Tuy nhiên, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho cây chè vẫn là vấn đề lớn mà ngành nông nghiệp đang đặt trọng tâm để tạo chuyển biến.
|
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra dự án SX chè an toàn tại chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên). (Ảnh: Quỳnh Trang). |
Xuất phát từ yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng cũng như những hạn chế trong khâu tổ chức SX, chế biến và tiêu thụ của ngành chè, từ năm 2017, Bộ NN-PTNT đã quyết định phê duyệt dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2017-2019 về SX chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Tại vựa chè Thái Nguyên, kết quả sau gần 3 năm triển khai dự án cho thấy, những vấn đề nan giải của ngành chè lâu nay như sử dụng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cho cây chè đã từng bước chuyển biến rõ rệt.
Là vùng SX chè truyền thống của tỉnh Thái Nguyên với diện tích trên 400ha, có lợi thế chất đất đồi rất phù hợp cho cây chè phát triển, tuy nhiên những năm trước đây, huyện Đồng Hỷ lại là địa phương được đánh giá có năng suất, giá trị cây chè còn rất thấp. HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ) với những đồi chè đẹp miên man, là vùng chè lâu đời của huyện Đồng Hỷ.
Trước khi triển khai dự án do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai, cây chè của HTX này có năng suất bình quân chỉ xoay quanh khoảng 8,5 tấn/ha/năm. Thiếu thông tin thị trường nên trước đây, lượng chè búp tươi của HTX chủ yếu được bán cho các NM chè tại địa phương, với giá chè nguyên liệu có thời điểm chỉ xoay quanh 10.000 đ/kg. Trị giá cây chè mang lại mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha.
Với sự vào cuộc của dự án, một tổ dịch vụ BVTV được thành lập, phối hợp với HTX và cán bộ khuyến nông thường xuyên điều tra giám sát, dự tính dự báo sâu bệnh hại. Nông dân trồng chè từ chỗ phun thuốc theo cảm tính, đã được tư vấn, ghi chép lịch sử sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, cung ứng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng trên chè khi đến ngưỡng phải phun trừ, đảm bảo thời gian cách ly. Qua gần 3 năm triển khai dự án, số lần phun thuốc đã được giảm ½ so với trước đây. Bên cạnh đó, cây chè được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh như: bón phân cân đối; chăm sóc, tưới theo quy trình VietGAP...
Chỉ trong 3 năm triển khai dự án, năng suất, chất lượng chè của HTX Thịnh An đã có sự cải thiện vượt bậc. Nếu như trước đây, chè chỉ cho hoạch bình quân 6,5 lứa/năm (vụ đông gần như không cho thu hoạch) thì đến nay, các vùng chè triển khai dự án đã cho thu hoạch bình quân 8 lứa/năm. Năng suất chè từ mức bình quân 8,5 tấn/ha, đã tăng lên mức hơn 11 tấn/ha. Các chỉ tiêu về chất lượng chè búp như số búp/m2; trọng lượng búp tươi... được nâng lên rõ rệt, độ đồng đều cao.
Bà Vũ Thị Hảo, Giám đốc HTX chè Thịnh An cho biết: Đến nay, 150 hộ dân trồng chè tham gia dự án, với tổng diện tích hơn 50ha chè đã được chính thức công nhận quy trình SX chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với việc cải thiện chất lượng, tăng năng suất chè cao hơn trước trên 30%, dự án đã hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ, tên tuổi sản phẩm chè của HTX dần được khẳng định. Sản phẩm chè của HTX đã được tham gia các hội chợ lớn tại TP.HCM, xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm quảng bá chè an toàn tại các tỉnh như Hải Phòng, TP Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM, Bình Dương... Chỉ trong 3 năm gần đây, HTX đã tạo được kênh tiêu thụ ổn định cho các dòng sản phẩm chè xanh an toàn VietGAP với giá cao.
“Trước đây, giá chè búp nguyên liệu các hộ dân chỉ bán cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh khoảng 18.000 - 20.000 đ/kg, thì nay nhờ có đầu tiêu thụ ổn định, HTX đã bao mua toàn bộ chè búp tươi nguyên liệu cho toàn bộ hộ dân trong HTX với giá ổn định hơn 25.000 đ/kg. Cộng với việc giảm được chi phí SX từ 25-30% so với trước, giá trị thu nhập từ cây chè của bà con đã tăng thêm từ 50-70% so với khi chưa triển khai dự án” – bà Vũ Thị Hảo cho biết.
Theo Nông nghiệp Việt Nam