Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường thủy sản tháng 6/2018
29 | 06 | 2018
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 732 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Các thị trường chính là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 52,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (tăng 63,1%), Đức (tăng 27,7%), Hồng Kông (tăng 23,6%), Trung Quốc (tăng 18,7%), Anh (tăng 18,2%) và Thái Lan (tăng 18,1%). Trong tháng 6/2018, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng nhẹ cụ thể: tại Cà Mau, giá tôm sú loại 20 con/kg đạt 246.000 đồng/kg tăng 6.000 đồng/kg so với tháng trước; loại 40 con/kg đạt 139.000 đồng/kg tăng 9.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân do giá tôm nguyên liệu thế giới tăng nhẹ từ 0,15- 0,39 USD/kg so với tháng trước đồng thời nhiều doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu mới đã được ký kết.

Giá cá tra nguyên liệu vẫn tiếp tục ở mức cao 30.000 -32.000 đồng/kg. Trái lại, giá cá tra giống ở khu vực ĐBSCL giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi một số vùng nuôi đã qua đợt cao điểm thả nuôi. Hiện cá tra giống loại 30 con/kg chỉ còn có giá từ 26.000-30.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với tháng 5/2018.

Xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi từ ngày 1/7/2018 sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... do thói quen tiêu dùng thực phẩm thủy sản và đã được kiểm dịch an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7% sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Trong thời gian tới nhiều dự báo xuất khẩu thủy sản (tôm, cá tra) sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản hai nước đã đề nghị Hải quan cửa khẩu Hà Khẩu cải tiến cách thức thông quan hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu này thuận tiện để tận dụng kết cấu hạ tầng đã được hai nước đầu tư (đường giao thông vành đại Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh và hệ thống chợ đầu mối) nhằm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đến với thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) nói chung và thủy sản nói riêng được thuận lợi, không phải nhập qua hàng hóa của các cửa khẩu khác (Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây) dẫn đến đội giá nhập, giá bán cao.

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm. Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này (Hiện Tổng cục Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì xây dựng thương hiệu tôm và cá tra theo Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế”. Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu tôm Việt Nam tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018).

Cần lưu ý:

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có tỷ trọng cao và có xu hướng tăng trong thời gian qua. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2018 Trung Quốc sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, ngành thủy sản cần lưu ý vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ở mức cao để không bị ảnh hưởng đến các thị trường truyền thống khác như Mỹ, EU.

Nguồn: IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường