Trong khi giá hàng hóa thực phẩm nhìn chung duy trì ổn định, chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu được dự báo tăng 6% trong năm 2017 lên 1.413 tỷ USD, là giá trị nhập khẩu cao thứ 2 từng được ghi nhận. FAO lo ngại rằng diễn biến này sẽ gây ra tác động kinh tế và xã hội lên các nước nghèo.
Giá trị nhập khẩu thực phẩm được dự báo tăng trưởng 2 con số đối với nhóm nước kém phát triển nhất (LDCs) và các nước thâm hụt thực phẩm, thu nhập thấp. Trong các ngành chăn nuôi và sữa, giá trị nhập khẩu thịt được dự báo đạt mức cao kỷ lục 176 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016 và chỉ số giá bơ của FAO đã tăng 41% kể từ đầu năm đến nay.
Giá loại lúa mỳ chất lượng cao, được ưa chuộng là ‘US Hard Red Spring,’, có hàm lượng protein đủ để sản xuất mì và pasta, đã tăng giá 40% trong tháng 7/2017 so với cùng kỳ năm 2016. Giá các loại gạo thơm có tốc độ tăng nhanh gấp 8 lần so với Chỉ số giá gạo chung của FAO, vốn đã tăng 4% từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu tăng diễn ra vào thời điểm tồn kho đang ở mức cao, các dự báo sản xuất nông nghiệp bội thu và các thị trường hàng hóa thực phẩm vẫn có nguồn cung dồi dào.
Xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới có triển vọng giúp giảm nghèo và phát triển nông thôn do hầu hết hoạt động sản xuất đều diễn ra ở các nước đang phát triển. Lượng xuất khẩu xoài, dứa, bơ và đu đủ có giá trị tổng cộng 10 tỷ USD trong năm 2017, theo tính toán của FAO.
Hiện 95% sản lượng thực phẩm toàn cầu được tiêu dùng nội địa của các nước sản xuất, nhưng thu nhập tăng và thay đổi sở thích tiêu dùng có thể thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là thương mại tự do hơn và tiếp cận thị trường tốt hơn sẽ khuyến khích tăng cường công nghệ trong khâu phân phối.
Tại khu vực cận Sahara châu Phi, sản xuất sắn – môt trong những cây lương thực có sản xuất tăng nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu và là nguồn calorie quan trọng thứ 3 tại các nước nhiệt đới, sau gạo và ngô – có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017, dự báo đạt 156 triệu tấn.
Theo Asia Food Journal (gappingworld.com)