Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CP dự báo giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ hồi phục
28 | 04 | 2018
Theo báo cáo về tình hình chăn nuôi và các diễn biến trong sản xuất thủy sản tại Việt Nam, CP Foods (CPF) cho rằng các vấn đề căng thẳng trong chăn nuôi Việt Nam đang giảm nhẹ.

Hồi tháng 2 vừa qua, tập đoàn nông nghiệp Thái Lan này nhận định về các thách thức trong ngành kinh doanh thịt lợn tại châu Á, khi giá bán giảm xuống dưới giá thành sản xuất, đặc biệt là tại Việt Nam. Báo cáo quý 2/2018 về ngành thịt lợn của Rabobank cũng dự báo nguồn cung lợn tại Việt Nam sẽ tăng 4% lên 41,3 triệu con lợn trong năm 2018 và nhu cầu thịt lợn sẽ chạm mức 2,7 triệu tấn thịt hơi, đồng thời cho rằng hoạt động chăn nuôi công nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong quý 1/2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,4% và CPF cho rằng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2018. CPF là một trong những doanh nghiệp Thái Lan đầu tiên đầu tư vào Việt Nam thông qua Tập đoàn CP Việt Nam vào năm 1988 và kể từ đó đã trở thành nhà sản xuất khép kín các sản phẩm thực phẩm và công nghiệp nông nghiệp lớn tại Việt Nam.

CPF cũng cho rằng Việt Nam là thị trường rất quan trọng cho tăng trưởng của công ty này nhờ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu tăng tới hơn 20% so với năm 2017 nhờ Việt Nam đang có FTA với các nước châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, 60% dân số Việt Nam đang trong độ tuổi lao động và trở thành động lực tiêu dùng ổn định cho thị trường Việt Nam. Tất cả các yếu tố này mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của CPF tại Việt Nam.

Về ngành công nông nghiệp, CPF nhận định tình hình kinh doanh năm 2018 sẽ cải thiện so với năm 2017, đặc biệt tình hình dư cung thịt lợn kéo giá giảm sâu sẽ bớt căng thẳng. Hiện giá lợn sống đã tăng từ 20.000 VNĐ/kg hồi năm 2017 lên 38.000 – 40.000 VNĐ/kg hiện nay. Về măt hàng tôm, CPF dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng từ 690.000 tấn năm 2017 lên 830.000 tấn năm 2018 và 1,14 triệu tấn năm 2025, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới.

Với tầm nhìn trở thành “Bếp ăn của thế giới”, CPF đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang 16 nước, bao gồm hoạt động đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tôm rất gây chú ý tại Brazil gần đây. CPF cũng chỉ rõ các chiến lược tăng trưởng hướng đến gia tăng giá trị cho các sản phẩm bằng cách tập trung vào các sản phẩm thực phẩm chế biến và kinh doanh quốc tế, đặc biệt là tại các nước có tiềm năng cao và dân số trên 100 triệu người, như Việt Nam, Philippines và Ấn Độ.

Theo Feedstuffs (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường