Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thủy sản khó tiết kiệm năng lượng vì “hiện đại thì hại điện”
15 | 11 | 2018
Dự thảo thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản sắp ban hành khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khó khả thi vì dây chuyền công nghệ càng hiện đại thì tiêu hao điện năng càng nhiều.

Ngày 15.11 tại TP.HCM, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV thuộc Bộ Công Thương) tổ chức buổi tham vấn ý kiến về doanh nghiệp về dự thảo Thông tư trên.

Chế biến thủy sản là ngành tiêu tốn nhiều điện năng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chương trình dự thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức nhằm thiết lập định mức tiêu thụ điện cho từng sản phẩm thủy sản đông lạnh (TSĐL). Cụ thể áp dụng cho 2 tiểu ngành cá tra và tôm nước lợ.

Lý do chọn tôm và cá tra vì đây là 2 tiểu ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn và có tiềm năng phát triển cao. Các xí nghiệp của 2 tiểu ngành này có mức độ chuyên môn hóa và quy mô tương đối lớn, lại được quản lý sản xuất tốt, thiết bị lạnh thường được trang bị tốt hơn so với các xí nghiệp khác.

Thông tư sẽ thiết lập định mức tiêu thụ điện cho 2 tiểu ngành cá tra và tôm nước lợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo đánh giá của Vụ TKNL&PTBV, chế biến thủy sản là ngành có tổng lượng tiêu thụ điện năng rất lớn. Khảo sát tại 10 xí nghiệp cá tra đông lạnh và 9 xí nghiệp tôm nước lợ đông lạnh, tổng tiêu thụ điện 2 tiểu ngành đạt 1.018 triệu kWh. Trong khi tiềm năng tiết kiệm điện 2 tiểu ngành này cao; 41% đối với cá và 67% đối với tôm. Những con số này cho thấy việc sử dụng năng lượng điện hiện nay chưa hiệu quả.

Đối với cả cá và tôm, phần lãng phí do điều hành sản xuất, vận hành thiết bị là lớn nhất. Đối với cá tra, 65% điện lãng phí là do điều hành sản xuất, vận hành bảo dưỡng thiết bị và do chạy non tải. Tương tự với tôm là 59%.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty chế biến cá tra Gò Đàn, dự thảo thông tư chưa đề cập cụ thể đến các doanh nghiệp có đầu từ nhiều loại dây chuyền máy móc. Máy móc càng nhiều, càng hiện đại thì giảm được chi phí công lao động nhưng tiêu tốn điện năng cũng nhiều hơn.

Kết quả thu được từ 2 tiểu ngành này có thể áp dụng hoặc làm mức phấn đấu cho các xí nghiệp khác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các doanh nghiệp ngành thủy sản chuyển biến rất mạnh từ chế biến thủ công sang đầu tư công nghệ. “Mục tiêu tiết kiệm điện là tốt nhưng việc đặt ra những định mức như thế có là rào cản cho việc doanh nghiệp đầu tư thiết bị? Khi ban hành, thông tư có kêu gọi hầu hết các doanh nghiệp thủy sản khác đồng tình hay không cũng là việc cần tính kỹ”, ông Nghĩa lo ngại.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Phú cũng cho biết các nhà máy của công ty này đều sử dụng công nghệ mới nhất để tiết kiệm điện. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thô chỉ tiêu tốn năng lượng ở khâu đông lạnh. Do đó, ông Quang đề nghị thông tư của Bộ Công Thương cần tính tới mức tiêu hao năng lượng cho từng mặt hàng cụ thể.

Một số doanh nghiệp tỏ ra e ngại thông tư khó khả thi vì đầu tư máy móc thường gắn liền tiêu tốn điện năng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Nguyễn Hoài Nam  - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có 2 mối quan ngại chính của các doanh nghiệp hội viên về dự thảo. Một là các đợt thanh kiểm tra liệu có phát sinh từ các thông tư, quy định khiến doanh nghiệp cảm thấy phiền hà.

“Thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Phát triển công nghệ tăng thì chi phí điện cũng tăng. Thông tư liệu có hạn chế khả năng đầu tư của doanh nghiệp? Các lo ngại này của doanh nghiệp là chính đáng”, ông Nam thừa nhận.

Một mối lo khác nữa là các đợt thanh kiểm tra có phát sinh sau khi ban hành thông tư khiến doanh nghiệp bị phiền hà. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNT&PTBV cho biết trong quá trình xây dựng nội dung, Ban soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng với các tiêu chí thống nhất và mục tiêu là đảm bảo tính khả thi khi thông tư ban hành.

Thông tư chia ra làm 2 giai đoạn áp dụng. Giai đoạn 2, ngưỡng quy định giảm xuống thấp hơn giai đoạn 1. Sẽ có khoảng 34% cơ sở sẽ bị ảnh hưởng khi  thông tư ban hành và có lộ trình để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Bộ Công Thương cho rằng thông tư ban hành trước hết là để doanh nghiệp đạt hiệu suất cao mà vẫn tiết kiệm năng lượng, sau là để giảm bớt áp lực cho lưới điện quốc gia. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Sau năm 2025 mới xử phạt theo chế tài. Thông tư ban hành trước hết là để doanh nghiệp đạt hiệu suất cao mà vẫn tiết kiệm năng lượng, sau là để giảm bớt áp lực cho lưới điện quốc gia chứ không phải để làm khó nhau”, ông Vũ chia sẻ.

Dự thảo thông tư điều chỉnh trong giai đoạn đến hết năm 2025 và  2026 – 2030 đối với nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở chế biến cá da trơn và tôm có quy mô từ 300 tấn/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 5 của thông tư quy định giai đoạn đến hết 2025, mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho cá da trơn là 1.050 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương.

Giai đoạn 2026 – 2030, định mức tiêu hao năng lượng cho sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 1.625 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương.

Dự kiến thông tư sẽ ban hành vào tháng 12.2018.

Theo NTNN



Báo cáo phân tích thị trường