Áp lực cạnh tranh lớn khi CPTPP có hiệu lực
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các thương hiệu sữa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt về giá với các đối thủ ngoại ngay trên chính sân nhà. Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.
Một vấn đề lớn khác là người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, gia tăng nhận thức về các sản phẩm dinh dưỡng. Điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa chua, sữa nước cao cấp (organic, sữa A2) và các loại sữa thay thế từ thực vật (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa macca) ngày càng gia tăng. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ sữa hoàn nguyên lại giảm.
Tuy nhiên, dòng sản phẩm sữa cao cấp hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng sản lượng sữa cung ứng toàn ngành. Trong khi đó, 70% sản lượng sữa nước sản xuất tại Việt Nam hiện nay là từ sữa hoàn nguyên truyền thống, với giá trị dinh dưỡng thấp hơn nhiều các loại sữa tươi nguyên chất.
Theo VDSC, các công ty sẽ mất nhiều thời gian để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Hơn nữa, nếu sự chuyển dịch cao cấp hóa dòng sản phẩm này diễn ra chậm hơn so với dự kiến, tổng sản lượng sữa tiêu thụ toàn ngành sẽ tiếp tục giảm, VDSC dự đoán.
Ngoài ra, ngành sữa cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro nhu cầu tiêu thụ sữa động vật và sữa bò tiếp tục giảm.
|
Sang năm 2019 khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngành sữa sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Nguồn: AP. |
Vì sao ngành sữa năm 2018 giảm tốc?
Gần đây, nhu cầu tiêu dùng sữa có xu hướng giảm. Một vài ý kiến cho rằng đây là chỉ báo cho thấy ngành sữa đã đạt tới ngưỡng bão hòa, không thể tăng trưởng.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng nhu cầu tiêu dùng sữa tại Việt Nam đang phân hóa khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang tiêu dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồ uống có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, người tiêu dùng gia tăng tiêu thụ các dòng sữa cao cấp, sữa chua và sản phẩm sữa thay thế từ thực vật. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện tại ở các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Một nguyên nhân khác khiến ngành sữa giảm tốc là việc giảm tiêu thụ sản phẩm “sữa hoàn nguyên” truyền thống vốn có sản lượng cung ứng cao nhất, nhưng giá trị dinh dưỡng mang lại khá thấp.
Dư địa tăng trưởng lớn
Theo đánh giá của VDSC, dư địa tăng trưởng của ngành sữa trong dài hạn vẫn khá tích cực. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ vào khoảng 26 lít/năm so với Thái Lan (35 lít/năm) hay Singapore (45 lít/người). Đồng thời, các yếu tố về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ cùng thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sữa trong dài hạn.
Cùng với đó, nắm bắt xu hướng tăng trưởng của ngành, các doanh nghiệp chế biến sữa tại Việt Nam đang tiến hành mở rộng trang trại bò sữa để tăng tỷ lệ tự chủ nguồn cung. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành có thể kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu sữa đầu vào, giảm ảnh hưởng từ sự biến động giá nguyên liệu trên thế giới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng “khắt khe” của thị trường.
Nguồn: ndh.vn