Thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng
ĐBSCL đang vào cao điểm phòng chống cháy rừng (PCCR), nắng hạn, xâm nhập mặn. 4 năm qua, sau vụ cháy rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ, ĐBSCL chưa xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào nhưng tình hình vẫn hết sức nóng bỏng vào mùa khô hạn. Toàn vùng có hơn 100.000 ha rừng có nguy cơ cháy “bất cứ lúc nào”. Trong khi đó, hạn hán, xâm nhập mặn đang gây nhiều thiệt hại cho đời sống và sản xuất của người dân…
Huy động tối đa nhưng...
Tỉnh Cà Mau hiện có 30.000 ha rừng cạn nước, trong đó 15.000 ha rừng tràm đến mức báo động cháy cấp V. Từ tháng 11/2006, các lâm-ngư-trường, ban quản lý rừng đặc dụng đã triển khai phương án PCCR.
Toàn cánh rừng U Minh Hạ huy động trên 4.500 người với 91 máy bơm nước, 41.200m dây dẫn nước, 105 vỏ lãi, xuồng máy, 130 chòi quan sát phục vụ PCCR.
Ngoài việc tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, 3 năm qua, tỉnh Kiên Giang “buộc” chủ rừng (lâm trường, hợp tác xã, trang trại trồng rừng) phải xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện và có phương án PCCR. Nếu không chủ rừng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy rừng và cháy lan sang rừng của đơn vị khác… Từ đó hiệu quả phòng chống cháy được nâng lên.
Ngoài việc đóng cửa rừng vào cao điểm khô hạn, Chi cục Kiểm lâm An Giang vừa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ PCCR, trên cơ sở sử dụng máy định vị GPS kết hợp với chương trình Mapinfo để cập nhật thông tin địa lý thu thập được từ thực địa.
Bản đồ dữ liệu chỉ huy chữa cháy rừng được xây dựng thành bản đồ số hóa, có đầy đủ các thông tin về các vùng trọng điểm cháy rừng, diện tích cháy, số lượng dụng cụ, lực lượng tại chỗ nơi xảy ra cháy, định vị các đường mòn trong rừng, hoặc đường nối từ rừng với đường trục chính mà bản đồ giấy không thể hiện được.
Qua đó tạo điều kiện tốt để ngành kiểm lâm tiếp cận và chữa cháy. Trong khi đó, vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đã thực hiện 4 đợt đốt đường băng cản lửa với diện tích 300 ha.
Dù rất chủ động PCCR nhưng tình hình vẫn hết sức căn thẳng, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lực lượng, phương tiện của ngành kiểm lâm các địa phương rất mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể như vùng lõi VQG U Minh Thượng có chưa tới 100 cán bộ, kiểm lâm quán xuyến hơn 8.000ha. VQG Tràm Chim chỉ 40 người canh giữ hơn 7.000ha…
Từ đó không thể kiểm soát được người dân, lâm tặc đốt đồng, vào rừng bắt chuột, bắt ong, khai thác cá đã gây nên hàng chục vụ cháy rừng mỗi năm. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, giá tràm xuống thấp, các chủ rừng trồng thực hiện qua loa, thậm chí không đầu tư bảo vệ rừng.
Tại vùng đệm VQG U Minh Thượng, vừa có 8 hộ dân tự đốt bỏ hơn 20ha rừng tràm sản xuất. Điều này rất dễ gây cháy lan sang các khu vực khác và vùng lõi. Việc tự ý khoan đê bao dẫn nước ngọt từ VQG ra ngoài canh tác đôi khi vẫn còn diễn ra…
Cắt vụ lúa, trồng màu
Hàng chục năm qua, vào mùa khô hạn, người dân xã Mỹ Đức (Hà Tiên) phải đổi nước ngọt về dùng.
Hơn 3 năm qua, 13.000ha lúa đông xuân nằm ngoài Quốc lộ 80 (phía biển) thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang không còn bị thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập.
Kết quả này có được từ sự chủ động của chính quyền huyện và ngành thủy lợi trong việc xây dựng và khai thác hiệu quả 21 cống, đập ngăn mặn giữ ngọt.
Mùa khô vừa qua, tỉnh Hậu Giang huy động 141 tỷ đồng phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó nhân dân đóng góp hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mùa khô 2007, chúng tôi nạo vét toàn bộ tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng còn lại của tỉnh để chủ động nước tưới cho nông dân sản xuất các vụ sau”.
Dự báo tình hình nắng hạn sẽ diễn ra nghiêm trọng, ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL đang quyết liệt khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ lúa xuân hè. Việc làm này nhằm hạn chế tối đa thiệt hại từ việc thiếu nước sản xuất và cắt đứt mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Thay vào đó là vận động nông dân chuyển đổi trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày trên nền đất lúa đông xuân sớm đã thu hoạch. Đối với diện tích không trồng màu được, nông dân nên cày ải, phơi đất để gieo sạ vụ hè thu.
Trong khi đó, tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt của nhân dân đang rất nghiêm trọng. Tại nhiều khu vực ở huyện Bình Đại (Bến Tre), thị xã Hà Tiên, quần đảo Nam Du, đảo Phú Quốc, các huyện biển tỉnh Sóc Trăng… người dân phải đổi nước ngọt dùng với giá đắt đỏ… Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng không cải thiện bao nhiêu.
Việc bảo vệ VQG U Minh Thượng được đặc biệt chú trọng.
Hiện tại, mực nước tại vùng lõi còn 20-28cm, trong vòng 2 tháng nữa sẽ cạn nước. Giám đốc VQG U Minh Thượng Nguyễn Văn Hưởng cho biết: “4 năm qua, VQG không xảy ra cháy. Diện tích rừng bị cháy năm 2002 đã phục hồi hơn 96%. Việc giữ nước dưới chân rừng vào mùa khô được thực hiện nghiêm ngặt. Tại vùng lõi thường xuyên có 4 đội tuần tra cơ động được trang bị đầy đủ phương tiện trực canh lửa, bảo vệ rừng 24/24 giờ. Vùng đệm thuộc 2 xã An Minh Bắc (huyện An Minh) và Minh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) huy động trên 200 người sẵn sàng bảo vệ rừng |