Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Internet
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Hiện các nhà máy chế biến hạt điều trong nước đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguyên liệu. Phần lớn các nhà máy đã bán hết nhân điều trong 5 tháng đầu năm, lượng nhân điều cho xuất khẩu không còn nhiều.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6, xuất khẩu hạt điều đạt 159,3 nghìn tấn, trị giá 1,555 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Về diễn biến giá: Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều trong nửa đầu tháng 6/2018 đạt 9.072 USD/tấn, giảm 3,5% so với nửa đầu tháng 5/2018 và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam hiện chỉ còn 4,1 - 4,3 USD/pound, thấp hơn nhiều so với mức giá cao nhất 5,1 - 5,3 USD/pound cùng kỳ năm 2017.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo: Giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới do nhu cầu cuối năm tăng và nguồn cung hạn hẹp. Theo yếu tố chu kỳ, quý III và quý IV là thời điểm các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua nhân điều để phục vụ nhu cầu tăng cao trong những tháng cuối năm.
Đề cập xung quanh vấn đề phát triển ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều Việt Nam, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trong 30 năm qua, ngành điều đã vươn lên thành một ngành mũi nhọn trong nông sản với tổng sản lượng chế biến năm 2017 đạt 353.000 tấn, trị giá xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Theo đó, về khu vực trồng trọt, đây là cây công nghiệp duy nhất đã bị giảm diện tích, từ mức 440.000 ha vào năm 2008 đến nay chỉ còn 300.000 ha. Bên cạnh đó, xét về mặt năng suất và hiệu quả kinh tế thì cây điều đang là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập không cao cho bà con nông dân. Nếu không khắc phục được vấn đề này, diện tích trồng điều sẽ tiếp tục suy giảm, khi đó Việt Nam sẽ phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.