Ấn Độ đang lên kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêu thụ cà phê để cải thiện tình trạng hiện tại của người nông dân trên toàn cầu, những người phải chịu thiệt hại tài chính nặng nề do giá cà phê giảm và chi phí lao động tăng vọt.
Những người nông dân trồng cà phê trên toàn cầu đang trong tình trạng ngày càng lỗ vốn và trở nên nghèo đói.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trên thế giới hiện có 25 triệu nông dân trồng cà phê, trong đó có hơn 3 triệu dân ở Ấn Độ sản xuất cà phê ở 60 khu vực khác nhau. Hơn 90% người nông dân là các hộ sản xuất qui mô nhỏ và buộc phải bán cà phê với giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất.
Tình trạng này đã dẫn đến các vấn đề kinh tế xã hội. Những hộ gia đình canh tác cà phê ngày càng lún sâu vào các khoản nợ. Nhiều người thậm chí đã từ bỏ trang trại và di cư đến các thành phố.
Để các nhà sản xuất cà phê thế giới, gồm cả người dân Ấn Độ, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này, Diễn đàn các nhà sản xuất cà phê thế giới lên kế hoạch tiếp cận các nước tiêu thụ cà phê trên toàn cầu.
Ấn Độ là nước tiên phong của chiến dịch này, quốc gia có mức tiêu thụ nội địa hơn 5 triệu bao (60 kg/bao) mỗi năm, sẽ khởi động chiến dịch tiêu thụ cà phê trong 5 năm với sự hợp tác của các nhà máy rang xay hàng đầu thế giới bao gồm công ty Nestle và Starbucks, những chuỗi cafe, các bên liên quan và chính phủ Ấn Độ.
Trong bài phỏng vấn với báo The Hindu, ông Anil Kumar Bhandari, Chủ tịch của Coffee Trust Ấn Độ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khu vực tư nhân của ICO cho biết một tổ chức đặc biệt sẽ được thành lập để thực hiện chiến dịch cà phê toàn quốc này. Nguồn tài trợ của chiến dịch đến từ các nhà máy rang xay trên thế giới trong khi đó ICO sẽ đóng vai trò xúc tác.
Chiến dịch này huy động nguồn nhân lực khoảng 450 triệu người, chủ yếu là học sinh và sinh viên đại học ở Ấn Độ. Carlos Brando, người điều hành nhiều dự án cà phê ở hơn 50 quốc gia, gồm cả chiến dịch cà phê nổi tiếng của Brazil đã thúc đẩy đáng kể mức tiêu thụ của quốc gia này năm 1990, sẽ tham gia tích cực vào chiến dịch của Ấn Độ bắt đầu vào giữa năm 2020.
Vấn đề cung cầu
Cán cân cung cầu trên thị trường cà phê thế giới đang mất ổn định. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá giảm. Tăng mức tiêu thụ là giải pháp duy nhất để cải thiện tình trạng này và nhờ đó nhu cầu hàng hóa trên thị trường toàn cầu sẽ tăng lên.
Chiến dịch này bắt đầu với việc nhập khẩu nguồn cà phê dư thừa từ Brazil, Colombia và Việt Nam với điều kiện chính phủ Ấn Độ miễn thuế nhập khẩu cà phê ở mức 105%, ông Bhandari cho biết.
"Giống như việc giới trẻ bị thu hút bởi đồ uống có đường hoặc rượu, chúng ta cần thay đổi ngay từ thế hệ trẻ và xây dựng văn hóa cà phê. Chiến dịch sẽ được tiến hành với sự giúp đỡ, tư vấn của phụ huynh, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các công ty đường, các thương hiệu sữa".
Theo ICO, thế giới tiêu thụ 1,5 tỉ tách cà phê mỗi ngày và người tiêu dùng phải trả trung bình 3,1 USD/cốc cà phê ở Mỹ, 4,60 USD/cốc ở Thượng Hải, 6,24 USD/cốc ở Copenhagen và 3 - 4 USD ở Bangalore và New Delhi. Tuy nhiên, trên thực tế thậm chí chưa đến 5% giá trị của cốc cà phê đến tay người trồng.