Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biết vì người khác, sẽ chẳng ai quên mình
01 | 05 | 2018
Khi bắt tay xây dựng sự nghiệp, tôi không hề nghĩ đến lợi nhuận. Lại càng không bao giờ nghĩ rằng mình phải đạt được mục đích này mục đích nọ.

Kể cả bây giờ, khi đã được xem là thành công. Hơn 40 năm kể từ khi còn là anh cán bộ kỹ thuật, cho đến bây giờ, có thể coi là thành đạt. Ngẫm lại, mọi thứ đến với tôi theo lẽ hết sức ngẫu nhiên.

1. Gọi là ngẫu nhiên bởi vì những thành quả ngày hôm nay đều không hề bắt đầu từ mục đích cốt lõi của một người làm kinh doanh, đó là cố gắng tối đa hóa lợi nhuận.

Tôi là một người lính. Thế hệ chúng tôi khởi nghiệp không theo quy trình như bây giờ là “thành lập công ty, vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển”. Chúng tôi trở về từ chiến trường với ít nhiều xương máu đã nằm lại nơi đó. Tâm thế của những người còn sống được đã là may. Thành thử, nếu gọi là khởi nghiệp thì những người như tôi bắt đầu bằng khát vọng. Khát vọng của một người trẻ, của một người lính, của một người nông dân… Từ khát vọng đó, khát vọng được cống hiến, được xây dựng đã vô hình chung “triệt tiêu” tính toán, triệt tiêu mưu cầu lợi ích. Khát vọng thay cho đồng đội, đồng chí, những người không bao giờ trở về.

Ông Trần Mạnh Báo - TGĐ Thái Bình Seed

Hơn 40 năm trước, tôi, một cán bộ bình thường được tỉnh điều động xuống phụ trách một đơn vị ở Tiền Hải: Trại giống Đông Cơ thuộc công ty giống tỉnh. Đó là một cơ sở cũ nát, phơi trần ra hết những hạn chế của thời kỳ bao cấp. Một cơ sở trì trệ về nhận thức, hoang tàn về cơ sở vật chất, lại càng thê thảm hơn sau cơn bão đêm mồng 5 rạng sáng mồng 6/9/1986.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày, tháng, năm, thậm chí là giờ bởi nó gần như là một nỗi ám ảnh. Một trại giống lúa nhưng gần 100 con người không có nhà ở, không có gì ăn. Có lạ không nếu biết là từ năm 1966, Thái Bình đã có những cánh đồng 5 tấn, nhưng 20 năm sau, trên những cánh đồng bờ xôi ruộng mật ấy, trở nên buồn bã hơn, vẫn là những tháng ngày... không có gì ăn. Phải làm gì để cơ sở vật chất nâng lên? Làm gì để đất đai, con người được khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất và làm sao để người lao động thu nhập bằng chính sự sáng tạo mà họ mang lại? Làm gì để cho những cánh đồng màu mỡ không bị bỏ hoang, cỏ mọc…? Những câu hỏi ấy đã thôi thúc tôi suy nghĩ, để rồi nhận ra rằng, cái gốc của vấn đề chính là cơ chế quản lý. “Phải khoán sản phẩm đến người lao động”, trong đầu tôi lúc ấy luôn thường trực suy nghĩ ấy.

Thời điểm ấy không dễ gì người ta chấp nhận sự mới mẻ. Nghĩ thì lâu nhưng gặp phản đối lại rất nhanh. Nhiều người phản đối gay gắt. Họ cho rằng đề án sẽ “phá cơ chế Nhà nước", “triệt tiêu vai trò tập thể”… Khó khăn lắm. Nhưng trước đòi hỏi của thực tiễn, đề án vẫn được lựa chọn. Để rồi một năm sau đó, nhờ cái đề án nhiều tranh cãi ấy mà người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng tăng lên 40 kg/tháng. Trên diện tích 56ha của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987, trong 2 năm 1988 - 1989, công ty xóa bỏ chế độ tem phiếu. Năm 1988, chuẩn bị cho Nghị quyết số 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã về nghiên cứu mô hình trại giống Đông Cơ và khẳng định: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Trại giống lúa Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”.

Chúng tôi khởi nghiệp với một tâm thế như thế. Từ khi ấy, tôi luôn nghĩ: làm hết mình, hãy vì người khác và sống có trách nhiệm xã hội.

2. Thay đổi được cơ chế chỉ đáp ứng được điều kiện cần. Điều kiện còn lại là giống, hạ tầng.

Chúng tôi hì hụi quây ruộng làm khảo nghiệm, nghiên cứu. Đã từng có một ông Thứ trưởng mang học hàm giáo sư, khi về Đông Cơ, thấy chúng tôi nghiên cứu giống bèn hỏi: Các cậu làm gì thế? Dạ chúng em nghiên cứu giống. Ông ấy nói, rằng bao nhiêu viện nghiên cứu, bao nhiêu nhà khoa học người ta làm rồi, các cậu còn làm gì nữa? Dạ chúng em làm để biết “con đẻ ra nó là cái gì còn con của người khác bọn em chưa biết".

Với Thái Bình, giống là thành tựu. Nhưng thành tựu đó xuất phát từ triết lý kinh doanh: Của mình và trách nhiệm xã hội.

Khi ngồi vào ghế lãnh đạo Cty Giống cây trồng Thái Bình (nay là Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình - Thái Bình Seed), tôi phải mất 3 năm (từ 2000 đến 2003) chỉ để viết nên chiến lược phát triển của công ty. Không ai tư vấn được, kể cả chuyên gia nước ngoài. Có thể họ giỏi hơn mình, có thể phân tích để đưa ra những định hướng môi trường bên ngoài, nhưng môi trường, nguồn lực bên trong như thế nào thì họ không thể hiểu hết như mình được. Và chính chiến lược phát triển được viết trong 3 năm ấy đưa Thái Bình Seed lên vị trí hàng đầu trong ngành giống Việt Nam. Gần 20 năm, chiến lược phát triển của Thái Bình Seed vẫn dựa vào 3 trụ cột. Thứ nhất là trí tuệ con người, thứ hai là khoa học công nghệ, thứ ba là quan hệ hợp tác.

Thái Bình Seed luôn đặt vị trí con người lên số 1. Chúng tôi đã trải qua những giai đoạn “thay máu”, đổi mới nguồn lực con người, để bây giờ, 52% trong số hơn 300 người lao động của Thái Bình Seed có trình độ đại học trở lên. Bình quân tuổi đời chưa đến 35. Một doanh nghiệp nửa thế kỷ nhưng tuổi đời từng con người rất trẻ.

Con người là số 1, nhưng cốt lõi thành công là khoa học công nghệ. Chúng tôi thành lập phòng nghiên cứu phát triển rất sớm, sau đó là thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ - cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên trực thuộc doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng. Thái Bình Seed cũng là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc tham gia Hiệp hội giống Châu Á - Thái Bình Dương. Với trung tâm nghiên cứu rộng 152ha, chúng tôi tự hào đây là trung tâm bài bản nhất trong ngành giống cây trồng Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu tạo ra những giống mới, lai tạo giống, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của tất cả các đối tác từ trong nước đến quốc tế… Kết quả là bây giờ Thái Bình Seed có gần 20 giống bản quyền. Trong đó có những giống hợp tác với nước ngoài như Thái Xuyên 111, CNR36… Những bộ giống đáp ứng được tất cả các khung thời vụ, các yếu tố về tự nhiên, đất đai… được ra đời. Ví dụ TBR45 chịu mặn tới tám phần nghìn. TBR225 năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha, gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, còn BC15 thì quá nổi tiếng, diện tích gieo trồng mỗi vụ hàng vạn ha.

Về công tác bảo quản, Thái Bình Seed đã có nhà máy với 2 dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Nghiên cứu phát triển, chuyển giao và khuyến nông, có Phòng thử nghiệm quốc gia mã số VILAS 110 để thử nghiệm chất lượng giống...

Chiến lược ấy sẽ còn tiếp tục. Dự kiến đến năm 2020 Thái Bình Seed sẽ có phòng gen như các viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Trụ cột thứ ba là quan hệ hợp tác. Ngay từ đầu chúng tôi xác định phải mở cửa hợp tác, học tập bên ngoài chứ trong nước các doanh nghiệp Nhà nước giống nhau hết, không biết học ai. Tất cả các giống Thái Bình seed đều có nguồn gốc từ hợp tác.

3. Mỗi năm, có khoảng 20.000 tấn lúa giống mang thương hiệu Thái Bình Seed đến với nông dân. Điều cốt lõi là cái tâm thế, khát vọng, triết lý kinh doanh của chúng tôi vẫn thế.

Ông Trần Mạnh Báo: "Nhiều người nói tôi ham ra đồng đến mức nghiện"

Nhiều người nói tôi ham ra đồng đến mức nghiện. Là vì, ở những cánh đồng tôi nhìn thấy rõ nhất hình ảnh người nông dân, nhìn rõ nhất đất đai và tìm thấy ở đấy những quyết sách, chiến lược. Nền nông nghiệp chúng ta đã đổi mới hơn 30 năm, từ chỗ nước nhà còn thiếu lương thực, bị bao vây cấm vận nặng nề. Hiện nay, đất nước đang trong bối cảnh hội nhập và tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, với trình độ khoa học công nghệ đã khác thì suy nghĩ về sản xuất nông nghiệp cũng cần thay đổi.

Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải làm gì để người nông dân tin tưởng, thậm chí là yêu thích? Anh có hủy hoại môi trường không? Có đóng thuế đầy đủ không? Có mang lại lợi ích cho người nông dân để cùng họ phát triển, hội nhập không? Tôi nghĩ rằng, để trả lời những câu hỏi ấy thì không thể cứ nhăm nhăm vào mục tiêu lợi nhuận.

TRẦN MẠNH BÁO (TGĐ Thái Bình Seed)



Báo cáo phân tích thị trường