Giá phân đạm urea tăng mạnh 8% do nhu cầu cao và nguồn cung thấp. Giá phân phốt phát TSP tăng 2% và phân kali tăng nhẹ 0,5%. Đối ngược với các diễn biến tăng này, giá đá phốt phát giảm 8% do thị trường đón nhận công suất sản xuất mới, gây ra tình trạng dư cung, trong khi phân phốt phát DAP giảm 5% do nhu cầu yếu và dư cung.
Các thị trường phân bón tiếp tục đối mặt với nhu cầu toàn cầu tương đối yếu do giá nông sản vẫn ở mưc thấp. Các thị trường tiếp tục có nguồn cung dồi dào với các kho dự trữ đủ và công suất sản xuất có chi phí thấp đang tăng.
Giá phân urea tăng 8% trong quý 3 so với quý 2, và cũng tăng 8% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 do nhu cầu nhập khẩu mạnh, đặc biệt là từ Brazil – nơi nhập khẩu tăng mạnh tới 41% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nguồn cung giảm tại Indonesia, Trung Đông và Bắc Phi cùng với nguồn cung khả dụng xuất khẩu từ Trung Quốc hạn chế – đồng thời tác động đẩy giá tăng. Xuất khẩu phân urea của Trung Quốc giảm mạnh do chi phí sản xuất tăng, bao gồm giá than đá tăng và các rào cản quy định môi trường cũng đang tăng lên. Hạn chế khai thác than đá trong mùa đông tại Trung Quốc có thể đẩy chi phí tăng cao hơn. Nhu cầu tại mỹ, nước tiêu thụ phân bón urea lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, được dự báo tăng trong mùa thu nhưng công suất nội địa mới bổ sung tăng mạnh nên dự báo Mỹ sẽ giảm nhập khẩu. Thị trường urea toàn cầu dự báo sẽ dư cung trong thời gian tới do hàng loạt các nhà máy bổ sung công suất mới từ các nước có sản xuất khí gas chi phí thấp, bao gồm Iran, Malaysia, Nigeria và Mỹ.
Phân kali tăng chưa đến 1% dù nhu cầu cao. Nhập khẩu phân kali của Trung Quốc tăng mạnh hơn 25% trong 8 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Nhà sản xuất Uralkali của Nga đồng thuận một hơp đồng mới với Ấn Độ đến tháng 6/2018 với giá 240 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với năm ngoái. Thị trường phân kali toàn cầu được dự báo duy trì tình trạng dư cung, với công suất sản xuất tăng lên tại Belarus, Canada, Trung Quốc, Nga, Turkmenistan và Mỹ.
Giá phân phốt phát DAP giảm 5% do nhu cầu nhập khẩu yếu tại một số nước và nguồn cung tăng, bao gồm xuất khẩu tăng từ Trung Quốc – nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Giá TSP tăng 2%. Cơn bão Irma đã khiến suy giảm sản xuất tại Florida, đẩy giá phốt phát tăng mạnh, nhưng giá được dự báo sẽ giảm trở lại do thị trường vẫn trong tình trạng dư cung. Hoạt động sản xuất mới sắp đưa nguồn cung mới vào thị trường, đặc biệt là tại Morocco và Saudi Arabia.
Giá phân bón được dự báo giảm 4% trong năm 2017 và tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2018. Tình trạng dư cung và nhu cầu yếu tiếp diễn, gây áp lực giảm giá lên thị trường phân bón. Ứng dụng phân bón đang trong khuynh hướng tăng, tiếp tục bị kìm hãm bởi giá nông sản tương đối thấp, phản ánh nguồn cung tương đối dồi dào trên các thị trường nông sản. Giá phân bón được dự báo tăng nhẹ trong trung hạn do nhu cầu tăng và giá năng lượng tăng, có thể khuyến khích mở rộng sản xuất.
Các rủi ro cho dự báo này là nhu cầu thấp hơn dự báo, công suất tăng nhanh hơn kỳ vọng và sự khởi động lại các hoạt động sản xuất bị tạm ngừng trước đây. Về triển vọng tích cực, giá nông sản tăng có thể cải thiện khả năng sinh lời của nông dân và thúc đẩy nhu cầu phân bón. Chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là đối với năng lượng, cũng có thể hỗ trợ giá phân bón, cùng với các chính sách môi trường ngặt nghèo hơn.
Theo World Bank (gappingworld.com)