Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công ty Lâm nghiệp còn thiếu cơ chế quản lý phù hợp
23 | 08 | 2007
Tìm hiểu thực trạng việc sắp xếp và hoạt động của các lâm trường quốc doanh theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh (NĐ200), các lâm trường quốc doanh trong cả nước được sắp xếp và tổ chức lại thành các Ban quản lý rừng hoặc các Công ty Lâm nghiệp (Cty LN) trên cơ sở rà soát lại diện tích đất đai, diện tích rừng được giao và lập phương án tổ chức hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Đối với những Lâm trường đang quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ có diện tích trên 5000 ha trở lên, rừng đặc dụng có diện tích từ 1000 ha trở lên thì chuyển thành các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Những lâm trường đang quản lý chủ yếu là rừng trồng sản xuất, đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất và quản lý rừng sản xuất chủ yếu là rừng tự nhiên có quy mô diện tích tập trung thì tổ chức lại thành các Cty LN trên cơ sở phương án sản xuất, kinh doanh mới (từ trồng, chăm sóc bảo vệ, phát triển rừng, khai thác gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản). Đến cuối năm 2006 hầu hết các địa phương có rừng và các Tổng Cty nhà nước đã xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để tìm hiểu thực trạng các Cty LN trong quá trình sắp xếp và đổi mới, vừa qua Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hứa Đức Nhị và lãnh đạo Ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tạp chí Nông nghiệp và PTNT đã có chuyến khảo sát tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Qua báo cáo của các địa phương và tìm hiểu thực tế tại một số lâm trường cho thấy, việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Một số tỉnh tuy đã chuyển đổi các lâm trường thành các Cty LN nhưng chưa thể hiện sự thay đổi về chất thực sự tạo ra yếu tố mới thúc đẩy phát triển. Đối với các Cty LN được giao phần lớn diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì chưa nắm được chi tiết tài nguyên rừng hiện có, phương án điều chế rừng được xây dựng một cách chung chung mang tính ước lệ, giống nhau về chu kỳ khai thác, sản lượng khai thác/ha…., nặng về lý thuyết, trong khi yếu tố quản lý, tổ chức sản xuất và xã hội chưa cụ thể để đảm bảo đổi mới và phát triển bền vững.

Một yêu cầu pháp lý quan trọng, đảm bảo cho các Cty LN triển khai các hoạt động kinh doanh đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất được giao, nhưng hầu hết các Cty LN đều chưa được cấp Sổ đỏ, lý do chính là vì các Cty này chưa có có kinh phí để chi trả cho việc đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất và lập hồ sơ do các cơ quan thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Về sản xuất kinh doanh, đối với một số Cty được giao quản lý phần lớn diện tích rừng sản xuất là rừng trồng thì hoạt động là tương đối thuận lợi, do các quy định về thủ tục khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ rừng trồng, thuế tài nguyên khá phù hợp, thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng đang phát triển mạnh…, nên có điều kiện tích luỹ để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong khi các Cty LN được giao phần lớn diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên lại đang gặp khó khăn, rừng bị “đóng cửa” không được phép khai thác, một số Cty được phép khai thác nhưng theo hạn mức chứ không theo năng lực rừng như trong phương án điều chế đã xây dựng. Một số Cty LN, sản lượng khai thác ra chỉ được hưởng phần chi phí đầu tư khai thác, phần còn lại được kết cấu vào các hạng mục thuế tài nguyên, thuế doanh nghiệp… và nộp vào ngân sách địa phương. Một trong những yếu kém của những Cty LN hiện nay là thiếu tự chủ, kinh doanh không đầy đủ, không tạo được vốn tự có, vốn rừng chưa trở thành vốn của doanh nghiệp. Muốn duy trì hoạt động, Cty phải lập kế hoạch tài chính đề nghị các sở, ban ngành phê duyệt mới được cấp kinh phí. Để phát triển sản xuất kinh doanh, các Cty cần phát triển trồng rừng sản xuất nhưng lại không thể vay được vốn từ Ngân hàng Hỗ trợ phát triển, lý do là các Cty LN chưa có Sổ đỏ thế chấp hoặc do dự án trồng rừng có mức độ rủi ro cao, không có vốn tại chỗ dù chỉ là đối ứng….Từ thực tế cho thấy phần lớn các Cty LN chưa thực sự được tự chủ, chưa có môi trường phù hợp tạo sự năng động cho các Cty phát triển.

Làm việc với Lãnh đạo UBND và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị lưu ý, việc duy trì cơ chế quản lý lâm trường đối với các Cty LN hiện nay là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ việc sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh, yêu cầu Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp và Cục Lâm nghiệp nghiên cứu ngay và có đề xuất tháo gỡ cụ thể. Về phía địa phương, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh chủ động tháo gỡ những vướng mắc cho các Cty LN, đặc biệt về cơ chế quản lý tài chính, cần khắc phục cơ chế quản lý lâm trường lâu nay (đã không tạo cho các lâm trường được tự chủ về tài chính, kinh doanh) nếu vượt thẩm quyền của tỉnh thì UBND các tỉnh nghiên cứu đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh cho phù hợp; cần xây dựng thí điểm về mô hình Cty LN có sự đổi mới một cách chi tiết, từ tổ chức bộ máy, phương án sản xuất kinh doanh đến phương án điều chế rừng; đồng ý cho triển khai thí điểm ở một số Cty được khai thác gỗ rừng tự nhiên theo năng lực rừng nhưng phải xây dựng phương án điều chế chi tiết, đảm bảo tính khả thi và giao Cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan của Bộ thẩm định, kiểm tra, giám sát việc triển khai ở các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát lại những quy định về quản lý lâm sản, quản lý rừng để tăng tính tự chủ hơn nữa cho các Cty LN, giao Cục Lâm nghiệp nghiên cứu và báo cáo lãnh đạo Bộ. Về kinh phí cho bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo ở những nơi khó khăn do các Cty quản lý theo quy định tại NĐ 200 không thuộc nguồn kinh phí của Dự án 661, do vậy Sở Nông nghiệp và PTNT cần lập kế hoạch tài chính gửi Sở Tài chính đề nghị cấp trực tiếp, nếu không thể cân đối được, UBND tỉnh cần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; giao cho Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương có văn bản của Bộ gửi Bộ Tài chính về vấn đề này.

Thứ trưởng cũng đã khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên nên quan tâm tới phát triển trồng rừng kinh tế, cần chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương nhưng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cần tính tới phát triển những loài cây sinh trưởng nhanh, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, sớm thu hồi vốn; về quỹ đất giành cho phát triển trồng rừng, ngoài những diện tích đất trống hiện nay, các tỉnh cần nghiên cứu cải tạo những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phát triển thành rừng để trồng lại rừng, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về tiêu chí rừng tự nghèo kiệt được phép cải tạo cho phù hợp với đặc thù của địa bàn các tỉnh Tây Nguyên theo đề nghị của các địa phương; để phát triển trồng rừng, các tỉnh cần quan tâm tới phát triển thị trường gỗ rừng trồng. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thị trường này chưa đủ sức thu hút đầu tư của các Cty, các hộ gia đình tham gia trồng rừng, do vậy các tỉnh nên nghiên cứu cơ chế chính sách để xây dựng quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn, trước mắt tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở hiện có, duy trì ổn định và phát triển, làm nòng cốt nhân ra diện rộng đáp ứng nhu cầu để phát triển chung cho địa bàn.



(Nguồn: Văn phòng Bộ NN&PTNT)
Báo cáo phân tích thị trường