DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gặp nhiều rào cản
Theo khảo sát “Thách thức tăng trưởng của DNNVV” của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), 68% DNNVV Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Đặc biệt, có tới 20% các DNNVV Việt Nam sở hữu tốc độ tăng trưởng trên 50% trong 3 năm qua. Đây là con số rất ấn tượng, bởi chỉ có 39% các DNNVV trên toàn cầu và 44% ở khu vực ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20%.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển”, ông Tăng Ngọc Trường An - Chủ tịch của Ibosses Việt Nam - lại cho rằng, mặc dù đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng song các DNNVV tại Việt Nam đang phải đối diện với không ít các rào cản trong quá trình phát triển. Cụ thể: theo Báo cáo bảng xếp hàng điều kiện kinh doanh của 54 quốc gia, Việt Nam đang dẫn đầu ở các chỉ số: năng động ở thị trường nội địa (5/54), văn hóa chuẩn mực xã hội (6/54), cơ sở hạ tầng 10/54… song lại đang lép vế ở các chỉ số: tài chính (39/54), giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54), chuyển giao công nghệ (34/54)… “Như vậy, Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề cần giải quyết là tài chính và công nghệ” - Chủ tịch của Ibosses Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho biết thêm, trên thực tế, các startup hiện đang tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vô cùng khó khăn, bởi bản thân ngân hàng cũng là DN, họ cần tuân thủ các quy định và cơ chế thị trường. Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến, trong khi đầu tư cho khởi nghiệp lại rủi ro cao, khi xảy ra sự việc mất vốn vay thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề.
Chia sẻ thêm về những vướng mắc DN đang gặp phải, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, yếu tố giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thành công không chỉ có nguồn vốn mà còn là kinh nghiệm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của các DN khởi nghiệp sáng tạo là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và không đúc rút được kinh nghiệm từ những thất bại. Bởi vậy, tư duy của DN phải thay đổi, phải biết chấp nhận rủi ro và tăng cường bổ sung những kiến thức về thị trường.
Bài học từ các DN thế giới cho thấy, có 5 nhân tố khiến các startup thất bại, bao gồm: không sẵn sàng chấp nhận rủi ro; không dành đủ thời gian và công sức cho DN; thiếu kỹ năng quản trị điều hành; thiếu kiến thức về khởi nghiệp và thị trường. Dẫn kết quả khảo sát về vấn đề này của châu Âu, TS. Cấn Văn Lực cho biết, 85% DN khởi nghiệp huy động nguồn vốn của chính mình, người thân và bạn bè, sau đó đến các quỹ đầu tư. Như vậy, tiếp cận vốn không phải vấn đề chính của các startup, mong muốn lớn nhất của họ là giảm bớt thủ tục hành chính về khởi nghiệp sáng tạo, tiếp đó là giảm thuế, huy động vốn từ các quỹ đầu tư thay vì từ ngân hàng.
Cần những chiến lược hiệu quả về vốn, công nghệ và quản trị
Với kinh nghiệm về tư vấn chính sách, ông Sharath Martin - Chuyên gia của ACCA khu vực ASEAN, Australia và New Zealand - đánh giá, việc hình thành ý tưởng kinh doanh và ra đời được DN là thành công bước đầu của mỗi một DN khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng hơn, sau giai đoạn bước đầu đó, DN cần phải có những chiến lược hiệu quả để mở rộng quy mô, cụ thể:
Trước hết, lãnh đạo DN phải xây dựng được văn hóa tăng trưởng trong toàn DN. Khi người lao động chia sẻ và cam kết thực hiện theo mục tiêu và tầm nhìn của DN, họ thường sẽ xem tương lai của DN như là tương lai của chính mình. Vì vậy, DN cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng gắn với xây dựng văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp.
Tiếp đó, DN cần thiết lập một khung quản trị tốt ngay từ khi khởi đầu hành trình kinh doanh để phát triển bền vững, cũng như có khả năng ứng phó linh hoạt trước những biến động rủi ro của thị trường. Ngoài ra, DN cần tiếp tục phát triển đội ngũ quản lý song song với sự phát triển kinh doanh, tích hợp tài chính vào chiến lược tăng trưởng.
Đặc biệt, DN cần tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc áp dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp DN có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN.
Cuối cùng, DN phải xây dựng một mạng lưới nguồn vốn bên ngoài thay vì coi ngân hàng là thực thể duy nhất cấp vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ thêm về việc huy động vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhưng không phải “cứ thiếu tiền là nghĩ đến ngân hàng”. Các DN không nên quá dựa vào nguồn vốn từ NSNN, bởi những nguồn vốn này có hạn, chỉ có ý nghĩa là những nguồn vốn mồi, không thể đồng hành với DN trong suốt quá trình hoạt động. Thay vào đó, các DNNVV khởi nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường vốn, các định chế tài chính, công ty tài chính…
Hiện nay, Việt Nam có không ít các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, nhưng đội ngũ khởi nghiệp lại chưa thật sự chú ý và tận dụng nguồn lực này. Quan trọng hơn, Việt Nam đang có 70 quỹ đầu tư mạo hiểm, đây mới là nguồn vốn chính. Ngoài ra, Nhà nước cần sớm có hành lang pháp lý để cho vay ngang hàng phát triển, đây là kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo. Hơn nữa, bản thân những DNNVV khởi nghiệp cũng thích tiếp cận các nguồn vốn cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh, mặc dù mức lãi suất sẽ cao hơn.
Nhất trí với nhận định trên, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, vai trò của các nguồn quỹ, các nhà đầu tư hiện nay là rất quan trọng. Nhiều nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi muốn tìm kiếm các dự án khả thi, có tiềm năng để đầu tư với mong muốn cho ra đời những sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định nhiều nội dung hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như: hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ… Đây là sự hỗ trợ rất cần thiết về cơ chế, chính sách dành cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019