, người dân huyện Xuyên Mộc cho biết: Do tiêu chết nhanh nên mọi cố gắng cứu chữa nhưng không thành công khiến số gốc tiêu bị chết tăng nhiều.
“Chăm sóc một gốc tiêu cho đến ngày ra trái rất tốn kém. Việc tiêu bị bệnh dẫn đến chết hàng loạt khiến chúng tôi mất trắng. Số tiền nợ ngân hàng của gia đình tôi đều trông chờ vào vụ thu hoạch tiêu năm nay. Nhưng giờ tiêu lại chết rất nhiều nên dự định trả số nợ gần 300 triệu đồng trong năm nay là không thể. Chỉ mong cơ quan chức năng có phương án cụ thể giúp chúng tôi khắc phục vấn đề này và hỗ trợ chúng tôi mua giống gây mới”, anh Tường chia sẻ.
Không nên “quá tin tưởng” cửa hàng bán thuốc
Trước tình trạng tiêu chết hàng loạt, đại diện chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện toàn tỉnh có 264ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Do 264ha tiêu bị nhiễm bệnh đều đang trong giai đoạn nuôi trái nên nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay. Theo đơn vị này, có khoảng 127ha tiêu nhiễm bệnh chết nhanh và 137ha tiêu nhiễm bệnh chết chậm, tăng 159ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân lo sợ việc tiêu đang xanh tươi bỗng dưng chết.
Từ những số liệu trên, đại diện chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, năm nay, do thời tiết khu vực tỉnh mưa nhiều, dự kiến số lượng tiêu nhiễm bệnh sẽ còn tăng cao hơn nữa, nhất là thời điểm cuối mùa mưa, bắt đầu mùa nắng sắp tới.
Đại diện chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này cho biết, trước tình hình trên, Chi cục đã chỉ đạo trạm Bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến cáo nông dân, khi cây tiêu bị bệnh, bà con không nên quá tin tưởng vào các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mà mua thuốc về phun vô tội vạ để rồi “tiền mất, tật mang”. Khi gây giống mới, bà con cần chọn giống tiêu tốt, khỏe, ít nhiễm bệnh, canh tác trên vùng đất thoát nước tốt trong mùa mưa. Xung quanh vườn tiêu nên đào mương thoát nước theo ô bàn cờ độ sâu 40-50cm, nếu đất dốc thì đào mương thoát theo hình xương cá.
“Còn đối với đất vườn đã từng có cây chết bệnh, cần được xử lý kỹ với vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật trừ tuyến trùng trước khi trồng lại. Với các trụ tiêu bị bệnh nhẹ cần xử lý ngay, với các trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết bà con phải nhanh chóng tiến hành thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ”, đại diện chi cục khuyến cáo.