Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương mại thịt lợn thế giới ngày càng phức tạp và cạnh tranh hơn
04 | 07 | 2018
Theo báo cáo mới nhất của Rabobank, thương mại thịt lợn toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, trở nên ngày càng phức tạp và cạnh tranh mạnh hơn.

Bản đồ thịt lợn thế giới của Rabobank cho thấy sản xuất và tiêu dùng và mức độ của các luồng thương mại thịt lợn lớn nhất trên thế giới, cho thấy các luồng thương mại tiếp tục thay đổi cho cả các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu. Các nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới – EU, Mỹ, Canada và Brazil – đang cạnh tranh mạnh hơn trên cùng các thị trường. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm lớn nhất thế giới. Các thị trường châu Á khác cũng đang tăng nhu cầu nhập khẩu thịt lợn cả về lượng và chủng loại. Từ năm 2014, Nga không còn nằm trong danh sách nước nhập khẩu thịt lợn và trong tương lai có thể bắt đầu cạnh tranh trên thị trường thế giới trong vị thế nước xuất khẩu.

Thương mại thịt lợn ngày càng tăng trưởng, phức tạp và cạnh tranh hơn

Thương mại thịt lợn toàn cầu đạt 8,3 triệu tấn trong năm 2017, và về giá trị đạt hơn 18 tỷ Euro, chỉ chiếm 7,5% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2017. Bốn nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới (EU, Mỹ, Canada và Brazil) chiếm 91% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới, không tính đến thương mại nội khối EU. Từ năm 2010, thương mại thịt lợn thế giới đã tăng hơn 37%, bất chấp suy giảm nhẹ trong năm 2017 do giảm nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc. Thương mại thịt lợn thế giới chủ yếu là các sản phẩm đông lạnh.

Trong những năm gần đây, các luồng thương mại không chỉ thay đổi về lượng mà chủng loại sản phẩm và tiêu chí chất lượng cũng đang mở rộng, nhằm đáp ứng những thay đổi trong thói quen tiêu dùng vốn khác nhau giữa các thị trường và do hầu hết các nước nhập khẩu đều đang phát triển các mô tả sản phẩm cụ thẻ, phụ thuộc vào những tiêu chí họ cần đối với nguyên liệu thô nhập khẩu nên các nhà cung cấp phải thích ứng với các yêu cầu ngày càng phưc tạp từ phía khách hàng.

Các nhà xuất khẩu thịt lợn tập trung vào châu Á

Các luồng thương mại tới châu Á thống trị thương mại thịt lợn thế giới trong những năm gần đây. Sau thiệt hại do mất thị trường Nga vào năm 2014, các nhà xuất khẩu thịt lợn Bắc Mỹ và châu Âu lạc quan trước nhu cầu tăng lên tại châu Á. Năm 2017, gần 60% xuất khẩu thịt lợn của các nhà xuất khẩu này đến Đông Á, so với tỷ trọng 40% trong năm 2010. Trong Đông Á, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng nhất về lượng, tiếp theo là Nhật Bản, mặc dù giá trị nhập khẩu thịt lợn của Nhật bản vượt Trung Quốc.

Trung Quốc đang nhập khẩu hàng loạt các sản phẩm thịt lợn

Các sản phẩm thịt giá trị thấp, như thịt lợn nạc và vai, dần tăng thị phần trên thị trường Trung Quốc từ năm 2015. Nhu cầu đối với các sản phẩm chất lượng cao và các sản phẩm được tiếp thị trên thị trường là đáp ứng an toàn thực phẩm cũng đang tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Từ năm 2010 đến năm 2016, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng gấp đôi và đạt mức cao kỷ lục 2 triệu tấn trong năm 2016, chiếm 25% thương mại toàn cầu. Trước đây, Trung Quốc chỉ nhập khẩu nội tang nhưng hiện tỷ trọng của nội tạng trong nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn của Trung Quốc chỉ còn khoảng 50%.

Năm 2017, EU chiếm thị phần khoảng 60% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, và trong các nước thành viên, Đức và Tây Ban Nha dẫn đầu thị phần tại Trung Quốc, lần lượt đạt 15% và 13%. Canada và Mỹ mỗi nước chiếm khoảng 12% thị phần trên thị trường thịt lợn nhập khẩu tại Trung Quốc. Các công ty thịt không tiếp cận trực tiếp được thị trường Trung Quốc đại lục, đã sử dụng các thương nhân tại Hong Kong để tiếp cận thị trường đại lục (11% kim ngạch nhập khẩu thịt lợn Trung Quốc đi theo tuyến này). Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể biến động trong những năm tới, phụ thuộc vào nguồn cung nội địa và diễn biến nhu cầu.

Cạnh tranh trong thương mại thịt lợn dự báo tăng

Cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu thịt lợn sẽ tăng để chiếm lĩnh các phân khúc thị trường tốt nhất. Hơn bao giờ hết, tối đa hóa giá trị của tất cả các sản phẩm sẽ là chìa khóa sinh lời cho các công ty. Các nhà xuất khẩu sẽ phải đa dạng hóa thị trường để đảm bảo doanh số và phản ứng kịp thời trước những thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các công ty xuất khẩu cũng sẽ phải có nhiều sáng tạo, đổi mới marketing và vận chuyển để thu hút người mua. Trong khi đó, các nước nhập khẩu đều đang nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp nên tạo ra các quan hệ đối tác mạnh mẽ và thích ứng sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng có thể phần nào giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn hoặc ít nhất là kiểm soát biến động giá tốt hơn.

Ngoài ra, thương mại thịt lợn đang ngày càng trở nên phức tạp. Các vấn đề chính trị, như cuôc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, và các vấn đề thú y sẽ tiếp tục tác động tới thương mại.

Theo Rabobank (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường