Ngày 23/4, đoàn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn gồm: Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu, Phó Chủ tịch HĐND, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn... đã có buổi làm việc trực tiếp với Chủ tịch và Ban chấp hành Vinacas cùng một số DN thành viên hiệp hội, xung quanh vấn đề thúc đẩy xuất khẩu nhân điều Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.
Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, nhân điều của Việt Nam bán sang thị trường Trung Quốc trong 10 năm qua luôn chiếm 13 – 15% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu hàng năm của VN. Các cửa khẩu chính mặt hàng điều xuất qua Trung Quốc gồm Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh… Riêng các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn mặt hàng điều chưa xuất qua nhiều.
Ông Giang cho rằng, về vị trí địa lý, tính từ tâm điểm Hà Nội, rõ ràng đường lên Lạng Sơn là ngắn nhất, giảm thiểu chi phí vận chuyển cho DN. Nhưng không hiểu sao các DN Trung Quốc lại lựa chọn cửa khẩu ở những tỉnh khác để yêu cầu DN Việt Nam giao hàng cho họ?
Theo ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas, Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) là cửa khẩu chính của quốc gia và cũng là nơi đầu tiên xuất khẩu điều đi Trung Quốc. Từ năm 2020 Trung Quốc thông báo các cơ chế chính sách về xuất khẩu tiểu ngạch sẽ mất đi và họ tiến hành các bước bắt buộc các DN xuất khẩu nông sản qua họ là phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về VSATTP, truy xuất nguồn gốc và bộ chứng từ như xuất qua các nước phương Tây. Trung Quốc sẽ thành lập các tổ chức giống như FDA của Hoa Kỳ (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đến tận các nhà máy chế biến điều của Việt Nam để kiểm tra cấp mã số trước khi xuất khẩu qua Trung Quốc. Họ cũng đã thông báo mặt bằng xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phía Trung Quốc sẽ giống nhau, không còn chính sách ưu đãi khác biệt giữa các cửa khẩu nữa, vì thế, hàng hóa đi qua Lạng Sơn tới Trung Quốc có ưu thế gần nhất tính từ thủ đô Hà Nội.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty Giám định Vinacontrol TPHCM, có DN phản ánh rằng, khi họ xuất 3 xe hạt điều sang sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn, khi làm thủ tục xong thì chỉ 1 xe được qua, còn 2 xe bị ách lại chờ ngày mai hoặc thông báo sau. DN đặt câu hỏi ai là người giải thích cho họ điều này, thông tin rất mập mờ. Khi DN muốn hỏi cho ra lẽ thì không có đầu mối để phát ngôn chính thức. Một số DN cũng phản ánh các chính sách của Trung Quốc hay thay đổi đột ngột, DN Việt Nam không được thông báo trước, đến khi mang hàng đến cửa khẩu hàng bị ách lại khiến DN rất bị động…
DN khác cũng phản ánh giá xăng dầu vừa liên tục đi lên khiến chi phí vận tải càng ngày càng tăng cao. Hiện theo báo giá của các đơn vị vận tải từ TPHCM đi ra Hà Nội (chưa tính từ Hà Nội ra cửa khẩu biên giới) đã lên tới 1,7 – 3 triệu đồng cho một tấn hàng. Trước đây, các DN điều chủ yếu chọn đường bộ xuất khẩu, nhưng gần đây một số tỉnh miền Trung của Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh và Thượng Hải, đã xuất hiện nhiều đối tác mua điều của Việt Nam và họ chọn đường biển vận chuyển vì thuận tiện và giá vận chuyển rẻ hơn.
Trước những phản ánh của DN, ông Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, tỉnh Lạng Sơn sẽ tạo điều kiện tối đa cho các DN ngành điều. “Khi các DN ngành điều kết nối được với bạn hàng Trung Quốc và chọn đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn, chúng tôi cam kết luôn đón chào, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn xuất khẩu!”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng cho rằng, Thủ tướng đã có Hiệp định về Thương mại biên giới Việt - Trung và đã có chương trình hành động về vấn đề này. Tới đây, Lạng Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung này quyết liệt, cụ thể hơn. “Tôi đơn cử như, chính quyền 2 bên Lạng Sơn và Quảng Tây phải chủ động hỗ trợ các DN trong kết nối bạn hàng và thực hiện các chính sách pháp luật về biên mậu biên giới giữa 2 bên. Việc DN phản ánh đưa 3 xe đến biên giới Lạng Sơn, phía Việt Nam đã cho qua nhưng phía Trung Quốc chỉ cho thông quan 1 xe, còn 2 xe ách lại, vậy nguyên nhân từ đâu, họ có gây khó dễ hay không thì phải tìm hiểu giải quyết ngay cho DN. Có thể Lạng Sơn sẽ tổ chức hội nghị với phía Quảng Tây, tìm các giải pháp chung xuất khẩu hàng hóa một cách thuận tiện nhất cho DN hai bên”.
Tương tự, lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh Lạng Sơn như Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu đều có những cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN ngành điều trong giao thương với phía Trung Quốc trong thời gian tới.
Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN.
Lạng Sơn có đường biên giới với Quảng Tây - Trung Quốc dài trên 231 km. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quang Tây, Trung Quốc khoảng 230 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km. Khu vực này đang xây dựng tuyến đường cao tốc nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, có đường sắt liên vận quốc tế nối với Quảng Tây, Trung Quốc rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ với các tỉnh trong cả nước với Trung Quốc.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam