Về phía EU, ngày 15/4/2019, Hội đồng Châu Âu đã gửi Công hàm thông báo với Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, Bỉ về việc Hội đồng Châu Âu đã kết thúc phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT. Như vậy, thủ tục phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT của phía EU đã hoàn thành.
Thời điểm Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào thời điểm Việt Nam hoàn thành thủ tục phê duyệt hiệp định và thông báo bằng văn bản cho Hội đồng Châu Âu.
Trước đó, ngày 18/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2076/VPCP-QHQT về việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT.
Ngày 19/4/2019, Bộ NN-PTNT đã có Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả phê chuẩn/phê duyệt và tổ chức thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU (2659/BNN-TCLN).
Hiện Bộ Ngoại giao đang làm các thủ tục để thông báo cho Hội đồng Châu Âu về việc Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị quyết phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT.
Cụ thể, nếu Bộ Ngoại giao gửi công hàm thông báo bằng văn cho Hội đồng Châu Âu về việc này ngay trong tháng 4/2019 thì Hiệp định VPA/FLEGT sẽ có hiệu lực vào ngày 01/5/2019. Quá đó, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản hợp pháp của Việt Nam sang thị trường EU, một trong những thị trường lớn, cao cấp, giá trị hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Hiệp định VPA/FLEGT chính thức được Việt Nam và EU thông qua ngày 18/10/2018 tại thủ đô Brucxen, Vương Quốc Bỉ. Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ hạn chế tiến tới chấm dứt việc khai thác gỗ bất hợp pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững đồng thời bảo vệ, khuyến khích giao thương gỗ và đồ gỗ theo các tiêu chuẩn phổ cập được hai bên cam kết.
Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định bao trùm tất cả các loại gỗ bất kể là gỗ rừng trồng, gỗ từ rừng tự nhiên hay gỗ nhập khẩu, gỗ tịch thu, gỗ từ vườn nhà, trang trại, cây phân tán hay gỗ cao su. Với vị thế là một trong các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của EU trong Chương trình VPA FLEGT toàn cầu.