Tại tỉnh Bình Phước, chưa đầy hai năm, diện tích hồ tiêu đã tăng lên 726ha. Từ 16.452ha năm 2016 đến cuối năm 2018, đã lên đến 17.178ha. Bình Phước trở thành tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn thứ 3 cả nước sau Đăk Lăk, Đăk Nông. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê cho thấy, diện tích tăng lên nhưng năng suất lại giảm. Niên vụ 2016 - 2017, sản lượng tiêu Bình Phước đạt 33.676 tấn. Niên vụ 2017 – 2018 chỉ còn 18.736 tấn, tức là giảm hơn 40% so với năm 2017.
Thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh tấn công là một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất tiêu giảm. Mùa mưa kéo dài khiến dịch bệnh phát sinh. Trong đó, dịch bệnh nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, tính đến cuối năm 2018 đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn, hơn 2.600 ha bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc tăng diện tích ồ ạt khiến người dân không đủ nguồn lực để theo dõi, chăm sóc vườn tiêu được tốt. Ngoài ra còn nhiều yếu tố tác động khác.
Một điều mà người trồng tiêu ít ai ngời tới là kịch bản rớt giá của cao su năm đó lại rơi vào hồ tiêu của ba năm sau. Từ 220.000 – 230.000đ/kg, đến nay, giá tiêu chỉ quanh quẩn ở mức 43.000 - 46.000 đ/kg. Trong khi những chi phí khác lại tăng cao như phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công…Chưa kể đến, Bình Phước lại là địa phương thường phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô, mùa mưa lại lo đối mặt với lốc xoáy. Trước những khó khăn chồng chất, không ít hộ trồng tiêu rơi vào ngõ cụt, phải chuyển sang cây trồng khác.
Dù đã trồng tiêu được hơn mười năm nay với diện tích gần 4ha, nhưng ông Hồ Văn Nhật ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh cũng quyết định chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái. Ông cho biết, vài năm trở lại đây, vườn tiêu của ông liên tục bị bệnh chết nhanh chết chậm, vô phương cứu chữa. Giá bán lại không bù nổi chi phí, vốn đầu tư cho vụ mới từ đó cũng bị hạn chế.
Không khá hơn ông Nhật, ông Trần Xuân Thái, ở ấp 6B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh cũng đang tìm cây trồng khác để thay thế. Ông cho rằng, khí hậu ở địa phương không còn phù hợp để trồng tiêu. Chỉ khi có đủ nước, vườn thông thoáng, không ứ đọng mới giúp cây tiêu phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh tấn công. Người trồng tiêu rất cực mà thu lại chẳng bao nhiêu, quá chán nản.
Để khắc phục dịch bệnh lây lan trên tiêu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng cho đến nay, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải. Trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp điều trị hữu hiệu, thì hàng ngày, người dân vẫn phải tự xoay xở vườn tiêu của mình.
Về vấn đề tiêu thụ tiêu, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã phối hợp với công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, lập dự án phát triển tiêu bền vững. Trong đó, phía công ty cam kết sẽ đồng hành với người dân về kỹ thuật cũng như bao tiêu đầu ra. Trước mắt, công ty sẽ tiến hành thu mua khoảng 10.000 tấn hồ tiêu, phần nào giải quyết những khó khăn cho người dân trong vụ mùa năm nay. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các cơ quan chức năng tham gia giúp người dân thu hoạch tiêu cho đúng thời vụ, khuyến cáo người dân không nên bỏ thu hoạch để đảm bảo đủ thời gian cho cây tiêu phục hồi.
Trước những khó khăn mà hồ tiêu đang gặp phải, việc từng bước quy hoạch lại diện tích trồng tiêu là điều cần thiết. Theo kế hoạch thì hiện nay, diện tích này đã vượt quá quy hoạch hơn 3.000ha. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích cây tiêu sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Người dân không nên ồ ạt chuyển đổi, mà chỉ nên giảm ở những vùng cho năng suất kém như quá trũng, hoặc quá cao gây khó khăn cho việc tưới nước vào mùa khô; những vùng tiêu đã bị chết vì bệnh trước đó.
Theo Cổng Nông Dân